Trong báo cáo được trình bày trước Ủy ban phụ trách các vấn đề châu Âu, hai nghị sỹ Pháp là Razzy Hammadi (Đảng Xã hội) và Arnaud Richard (Đảng UDI) kêu gọi thận trọng trước việc Trung Quốc tham gia đóng góp tài chính vào Kế hoạch Juncker.
Hai nghị sỹ này nhắc lại rằng hồi tháng 9/2015, Trung Quốc đã “bày tỏ ý định tự nguyện tham gia” vào Kế hoạch Juncker và đề nghị hỗ trợ từ 5 tỷ euro đến 10 tỷ euro.
Theo hai nghị sỹ, tuy Ủy ban châu Âu (EC) đón nhận một cách tích cực đề nghị trên, nhưng cần phải “cảnh giác trước phương thức hợp tác với Trung Quốc.”
Các tác giả cũng cho hay các nước thứ ba muốn tham gia vào Quỹ Đầu tư Chiến lược châu Âu (FEIS) phải được coi như các nhà đầu tư bình thường và “đóng góp tài chính của các nước này không thể kèm theo bất kỳ ưu đãi nào.”
Được công bố vào cuối năm 2014, Kế hoạch Juncker, đặt theo tên của đương kim Chủ tịch EC, có mục đích tái thúc đẩy tăng trưởng và việc làm ở châu lục này, huy động 315 tỷ euro trong ba năm. Kế hoạch dựa một phần vào ngân sách châu Âu, với sự bảo lãnh của Ngân hàng Đầu tư châu Âu (BEI) để thu hút các nhà đầu tư tư nhân.
Báo cáo trên nhấn mạnh với 30 dự án được thông qua trong khuôn khổ Kế hoạch Juncker đến giữa tháng Tư, Pháp cùng với Italy là hai quốc gia thành viên tích cực nhất./.