Nghị sỹ Ba Lan kêu gọi tẩy chay doanh nghiệp Anh

Lãnh đạo nhóm nghị sỹ đảng Nông dân Ba Lan (PSL), ông Jan Bury đã kêu gọi tẩy chay Tập đoàn bán lẻ Tesco (Anh), hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh siêu thị ở nước này.

Dư luận Ba Lan tiếp tục phản ứng với việc Thủ tướng Anh David Cameron kêu gọi thay đổi các quy định hiện hành của Liên minh châu Âu (EU) để cho phép Anh rút lại chính sách trợ cấp cho con em những người lao động nhập cư từ các nước EU, trong đó có người Ba Lan làm việc tại Anh.

Ngày 8/1, lãnh đạo nhóm nghị sỹ đảng Nông dân Ba Lan (PSL) trong Quốc hội, ông Jan Bury đã kêu gọi tẩy chay Tập đoàn bán lẻ Tesco (Anh), hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh siêu thị ở nước này.

PSL là đảng theo đường lối trung hữu nằm trong chính phủ liên minh do Thủ tướng Donald Tusk đứng đầu, hiện chiếm 33 ghế trong tổng số 460 ghế quốc hội nước này.

Trong tuyên bố của mình, ông Jan Bury cho rằng phát biểu của Thủ tướng Anh David Cameron về vấn đề nhập cư có tính chất "miệt thị" và "xúc phạm" nhằm vào người Ba Lan.

Đồng thời, ông Jan Bury kêu gọi tiến hành các biện pháp "trả đũa" mà trước hết là tẩy chay hàng hóa trong các siêu thị của Tesco.

Phản ứng trước việc trên, Tesco, tập đoàn bán lẻ lớn đã đầu tư 2,4 tỷ euro để mở một loạt các siêu thị ở Ba Lan và thuê khoảng 30.000 nhân công người địa phương, khẳng định chỉ tham gia hoạt động kinh doanh chứ không liên quan đến chính trị.

Cùng ngày, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk và Thủ tướng Anh David Cameron cũng đã điện đàm về vấn đề người nhập cư, trong đó hai bên thể hiện một số bất đồng.

Thủ tướng Cameron khẳng định chính sách mở rộng EU vào năm 2004 (cho phép một loạt nước Trung và Đông Âu gia nhập khối này, trong đó có Ba Lan) mà không kiểm soát vấn đề người di cư là một "sai lầm" và việc đề cập đến cộng đồng người Ba Lan ở Anh là "hoàn toàn công bằng," bởi đây là cộng đồng di cư đến Anh đông nhất kể từ 2004 đến nay (theo thống kê chính thức hiện có khoảng 640.000 người Ba Lan sinh sống ở Anh).

Trong khi đó, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cho rằng việc không trợ cấp cho công dân EU do vấn đề quốc tịch là "không thể chấp nhận được," và tuyên bố sẽ phủ quyết bất kỳ một đề xuất thay đổi nào đối với hệ thống trợ cấp xã hội cho công nhân di cư trên phạm vi EU.

Tuy nhiên, hai thủ tướng đều nhất trí Anh và Ba Lan có thể thảo luận sâu hơn về hợp tác trong quản lý và giải quyết tác động của vấn đề di cư trong nội bộ EU đối với hệ thống an sinh xã hội của mỗi nước.

Các chuyên gia nhận định, Thủ tướng Cameron và đảng Bảo thủ đang phải chịu sức ép lớn của cư tri trong nước liên quan đến vấn đề nhập cư, nhất là sau khi những hạn chế đối với người nhập cư Romania và Bulgaria làm việc tại Anh vừa kết thúc ngày 1/1.

Sự lo lắng của người dân đối với dòng người nhập cư vào Anh đã tạo điều kiện cho UKIP, một đảng có xu hướng chống EU, nổi lên tranh giành ảnh hưởng với đảng Bảo thủ trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu năm 2014 và xa hơn nữa là cuộc bầu cử ở Anh năm 2015./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục