Đến thời điểm này, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô đã quy định đảm bảo có 5 loại hình vận tải hành khách theo đúng Luật Giao thông đường bộ, đồng thời có ứng dụng khoa học công nghệ cho tất cả các loại hình vận tải, có nhận diện rõ ràng để tạo thuận lợi cho người dân được chọn.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP, Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức nhiều cuộc họp với các bộ, ngành liên quan nhằm làm rõ các nội dung đề xuất, kiến nghị với dự thảo Nghị định.
Bên cạnh việc tạo thuận lợi cho người dân, dự thảo Nghị định cũng đã bổ sung trách nhiệm của đơn vị vận tải, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, tăng cường phối hợp giữa bộ, ngành địa phương trong quản lý hoạt động vận tải, quản lý thuế, khám sức khỏe cho lái xe..., đặc biệt là an toàn giao thông và trách nhiệm của đơn vị vận tải đối với đảm bảo an toàn giao thông.
Về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho hay dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 đã bổ sung một số quy định như phải tập huấn cho người đại diện theo pháp luật, người điều hành vận tải và bộ phận quản lý; theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông của đơn vị kinh doanh vận tải nếu để xảy ra tai nạn từ mức nghiêm trọng trở lên.
Doanh nghiệp, hợp tác xã sử dụng hợp đồng điện tử phải có bộ phận quản lý theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông theo quy định.
Dự thảo nghị định cũng quy định phải có dây an toàn tại các vị trí ghế ngồi, giường nằm; lập, cập nhật đầy đủ các nội dung vào lý lịch phương tiện, lý lịch hành nghề lái xe theo quy định.
Đặc biệt, trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86, Bộ Giao thông Vận tải đã bổ sung các quy định để phân định về nhận diện phương tiện kinh doanh, hộp đèn xe hợp đồng điện tử, bố trí điểm đỗ xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch, xe buýt..., từ đó ưu tiên phương tiện vận tải hành khách công cộng như xe buýt, xe taxi trong tổ chức giao thông nhằm góp phần giảm ùn tắc giao thông.
Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 cũng bổ sung quy định liên quan đến đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, điều hành giao thông vận tải; khuyến khích các thành phần kinh tế, các loại hình kinh doanh vận tải ứng ứng dụng khoa học công nghệ; loại bỏ những nội dung gây cản trở tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh vận tải theo quy định của pháp luật, cũng như làm triệt tiêu các mô hình đổi mới sáng tạo.
Dự thảo Nghị định đã bổ sung quy định tất cả các loại hình kinh doanh vận tải, đơn vị bến xe phải ứng dụng khoa học công nghệ để phục vụ quản lý của doanh nghiệp...
Đi vào chi tiết các điều khoản của dự thảo thay thế Nghị định 86, Bộ Giao thông Vận tải cho hay đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ôtô dưới 9 chỗ ngồi (kể cả người lái xe), Bộ Giao thông Vận tải điều chỉnh, bổ sung một số nội dung như định nghĩa về kinh doanh vận tải bằng xe ôtô "là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi."
Bộ Giao thông Vận tải điều chỉnh, bổ sung một số nội dung như: định nghĩa về kinh doanh vận tải bằng xe ôtô “là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi."
Lý giải về nội dung này, Bộ Giao thông Vận tải cho biết việc điều chỉnh nhằm phân định rõ hơn đơn vị kinh doanh vận tải với đơn vị cung cấp dịch vụ khác có liên quan hoạt động vận tải. Điều này thể hiện đúng bản chất của hoạt động kinh doanh vận tải trong xu thế ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ và liên kết phát triển doanh nghiệp giai đoạn hiện nay và giai đoạn tới, tạo sự minh bạch, tránh phát sinh đùn đảy trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước, với khách hàng trong hoạt động kinh doanh vận tải.
Bộ Giao thông Vận tải cũng điều chỉnh bổ sung nội dung: “Trường hợp xe ôtô có sức chứa dưới 9 chỗ sử dụng hợp đồng điện tử phải có hộp đèn với chữ "Xe hợp đồng" gắn cố định trên nóc xe, kích thước hộp đèn tối thiểu 12x30cm.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, việc bổ sung nội dung này nhằm bảo đảm quản lý đúng loại hình kinh doanh vận tải, xác định rõ hình thức ứng dụng hợp đồng đồng điện tử với loại hình taxi; đồng thời làm rõ nhận diện của các phương tiện kinh doanh loại hình này, tránh tình trạng xe cá nhân trá hình kinh doanh, gây khó khăn cho lực lượng tuần tra kiêm soát và tổ chức giao thông đô thị.
[Cần có giải pháp để quản lý loại xe hợp đồng “trá hình”]
Đặc biệt, một nội dung quan trọng cũng được các doanh nghiệp kinh doanh vận tải quan tâm là dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 quy định với xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch “có trên 70% tổng thời gian hoạt động trong một tháng tại địa phương nào thì phải thực hiện cấp phù hiệu địa phương đó."
Quy định nội dung này, theo Bộ Giao thông Vận tải, nhằm bảo đảm quản lý đúng loại hình kinh doanh vận tải, tránh đăng ký loại hình xe hợp đồng nhưng hoạt động như tuyến cố định, đăng ký ở địa phương này những lại đưa phương tiện sang địa phương khác hoạt động dẫn đến mất trật tự vận tải, cạnh tranh không lành mạnh với tuyến cố định và xe taxi trên địa bàn, gây khó khăn cho việc quản lý vạn tải, tổ chức giao thông và quản lý thuế.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam (VATA) thông tin tại cuộc họp do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì về rà soát dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đánh giá cao Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan tích cực xây dựng dự thảo Nghị định.
Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi khi Nghị định được ban hành, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương nghiên cứu, tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh dự thảo Nghị định; trong đó lưu ý, tiếp thu ý kiến của Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông...
Cũng theo ông Nguyễn Văn Quyền, tại cuộc họp này, có ý kiến đưa nội dung quy định quản lý đối với các đơn vị vận tải sử dụng dịch vụ nền tảng kết nối trong vận tải như Grab, Be, G7 vào dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86.
Cụ thể, ngoài 2 hình thức như dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 (xe taxi, xe hợp đồng), có ý kiến đề nghị nghiên cứu thêm mô hình tương tự như Google, Facebook để rộng đường cho ứng dụng công nghệ 4.0 vào nền kinh tế.
“Về nội dung này Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam nhận thấy quy định như dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 là phù hợp với Luật Giao thông đường bộ hiện hành. Muốn quy định hình thức như đề xuất, cần chế định nội dung này ở Luật Quản lý về lĩnh vực Công nghệ thông tin và có hiệu lực điều chỉnh chung đối với các ngành; trong đó có ngành vận tải ôtô thì mới có cơ sở quy định trong văn bản dưới luật về quản lý vận tải ôtô," ông Nguyễn Văn Quyền cho hay.
Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV ngày 5/6, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết Nghị định 86 sửa đổi nhận được sự quan tâm đặc biệt của các hiệp hội doanh nghiệp, người dân cũng như các cơ quan thông tin truyền thông, cơ quan nghiên cứu.
Bộ đã trình Chính phủ 7 lần và mỗi lần đều có những thay đổi do vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.
Tuy nhiên, đến nay, nội dung Nghị định đã nhận được sự đồng thuận của hầu hết các hiệp hội, tổ chức, cơ quan.
Bộ trưởng cho biết Nghị định 86 sửa đổi sẽ sớm được ban hành và khẳng định, khi đó, taxi công nghệ và taxi truyền thống sẽ có cơ hội cạnh tranh như nhau vì taxi truyền thống cũng có thể lắp các thiết bị công nghệ để phục vụ hành khách./.