Nghĩa tình đồng bào, chia sẻ yêu thương đùm bọc trong mùa mưa lũ

Với nghĩa tình đồng bào thiêng liêng, đáng quý, trong suốt những ngày qua, đã có nhiều tổ chức, cá nhân thiện nguyện hướng về Quảng Bình.
Nghĩa tình đồng bào, chia sẻ yêu thương đùm bọc trong mùa mưa lũ ảnh 1Lực lượng công an huyện Lệ Thủy lội nước, đưa hàng cứu trợ đến những gia đình bị cô lập trong nước lũ. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Chỉ trong khoảng 2 tuần, người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Bình liên tiếp hứng chịu 3 trận mưa bão, lũ lụt.

Đặc biệt, trận lũ lịch sử xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Bình vào ngày 18/10 khiến đời sống cùng các hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân lâm vào cảnh khốn đốn.

Với nghĩa tình đồng bào thiêng liêng, đáng quý, trong suốt những ngày qua, đã có nhiều tổ chức, cá nhân thiện nguyện hướng về Quảng Bình.

Với tinh thần "tương thân tương ái," "lá rách ít đùm lá rách nhiều," suốt thời gian mưa lũ xảy ra, những người con Quảng Bình đã kêu gọi, kết nối các tổ chức thiện nguyện chung tay san sẻ khó khăn với người dân quê hương.

Suốt 5 ngày qua, các hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Bình thức dậy từ 4 giờ sáng, tất bật chuẩn bị các nguyên vật liệu và tự tay vào bếp chế biến, nấu các suất cơm ấm nóng, gói từng cặp bánh chưng, bánh tét thơm ngon.

[Hàng trăm nghìn gia đình bị ảnh hưởng trực tiếp do bão lũ ở miền Trung]

Các chị, các mẹ còn chuẩn bị chỉn chu từng gói quà đong đầy tình cảm của sự đùm bọc, sẻ chia từ những tấm lòng thiện nguyện để gửi trao và trực tiếp tiếp ứng đến tận tay bà con nơi rốn lũ quê hương.

Chị Mai Thị Mỹ Trang, Trưởng Ban Tuyên giáo, chính sách, luật pháp - Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Bình, cho biết toàn tỉnh hiện có gần 200.000 hội viên phụ nữ. Trong lúc bà con quê hương khốn khó vì mưa lũ, ở những vùng bị ngập lụt ít, các chị em trong Hội nhiệt tình, tự nguyện tổ chức các bếp ăn thiện nguyện sau đó tỏa đi các vùng ngập lụt sâu trên địa bàn tỉnh để trao kịp thời cho bà con có thêm sức chống chọi với mưa lũ.

Trong số đó, riêng cán bộ Tỉnh Hội, mỗi ngày đã chuẩn bị và phát gần 1.000 suất cơm đến với đồng bào vùng lũ.

"Sau những ngày mệt mỏi chống chọi với nước lũ, mỗi phần cơm nghĩa tình sẽ góp phần làm ấm lòng bà con quê hương. Ngay khi nước rút, chúng tôi cũng bố trí cán bộ, hội viên tham gia giúp người dân, các công sở, trường học tổng dọn vệ sinh để sớm phục hồi cuộc sống sau những ngày ảnh hưởng của thiên tai," chị Mai Thị Mỹ Trang chia sẻ thêm.

Nhận trên tay phần cơm nóng hổi, cô Đoàn Thị Lợi, xã Quảng Hòa, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình rơm rớm nước mắt. Gần 50 tuổi nhưng chưa bao giờ cô Lợi trải qua trận lũ nào kinh hoàng như thế. Bao nhiêu gạo thóc, đồ đạc trong nhà đã bị lũ cuốn đi, nhà cửa giờ tan hoang. Không biết bao giờ, gia đình cô và hàng trăm ngàn hộ dân trên địa bàn tỉnh Quảng Bình mới trở lại cuộc sống bình yên như trước khi lũ tràn về.

Cô Lợi xúc động cho biết: "Giữa lúc khó khăn chồng chất, điều chúng tôi cảm thấy được an ủi và động viên đó là sự tiếp ứng, cứu trợ và sẻ chia của những tấm lòng thiện nguyện. Đã mấy hôm nay cả nhà tôi phải ăn mì tôm sống, nước uống cũng chắt chiu từng giọt. Phần cơm và những chai nước lọc của Hội Phụ nữ trao tôi sẽ để dành cho các con các cháu, còn mình ăn gì cũng được…"

Vượt quãng đường gần 300km từ thành phố Vinh để vào Quảng Bình, anh Phạm Hoàng Tùng cùng các thành viên trong đoàn thiện nguyện đã chuẩn bị các vật phẩm thiết thực nhất nhằm tiếp ứng cho người dân rốn lũ Quảng Bình.

Các thành viên trong đoàn tự nguyện đóng góp vật chất, đứng ra kêu gọi người thân và bạn bè tham gia góp sức, mong muốn san sẻ bớt phần nào những khó khăn, thiếu thốn của người dân Quảng Bình trong những ngày mưa lũ.

Anh Phạm Hoàng Tùng, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, cho hay: "Qua đài báo, tivi, thấy bà con vùng lũ Quảng Bình cực khổ, thương lắm. Chúng tôi không thể ngồi yên nhìn đồng bào mình khốn khó như vậy. Vì thế các anh em trong nhóm đã tự nguyện đóng góp vật lực, kêu gọi thêm sự ủng hộ của nhiều người để mỗi người góp một ít mong san sẻ bớt cho người dân rốn lũ Quảng Bình trong cơn hoạn nạn."

"Cả đoàn dậy từ lúc 5 giờ sáng và bắt đầu hành trình vào Quảng Bình với 4 xe tải chở đầy hàng hóa cứu trợ gồm mì tôm, thuốc men, lương khô, bánh chưng và các đồ ăn sẵn để trao cho người dân Quảng Bình."

"Thời gian tới, khi lũ qua, chúng tôi sẽ cố gắng quyên góp sách vở, đồ dùng chuyển vào cho các cháu nhỏ và bà con để giúp người dân sớm ổn định sau lũ," anh Tùng nói thêm.

Nghĩa tình đồng bào, chia sẻ yêu thương đùm bọc trong mùa mưa lũ ảnh 2Các đoàn cứu trợ tập trung đưa những mặt hàng thiết yếu đến vùng bị nước lũ cô lập ở các xã của huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. (Ảnh: Văn Tý/TTXVN)

Ông Nguyễn Văn Đường, xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình cho biết: "Trong những ngày mưa lũ diễn ra, chúng tôi được chứng kiến những tấm lòng đầy nghĩa tình của cộng đồng đến với người dân vùng lũ quê tôi."

"Họ không những mang đến những phần quà thiết yếu nhất để hỗ trợ chúng tôi mà điều quý nhất là trong những lúc gian khó, tình nghĩa đồng bào, sự đùm bọc yêu thương của dân tộc Việt Nam, sự đoàn kết chung lưng đấu cật, không bỏ mặc ai dù bất kể hoàn cảnh nào đã được lan tỏa. Chúng tôi – những người dân vùng lũ rất biết ơn và xúc động vì nghĩa cử cao đẹp đó của các nhà hảo tâm."

Trận mưa lũ lịch sử vừa xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã làm 9 người chết, hàng chục người bị thương, gần 109.300 ngôi nhà của người dân bị ngập chìm trong biển nước.

Đến nay, nhiều thôn, bản vẫn đang bị cô lập do nước lũ. Riêng vùng biên giới hiện vẫn còn 52 thôn, bản/8 xã của 4 huyện biên giới của tỉnh còn bị cô lập.

Cuộc sống người dân nơi đây vốn cơ cực nay càng khó khăn bội phần khi thiên tai, địch họa liên tục ập đến.

Trong khi đó dự báo thời gian tới, thiên tai còn diễn biến phức tạp, trước mắt là cơn bão số 8 có khả năng ảnh hưởng đến tỉnh Quảng Bình./.

Một gia đình ở thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình phải di chuyển linh cữu trong đêm. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)
Một gia đình ở thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình phải di chuyển linh cữu trong đêm. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)
Người nhà vất vả di chuyển linh cữu trong đêm, xung quanh là nước lũ. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)
Người nhà vất vả di chuyển linh cữu trong đêm, xung quanh là nước lũ. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)
Tranh thủ nước rút, ngay trong đêm gia đình có người mất di chuyển ngay linh cữu đi an táng. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)
Tranh thủ nước rút, ngay trong đêm gia đình có người mất di chuyển ngay linh cữu đi an táng. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)
Di chuyển linh cữu lên bè để đưa lên vùng khô ráo cử hành tang lễ. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)
Di chuyển linh cữu lên bè để đưa lên vùng khô ráo cử hành tang lễ. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)
Di chuyển linh cữu lên bè và chuyển tiếp lên khu vực cao. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)
Di chuyển linh cữu lên bè và chuyển tiếp lên khu vực cao. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)
Hình ảnh éo le khi đám tang phải di chuyển trong đêm, xung quanh là nước lũ. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)
Hình ảnh éo le khi đám tang phải di chuyển trong đêm, xung quanh là nước lũ. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục