Nghề đặt trúm bắt lươn phát triển mạnh ở Cà Mau

Cứ vào tháng 7 tới tháng 10, nghề đặt trúm bắt lươn bắt đầu vào mùa khai thác. Ở thị trường Cà Mau, giá mỗi kg lươn lên tới 200.000 đồng.
Toàn tỉnh Cà Mau hiện có trên 1.200 hộ dân phát triển nghề đặt trúm truyền thống. Đây là nghề ra đời và tồn tại hàng trăm năm nay.

Trúm là loại dụng cụ để bắt lươn - một loại thủy sản có giá trị kinh tế cao. Hiện nay ở thị trường Cà Mau, giá mỗi kg lươn lên tới 200.000 đồng.

Theo ông Dư Hoàng Lâm, người kế nghiệp nghề đặt trúm "cha truyền con nối ba đời" thuộc tập đoàn 19/5 ở huyện U Minh (Cà Mau) cho biết, rừng U Minh được biết với nhiều loài động thực vật phong phú và quý hiếm, trong đó có lươn đã trở thành thương hiệu và được công nhận là sản vật của vùng đất Mũi Cà Mau. Hiện nay, tập đoàn 19/5 có trên 200 hộ dân làm nghề đặt trúm bắt lươn.

Hàng năm, cứ vào tháng 7 tới tháng 10, nghề đặt trúm bắt lươn bắt đầu vào mùa khai thác. Đây chính là thời điểm lượng mưa kéo dài, các thảm thực vật trên lâm phần rừng tràm bắt đầu phát triển dày đặc, khi đó lươn theo những thảm thực vật này trú ẩn để bắt mồi.

Nắm bắt được tính quy luật của tự nhiên, người dân đã tìm ra nhiều phương pháp bắt lươn trong đó nghề đặt trúm được phổ biến nhất. Trước đây trúm được làm bằng tre là chủ yếu, nay nguyên liệu được chọn thay thế là ống nhựa; nhưng làm trúm bằng ống tre là tốt nhất.

Ống trúm rất dễ làm, chỉ cần chọn cây tre to cắt khúc dài khoảng 1,2m làm ống, sau đó đục lỗ cho ống thông hơi. Kế đến dùng chính thân tre vót mỏng bện thành hom để khi lươn vô mà không thể thoát ra được. Mồi đặt trúm cũng rất đơn giản, chỉ cần dùng cá sặc, cua đồng, nhái, các loại trùng, ốc. Mồi được nấu chín, cho thêm một ít dầu cá vào rồi gói lại cho vào ống trúm.

Theo kinh nghiệm, khi đặt trúm cần chọn những nơi có thảm thực vật dày đặc và có nhiều ủ rác, nơi không sâu và cũng không quá cạn, màu nước phải đỏ hoặc nước đục mới có lươn. Ống trúm phải nghiêng một góc khoảng 45 độ và dùng chính loài thực vật tại chỗ quấn chặt lại; đuôi trúm phải nổi lên mặt nước khoảng 5-7cm thì lươn mới không bị chết.

Ngoài ra hướng gió cũng quyết định đến năng suất, nếu chọn ngược chiều gió, lượng lươn bắt được sẽ không nhiều nên miệng trúm được dân trong nghề quay xuôi theo chiều gió, nhờ vậy mùi vị của mồi lươn lan tỏa nhanh và xa hơn giúp cho lươn tìm tới ống trúm được dễ dàng mà không mất phương hướng.

Hiện nay có tới 30-40% người dân sống trên lâm phần rừng tràm U Minh hạ làm nghề này. Mỗi đêm, người thợ đặt trúm chỉ cần 20-30 ống trúm là đã đạt thu nhập bình quân từ 200.000-300.000 và có thể nhiều hơn tùy theo năng suất và lượng trúm đặt.

Việc đặt lươn bằng phương pháp thủ công truyền thống vừa không xâm hại đến các loài khác, không ảnh hưởng đến tài nguyên rừng mà còn góp phần tạo việc làm lúc nhàn rỗi và tăng thu nhập cho người dân./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục