Nghề đan lục bình mang lại ấm no cho người dân Vĩnh Thạnh

Vĩnh Thạnh có bước đi đúng hướng, trong đó phải kể đến mô hình đan lát lục bình - nghề “làm chơi, ăn thật” theo cách nói của người dân nơi đây đã giúp họ thoát nghèo.
Nghề đan lục bình mang lại ấm no cho người dân Vĩnh Thạnh ảnh 1(Ảnh minh họa: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN)
Vĩnh Thạnh là xã vùng sâu của huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) có 2.511 hộ, với 10.506 khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Khmer chiếm 21,73% dân số toàn xã.
Thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo, những năm qua, Vĩnh Thạnh có bước đi đúng hướng, trong đó phải kể đến mô hình đan lát lục bình - nghề “làm chơi, ăn thật” theo cách nói của người dân nơi đây đã giúp họ thoát nghèo.
Những ngày giáp Tết Nguyên đán 2015, có dịp trở lại Vĩnh Thạnh, trong không khí mọi nhà chuẩn bị đón Tết, niềm vui của người dân nơi đây như được nhân đôi, bởi nhiều ngôi nhà mới mọc lên khang trang, trong nhà mua sắm những thiết yếu cần thiết cho những ngày Tết sum vầy.
Đến tổ hợp tác đan lục bình ngụ ấp Vĩnh Thanh, xã Vĩnh Thạnh trong những ngày này mới thấy hết không khí lao động khẩn trương, vui vẻ của chị em nơi đây. Ai cũng phấn khởi, vì sản phẩm làm đến đâu đều được doanh nghiệp thu mua và thanh toán tiền mặt đến đó.
Có việc làm, thu nhập ổn định, không khí lao động trong xóm càng nhộn nhịp hơn, bởi ai cũng tranh thủ làm nhiều hơn một chút để có thêm khoản chi tiêu đón Tết.
Lớp dạy nghề do doanh nghiệp Trung Tín Lục Bình phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vĩnh Thạnh tổ chức từ cuối tháng 9/2014 đã góp phần nâng cao tay nghề của chị em, chất lượng sản phẩm làm ra cũng đẹp hơn, đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.
Chị Lý Thị Như, ngụ ấp Vĩnh Thanh, xã Vĩnh Thạnh cho biết, ngoài công việc nhà, mỗi ngày chị tranh thu đan được 10 sản phẩm, thu nhập được 55.000 đồng. Còn nếu làm thường xuyên mỗi ngày khoảng 20 sản phẩm, thu nhập sau khi trừ chi phí trên 100.000 đồng. Còn nếu cây lục bình tự tìm kiếm ngoài sông đem về phơi khô, sau đó tự làm có được 150.000 đồng/ngày.
Hiện nay, chị Như đang là tổ trưởng đứng ra nhận khuôn, sau đó phân phối ra tổ viên và gom sản phẩm giao cho doanh nghiệp.
Tại ấp Vĩnh Thanh, xã Vĩnh Thạnh hiện có trên 100 phụ nữ được học nghề và đã cải thiện được cuộc sống từ nghề đã học. Nguồn thu nhập này tuy không lớn, nhưng nó đã góp phần đáng kể cho chị em, nhất là phụ nữ dân tộc Khmer ở vùng sâu trong việc xóa đói, giảm nghèo. Do việc đan lát tại nhà cũng vừa tiện lợi cho việc chăm sóc gia đình, vừa có nguồn thu nhập riêng ngoài làm ruộng, vườn, chăn nuôi, nên ai cũng phấn khởi.
Chị Thị Thoa, ấp Vĩnh Thạnh, chia sẻ: “Từ khi có nguồn thu từ nghề đan lát lục bình, mọi sinh hoạt trong gia đình cũng được khá hơn trước. Chị em ở đây đoàn kết và quyết tâm làm cho được để giữ chữ tín với doanh nghiệp. Nhờ nguồn thu từ nghề đan lục bình, gia đình tôi đến giờ đã mua những thứ thiết yếu dùng trong những ngày Tết.”
Trong mấy ngày qua, gia đình chị Quang Thị Nghi, thành viên tổ đan lục bình ấp Vĩnh Thanh phải tập trung nhiều hơn cho công việc vì gần Tết sản phẩm càng nhiều nên cả ba người trong gia đình mỗi người một việc. Nhờ đó, mỗi ngày cũng có thu nhập hơn 100.000 đồng/người.
Năm 2014, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vĩnh Thạnh phối hợp với doanh nghiệp tư nhân Trung Tín Lục Bình mở 4 lớp học nghề đan lát lục bình cho 156 chị em ở bốn ấp Vĩnh Thanh, Vĩnh Thành, Vĩnh Lợi và Vĩnh Lộc.
Hiện nay hầu hết các chị đều tham gia học nghề và đã cho thu nhập đều đặn, giúp chị em nâng cao mức sống hơn trước. Có được công việc phù hợp, lo cho cuộc sống nên ai cũng phấn khởi hăng hái lao động và đoàn kết giúp đỡ nhau với mong muốn công việc làm ăn thuận lợi và lâu dài.
Theo Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vĩnh Thạnh Huỳnh Trúc Linh, phong trào đan đát lục bình trong chị em phụ nữ, nhất là đối với phụ nữ dân tộc Khmer là rất hiệu quả. Qua đó, giải quyết việc làm tại chỗ cho chị em có thu nhập dần ổn định cuộc sống và giúp cho công tác xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh.
Mô hình nghề thủ công đan đát lục bình giải quyết lao động nhàn rỗi tại nhà đã giúp mỗi gia đình ở xã vùng sâu Vĩnh Thạnh dần nâng cao cuộc sống. Đây cũng là điều kiện cùng với chính quyền địa phương đẩy nhanh thực hiện tiêu chí giảm nghèo, nâng cao thu nhập để cùng nhau xây dựng nông thôn mới.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Thạnh Trần Văn Vũ, tổ đan lát lục bình trên địa bàn xã đã góp phần đáng kể trong công tác xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Đáng kể nhất là vai trò của đảng viên, đặc biệt là đảng viên dân tộc Khmer trong công tác tuyên truyền vận động chị em tham gia.
Hiện nay, toàn xã có 193 đảng viên, trong đó có 22 đảng viên là đồng bào dân tộc Khmer. Nhiều đảng viên dân tộc được phân công phụ trách các ấp rất nhiệt tình với công việc. Các đảng viên dân tộc vừa có uy tín ở địa phương vừa biết tiếng dân tộc nên thuận lợi trong công tác vận động, tuyên truyền, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị ở địa phương./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục