Chính phủ vừa ban hành Nghị định 114/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 116/2020/QH14 của Quốc hội về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác.
Theo đó, về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, Nghị định nêu rõ, giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, điều này sẽ là động lực tiếp sức giúp các doanh nghiệp vượt khó trong thời gian này, khi dịch COVID-19 đang dần lắng xuống.
Theo Nghị định 114/2020/NĐ-CP, tổng doanh thu năm 2020 làm căn cứ xác định đối tượng áp dụng được giảm thuế là tổng doanh thu trong kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 của doanh nghiệp bao gồm toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền cung ứng dịch vụ kể cả trợ giá, phụ thu, phụ trội mà doanh nghiệp được hưởng theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Ông Đoàn Văn Kết, Giám đốc Công ty Cơ khí SKD Việt Nam cho biết, trong thời gian dịch bệnh vừa qua, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn về nguồn hàng và đầu ra sản phẩm.
Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ vay vốn, thuế, phí, bảo hiểm cho người lao động... khó đến tay người tiêu dùng do các điều kiện đi kèm.
[Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong năm 2020]
Nghị định 114/2020/NĐ-CP được ban hành cho thấy sự quyết tâm của Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi phát triển sau dịch bệnh COVID-19.
Chính sách giảm thuế này đến trực tiếp hơn với các doanh nghiệp. “Hiện nay, số doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm hơn 90% tổng số doanh nghiệp. Đây là đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất do dịch bệnh COVID-19 gây ra. Vì thế, chính sách giảm thuế sẽ hỗ trợ có độ phủ hỗ trợ lớn,” ông Kết nói.
Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc điều hành Công ty trách nhiệm hữu hạn vật liệu Tầm Nhìn Việt cho hay, Nghị định 114/2020/NĐ-CP sẽ hỗ trợ doanh nghiệp rất nhiều. Bởi, 30% mức thuế thu nhập doanh nghiệp dù không phải là con số lớn, nhưng trong bối cảnh phục hồi sau dịch bệnh COVID-19 thì đây là điều rất tốt với doanh nghiệp.
Dự kiến, với mỗi doanh nghiệp nhỏ, cũng có thể được giảm khoản kha khá để tiếp tục đẩy mạnh đầu tư kinh doanh.
“Công ty sẽ xây dựng thêm nhà máy sơn xử lý bề mặt tĩnh điện để nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng hơn nữa quy mô sản xuất để có thể thực hiện, đáp ứng nhiều hơn nữa nhu cầu của khách hàng. Mặc dù, đang trong giai đoạn khó khăn, phục hồi sản xuất nhưng công ty vẫn không ngừng nỗ lực để đảm bảo được nguồn tiền lương, thu nhập cho người lao động,” ông Vinh cho hay.
Không chỉ với những doanh nghiệp hoạt động lâu năm, mà với những doanh nghiệp mới thành lập và hoạt động, Nghị định này cũng đã có những quy định rõ ràng để hỗ trợ.
Cụ thể, trường hợp doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển đối hình thức sở hữu, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản trong kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 hoạt động không đủ 12 tháng thì tổng doanh thu năm 2020 được xác định bằng tổng doanh thu thực tế trong kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 chia cho số tháng doanh nghiệp thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh trong kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 nhân với 12 tháng.
Trường hợp doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức sở hữu, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản trong tháng thì thời gian hoạt động được tính đủ tháng.
Tuy nhiên, theo ý kiến của chuyên gia và doanh nghiệp, Nghị định 114/2020/NĐ-CP nên mở rộng ra cho toàn bộ cộng đồng doanh nghiệp, bởi các doanh nghiệp, tập đoàn lớn cũng là những đơn vị chịu tác động mạnh mẽ nhất do dịch bệnh.
Đại diện lãnh đạo Hiệp hội Thép Việt Nam cho hay, có rất nhiều ngành như hàng không, dịch vụ lưu trú, du lịch, các doanh nghiệp dệt may, da giày, sắt thép, ô tô... đều chịu tác động rất lớn của dịch bệnh.
Trong ngành thép, các doanh nghiệp ngoài việc bị đứt gãy nguồn cung-cầu, thì cũng gặp nhiều khó khăn trong hoạt động, sản xuất... Vì vậy, các doanh nghiệp trong ngành cũng rất mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ và các bộ, ngành.
Ông Nguyễn Văn Sưa, chuyên gia trong ngành thép cho rằng, mọi sự hỗ trợ như thuế, phí, vay vốn, thúc đẩy đầu ra cho sản phẩm (tăng giải ngân vốn đầu tư công)... đều rất tốt đối với doanh nghiệp hiện nay.
Đặc biệt là việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp nói chung và ngành thép nói riêng có thêm nguồn tiền để tái đầu tư, mở rộng sản xuất và phục hồi nhanh hơn sau dịch bệnh. Do vậy, cần mở rộng hơn cho toàn bộ các doanh nghiệp được hưởng, chứ không chỉ riêng khối doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ông Sưa cũng cho biết thêm, các chính sách của Chính phủ đưa ra rất quyết liệt và đáng quý, nhưng cần thực hiện sớm, không để trở ngại cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, có thể giúp doanh nghiệp bằng các biện pháp khác, như giãn thời gian nộp thuế, phí, đồng thời giảm bớt các điều kiện cho vay ưu đãi để giúp doanh nghiệp dễ tiếp cận vốn vay hơn nữa./.