Nghị định 42/CP: Siết lại hoạt động kinh doanh hàng đa cấp

Từ ngày 1/7, Nghị định 42/NĐ-CP có hiệu lực sẽ siết lại hoạt động bán hàng đa cấp vào khuôn khổ, cũng như tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp.
Nghị định 42/CP: Siết lại hoạt động kinh doanh hàng đa cấp ảnh 1Lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra chất lượng hàng hóa (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Lợi dụng kẽ hở của pháp luật nên thời gian qua, một số công ty bán hàng đa cấp đã có rất nhiều hoạt động lừa gạt khách hàng, thu lợi bất chính.

Để khắc phục hiện tượng này, Nghị định 42/NĐ-CP về hoạt động bán hàng đa cấp ra đời sẽ là công cụ hữu hiệu để đưa hoạt động bán hàng đa cấp vào khuôn khổ, cũng như tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Nội dung trên được ông Bạch Văn Mừng, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đưa ra tại buổi tọa đàm "Hành lang pháp lý trong ngành bán hàng đa cấp" do Hội nhà báo Thành Phố Hồ Chí Minh phối hợp với Cục Quản lý cạnh tranh tổ chức chiều 25/7, tại Nha Trang.

Cấm thực hiện mô hình kim tự tháp

Theo ông Bạch Văn Mừng, ngành hàng đa cấp của Việt Nam thời gian qua đã bộc lộ nhiều yếu kém, thậm chí núp bóng bán hàng đa cấp theo mô hình kim tự tháp (không được pháp luật thừa nhận) để lừa dối người tiêu dùng.

Có thể thấy, bài học lớn nhất được lôi ra ánh sáng là vụ công ty MB24 do Nguyễn Tuấn Minh làm chủ tịch hội đồng quản trị. Tuy chưa được cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử nhưng công ty này đã tung ra nhiều chiêu trò để dụ dỗ khách hàng.

Thủ đoạn của các bị cáo là tuyên truyền lôi kéo bán gian hàng ảo trên web muaban24.vn, lấy tiền của hội viên sau trả cho hội viên trước, tạo ra một tài khoản trên hệ thống muaban24.vn để đưa tiền ảo vào hệ thống rồi rút tiền thật của các hội viên để chiếm đoạt.

Bằng các thủ đoạn nêu trên, trong khoảng thời gian từ tháng 5/2011 đến tháng 7/2012, Minh và đồng bọn đã bán được gần 120.000 gian hàng ảo với số tiền hơn 600 tỷ đồng. Sau đó Minh và đồng bọn đã rút hơn 30 tỷ đồng để chi tiêu cá nhân. Vụ án có tổng cộng 107 người bị hại.

Không chỉ MB24 mà hàng loạt công ty kinh doanh hàng đa cấp tại Việt Nam thời gian qua cũng bị phát giác do làm ăn phi pháp, đơn cử như công ty Tâm Mặt Trời, Công ty Cộng Đồng Việt, Colonyinvest... và số người trở thành nạn nhân của các công ty này là hàng chục nghìn người, tổng số tiền chiếm đoạt lên đến cả nghìn tỷ đồng.

Điều đáng nói là lợi nhuận không đến từ việc bán sản phẩm mà thực tế lại đến từ việc lôi kéo được nhiều người tham gia bán hàng đa cấp. Tức là người muốn tham gia bán hàng phải đặt cọc hoặc đóng một khoản tiền nhất định để được quyền tham gia mạng lưới, thậm chí phải mua một số lượng hàng hóa nhất định. Điều này đã dẫn đến sự đổ vỡ trong hệ thống do người vào trước sẽ kiếm tiền bằng các khoản phí của người đến sau.

Do vậy, để siết lại hoạt động này, ông Mừng cho biết, Nghị định 42/CP có hiệu lực từ ngày 1/7 quy định doanh nghiệp bán hàng đa cấp không được thực hiện mô hình kim tự tháp nhằm chú trọng đầu tư nhiều hơn cho sản phẩm của công ty cũng như chăm sóc khách hàng tốt hơn.

Bộ Công Thương trực tiếp cấp phép

Để tránh hoạt động biến tướng, tác động xấu đến nền kinh tế, lãnh đạo Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, một điểm mới của Nghị định 42/CP quy định người bán hàng đa cấp không được cung cấp thông tin sai lệch về công dụng của hàng hóa.

Thêm vào đó, Nghị định 42/CP đã quy định rõ tổng trị giá hoa hồng, tiền thưởng trả cho người tham gia bán hàng đa cấp trong một năm không được vượt quá 40% tổng doanh thu trong năm đó. Mục đích của việc này là giám sát các khâu trung gian, đưa giá sản phẩm về sát với giá trị thực.

Đáng lưu ý, Nghị định mới sẽ chuyển việc cấp phép kinh doanh bán hàng đa cấp từ Sở Công Thương về Cục Quản lý cạnh tranh nhằm tránh tình trạng doanh nghiệp được cấp phép tại tỉnh này nhưng lại sang tỉnh khác hoạt động và khi có sai phạm thì lại đổ lỗi cho nhau.

Không dừng ở đó, Nghị định 42/CP yêu cầu doanh nghiệp bán hàng đa cấp định kỳ 6 tháng, phải nộp báo cáo về kết quả hoạt động bán hàng bao gồm: doanh thu bán hàng, thống kê về các sản phẩm kinh doanh đa cấp, số lượng người tham gia bán hàng đa cấp theo yêu cầu của Sở Công thương.

"Vốn pháp định của doanh nghiệp đăng ký kinh doanh ngành bán lẻ theo phương thức đa cấp là 10 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp phải ký quỹ 5% vốn điều lệ nhưng không thấp hơn 5 tỷ đồng tại một ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính," ông Mừng cho hay.

Tính đến hết năm 2013, cả nước có 67 doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh hàng đa cấp, trong đó chủ yếu hoạt động ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh với lượng người tham gia bán hàng lên tới 1,2 triệu người.

Trong năm ngoái, cơ quan chức năng đã rút giấy phép của 5 doanh nghiệp hoạt động do chưa tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về kinh doanh hàng đa cấp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục