Nghị quyết xử lý nợ xấu được thông qua sẽ phá tan "cục máu đông"

Các chuyên gia kỳ vọng Nghị quyết mới sẽ phá tan được "cục máu đông" nợ xấu, giúp giảm chi phí tài chính của các tổ chức tín dụng qua đó tạo điều kiện để giảm lãi suất cho vay.
Nghị quyết xử lý nợ xấu được thông qua sẽ phá tan "cục máu đông" ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Sáng 21/6, với đa số phiếu tán thành (86,35% số đại biểu có mặt), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Theo đó, Nghị quyết sẽ có hiệu lực từ ngày 15/8 và sẽ xử lý nợ xấu phát sinh do nghiệp vụ tín dụng thực hiện trước thời điểm Nghị quyết có hiệu lực.

Trước đó, Dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng trình Quốc hội tại phiên thảo luận tại hội trường ngày 5/6 đề ra thời hạn áp dụng hiệu lực là ngày 1/7. Như vậy, hiệu lực Nghị quyết đã bị lùi lại một tháng rưỡi so với dự thảo mà cơ quan soạn thảo đề ra.

Nghị quyết này quy định thí điểm một số chính sách về xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng.

Về nguyên tắc xử lý nợ xấu, Nghị quyết nêu rõ phải phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống, không sử dụng ngân sách Nhà nước để xử lý nợ xấu.

Cũng theo nghị quyết, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được mua khoản nợ xấu đang hạch toán trong, ngoài bảng cân đối kế toán của tổ chức tín dụng, trừ tổ chức tín dụng liên doanh và tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài, được chuyển khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt thành khoản nợ xấu mua theo giá thị trường theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được bán nợ xấu cho pháp nhân, cá nhân, bao gồm cả pháp nhân, cá nhân không có chức năng kinh doanh mua, bán nợ.

Liên quan đến quyền thu giữ tài sản bảo đảm, Nghị quyết quy định, bên bảo đảm, bên giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm kèm theo đầy đủ giấy tờ, hồ sơ pháp lý của tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu để xử lý theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm và quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm.

Trước đó, có mốt số quan điểm lo ngại, việc ban hành Nghị quyết này là ưu ái ngân hàng và hạy tội cho người gây ra nợ xấu, giải thích vấn đề này Thống đốc Ngân hàng Nhà Lê Minh Hưng cho biết: “Nghị quyết không tạo bất cứ lạm quyền hay ưu ái cho tổ chức tín dụng. Ngân hàng Thế giới cũng đã nhiều lần kiến nghị hệ thống pháp luật của Việt Nam nên tăng quyền hơn nữa cho bên cho vay. Bởi vậy bên cạnh quy định quyền hợp pháp chính đáng người đi vay, thì quyền hợp pháp chính đáng của bên cho vay cũng cần phải được pháp luật ghi nhận và bảo vệ.”

Đồng quan điểm, tiến sỹ Nguyễn Đức Hưởng, Chủ tịch Hội đồng quản trị LienVietPostBank nhấn mạnh: “Tôi khẳng định không có chuyện này vì Nghị quyết xử lý cho cả nền kinh tế chứ không riêng hệ thống ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo rất nghiêm trong quá trình xử lý nợ xấu nếu phát hiện sai trái sẽ xử lý nghiêm minh theo pháp luật."

Trước đó, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu nội bảng trên toàn hệ thống vẫn ở dưới mức 3% tổng dư nợ (mức an toàn). Tuy nhiên, nếu tính cả nợ ngoại bảng, nợ bán cho VAMC, nợ tiềm ẩn…, tổng mức nợ xấu lên tới 10,8% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Con số tuyệt đối khoảng 600.000 tỷ đồng.

Ông Võ Trí Thành, Phó Viện Trưởng Viện Nghiên ​cứu và Quản lý Kinh tế Trung ​ương cho rằng, nợ xấu càng xử lý chậm, phí tổn cho cả nền kinh tế càng lớn. Ngoài ra, càng để lâu lòng tin vào một nền tài chính, ổn định kinh tế vĩ mô càng yếu, tác động đến môi trường kinh doanh chung, làm giảm khả năng thúc đẩy đầu tư kinh doanh của xã hội, nhà đầu tư trong nước, nước ngoài.

Ông Thành cũng thừa nhận, mặc dù nợ xấu, rủi ro trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tín dụng là chuyện không thể nào tránh khỏi, luôn tồn tại song hành, song để nợ xấu quá lớn mà lớn hoặc không có các giải pháp xử lý thích đáng thì phí tổn phải trả vô cùng lớn.

Chính vì vậy, các chuyên gia kỳ vọng Nghị quyết này sẽ phá tan được "cục máu đông" nợ xấu, sẽ giúp giảm chi phí tài chính của các tổ chức tín dụng qua đó tạo điều kiện để giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn ngân hàng của doanh nghiệp và của nền kinh tế, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng và bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. Trong đó, cho phép các ngân hàng được áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm; được quyền chủ động hơn trong thanh lý, bán tài sản của con nợ.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ chỉ đạo từng tổ chức tín dụng, xây dựng phương án cơ cấu lại của từng tổ chức trong đó phê duyệt nội dung và chỉ tiêu về xử lý nợ xấu và kiểm soát nợ xấu từng năm để Ngân hàng Nhà nước giám sát./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục