Nghề nuôi cá tra phát triển nhưng chưa bền vững

Theo Hiệp hội Thủy sản các tỉnh ĐBSCL, giai đoạn hiện nay, tuy nghề nuôi cá tra trong khu vực có phát triển nhưng chưa bền vững.
Đại diện Hiệp hội Thủy sản 9 tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang chung sức tháo gỡ khó khăn và kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương các giải pháp phát triển sản xuất, tiêu thụ cá tra bền vững.

Theo Hiệp hội Thủy sản các tỉnh thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giai đoạn hiện nay, tuy nghề nuôi cá tra trong khu vực có phát triển nhưng chưa bền vững. Khó khăn nổi bật hiện nay của nghề nuôi cá tra là việc thông tin về thị trường không được cập nhật liên tục; giá cả đầu vào và lãi suất ngân hàng tăng cao.

Ngoài ra, mối liên kết giữa người nuôi và các doanh nghiệp chế biến thủy sản chưa chặt chẽ, chưa tạo được chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ; việc tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng còn nhiều hạn chế, đặc biệt là đối với người nuôi nhỏ lẻ.

Để tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển mạnh, bền vững nghề nuôi cá tra, các Hiệp hội thủy sản 9 tỉnh thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương cần xây dựng dự án và chương trình thực hiện Đề án sản xuất và tiêu thụ cá tra đến năm 2020; đề xuất các chính sách hỗ trợ tài chính để xây dựng các mô hình trình diễn theo VietGAP và các tiêu chuẩn quốc tế khác.

Các Bộ, ngành Trung ương cũng cần xây dựng quy chuẩn, quy chế đánh giá công nhận chuỗi liên kết dọc; sớm ban hành luật về Hội, Hiệp hội nhằm tạo hành lang pháp lý hoạt động được thuận lợi và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu tháo gỡ những vướng mắc giúp các cơ sở, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay, nhất là những bất cập về điều kiện vay vốn và thủ tục giải ngân đối với các cơ sở nuôi, sản xuất giống, chế biến và tiêu thụ cá tra.

Riêng Bộ Công thương cần phối hợp với các Bộ, ngành liên quan sớm có giải pháp bình ổn giá các yếu tố đầu vào (thuốc thú y, thức ăn...), xây dựng giá sàn thu mua cá tra, chấn chỉnh lại phương thức thu mua cá nguyên liệu khắc phục tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh trong thu mua, mở rộng tiếp thị, quảng bá tìm thị trường tiêu thụ cho mặt hàng xuất khầu chủ lực này của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Hiệp hội Thủy sản các tỉnh thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trong 8 tháng đầu năm 2011, mặc dù giá bán cá tra nguyên liệu luôn ở mức cao (dao động từ 23.000-29.500 đồng/kg) nhưng do người nuôi thiếu vốn, lãi suất ngân hàng cao cùng với sự dè dặt về sự ổn định của giá mua cá nguyên liệu nên diện tích cá tra trong vùng không xảy ra tăng đột biến như năm 2008.

Tổng diện tích mặt nước nuôi cá tra trong khu vực hiện nay đạt hơn 4.000ha, tăng gần 400ha so với cùng kỳ năm trước; trong đó, diện tích đã thu hoạch trên 2.240ha.

Sản lượng cá tra từ đầu năm đến cuối tháng 8/2011 đạt hơn 695.200 tấn, giảm trên 150.600 tấn. Diện tích thả nuôi chỉ “tăng tốc” từ tháng 4/2011- khi giá cá nguyên liệu tăng từ 25.000-26.000 đồng/kg, mở đầu cho đợt tăng giá kỷ lục 29.500 đồng/kg vào cuối tháng Năm.

Nhưng đến cuối tháng 6/2011, giá bán cá nguyên liệu lại giảm xuống 23.000 đồng/kg. Vì vậy, trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long không ít hộ nuôi đã thu hoạch cá xong nhưng không mặn mà thả nuôi lại mà “treo” ao chờ hoặc chuyển sang thả nuôi các loại cá khác có giá bán cao và ổn định hơn như cá điêu hồng, cá phi.

Một số ít các doanh nghiệp chế biến có quy mô lớn, có lợi thế về vốn, thị trường, có khả năng tự sản xuất được thức ăn không chỉ thả nuôi lại, mở rộng diện tích mà còn xây dựng vùng nuôi riêng khép kín hoặc liên kết sản xuất để tạo nguồn cá nguyên liệu cho chế biến.

Đến thời điểm hiện nay, các tỉnh đang có diện tích mặt nước thả nuôi cá tra nhiều là Đồng Tháp (1.257ha), An Giang (771ha), Cần Thơ (776ha), Vĩnh Long (296ha), ít nhất là Trà Vinh chỉ có 91ha.

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn đang tiềm ẩn những yếu tố thiếu sự ổn định trong chế biến và tiêu thụ cá tra, mặc dù sản phẩm cá tra Việt Nam cũng đã xuất khẩu sang 131 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng khối lượng hơn 319.350 tấn, đạt giá trị hơn 828 triệu USD, tăng gần 5% về khối lượng và 27% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Nếu 1 số ít doanh nghiệp sản xuất chế biến ở quy mô lớn đã chủ động được nguồn cá nguyên liệu thì các doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn không có vùng nuôi trồng, phải đi mua cá nguyên liệu nên chỉ đáp ứng được 60% công suất chế biến dẫn đến tình trạng thiếu nguyên liệu cục bộ.

Bên cạnh đó, hiện nay, một số thị trường có nhu cầu sử dụng cá philê nhỏ nên doanh nghiệp tập trung thu mua cá loại dưới 750g/con, xảy ra tình trạng thừa cá kích cỡ trên 800g/con và thiếu cá kích cỡ dưới 750g/con. Nguyên nhân chính là do thiếu sự liên kết, thông tin chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người nuôi.

Theo thống kê của các Hiệp hội thủy sản Đồng bằng sông Cửu Long, hiện trong vùng chỉ có khoảng 50-60% các cơ sở nuôi cá tra ký kết được hợp đồng với các công ty cung cấp thức ăn 2 tháng cuối của vụ nuôi, số còn lại, các hộ nuôi tự mua thức ăn, tự liên hệ bán cho người mua giá cao, không ký kết hợp đồng từ khi sản xuất.

Ngoài ra, có trường hợp doanh nghiệp chế biến “bẻ kèo” với nông dân vì khi ký kết hợp đồng giá cao nhưng khi thu hoạch, giá cá sụt giảm. Người nuôi vừa bị thiệt do giá cá giảm lại vừa bị thiệt vì cá tra quá lứa./.

Phạm Thị Bình (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục