Tỷ lệ phụ nữ Ấn Độ được theo học tại các trường phổ thông và đại học đang ở mức cao hơn bao giờ hết, và việc nâng cao trình độ học vấn cho phụ nữ nước này là một câu chuyện thành công. Tuy nhiên, tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động lại giảm dần theo thời gian.
“Câu hỏi đặt ra là, nếu bạn không nhận được lợi ích từ thị trường lao động cho việc giáo dục phụ nữ, thì tại sao mọi người lại cho con gái họ đi học?” Sonalde Desai, Giáo sư xã hội học thuộc Đại học Maryland, người đứng đầu một trong những cuộc khảo sát hộ gia đình quan trọng nhất ở Ấn Độ, đặt câu hỏi.
Theo Giáo sư Desai, họ đã tìm ra nguyên nhân cho nghịch lý này khi mức độ giáo dục ngày càng tăng của phụ nữ Ấn Độ chủ yếu được thúc đẩy bởi lợi ích cao hơn trong vấn đề hôn nhân chứ không phải do triển vọng tìm được việc làm thu nhập tốt.
Các gia đình có con trai ở Ấn Độ đang ngày càng tìm những cô con dâu có học thức - không phải để kiếm tiền mà để sinh ra những đứa con có trình độ hiểu biết cao.
Desai cho biết: “Những gì tôi thấy về cơ bản là việc tạo ra những bà nội trợ có học thức.” Nghiên cứu cho thấy rất ít quốc gia khác có chung hiện tượng này.
Udha Kumari, sống ở một trong những bang nghèo nhất Ấn Độ, cho biết cô tin rằng ba cô con gái của mình cần có bằng cử nhân để tìm được người chồng phù hợp.
Mẹ chồng của cô, Usum Devi, giải thích lý do tại sao bà và chồng tài trợ cho Kumari theo học chương trình cử nhân: “Chúng tôi chỉ muốn một cô con dâu có học thức. Bây giờ mọi người đều làm như vậy.”
Devi, một người phụ nữ 60 tuổi chưa bao giờ đến trường, rạng rỡ tự hào vì việc học hành của cả hai cô con dâu sẽ dẫn đến những đứa cháu có học thức.
Neelanjan Sircar, nhà kinh tế chính trị tại Đại học Ashoka, cho biết: “Có một người phụ nữ có học thức ở nhà giờ đây là biểu tượng của địa vị.”
Ở một đất nước mà các chuẩn mực về giới thay đổi chậm chạp, giáo dục vẫn là một điều bất thường. Các gia đình có thể vẫn thích con trai hơn con gái. Nhưng hiện nay, tỷ lệ biết chữ của phụ nữ đã có những bước tiến đáng chú ý.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng sự đầu tư của các bậc cha mẹ vào việc giáo dục con gái trên khắp bang Rajasthan được thúc đẩy đáng kể bởi “lợi ích nhận thấy từ vấn đề hôn nhân.”
Khi Kumari muốn xin công việc đòi hỏi phải đi công tác nước ngoài, cô đã vấp phải sự phản đối từ chồng và mẹ chồng. Cuối cùng cô ấy đã chấp nhận. “Việc đó quá khó khăn. Tôi phải nuôi gia đình, giám sát việc học của con cái,” Kumari nói với nụ cười thoải mái. Trong khi đó, mẹ chồng cô quả quyết: “Việc học của bọn trẻ là ưu tiên hàng đầu. Công việc chỉ đứng thứ hai."
Phụ nữ Ấn Độ tuyên chiến với ô nhiễm không khí và phân biệt giới tính
Nếu việc dân số trong độ tuổi lao động ngày càng tăng ở Ấn Độ có tác dụng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đáng kể thì các nhà kinh tế cho rằng nước này phải giải quyết tình trạng trì trệ của lực lượng lao động nữ.
Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở phụ nữ Ấn Độ đã giảm đều đặn kể từ đầu những năm 1990, ngay cả khi nền kinh tế nước này phát triển mạnh mẽ. Hiện nay, chỉ có 1 trong 4 phụ nữ trong độ tuổi lao động ở Ấn Độ tham gia lực lượng lao động. Năm 2000, tỷ lệ này là 1 trên 3.
Một số học giả cho rằng thách thức này không chỉ bắt nguồn từ các chuẩn mực trong gia đình mà còn từ các vấn đề bên ngoài: thiếu việc làm, định kiến của người sử dụng lao động, công việc phân biệt giới tính và thậm chí cả khó khăn trong tiện ích giao thông.
Kumari biết nhiều gia đình cấm con dâu đi làm nhưng coi việc thiếu cơ hội việc làm là nguyên nhân lớn hơn. Cô thấy mình may mắn khi tìm được việc làm tại Sở Phát triển Nông thôn Bihar.
Trong khi cô dành một phần thời gian làm việc ở đó thì chồng cô lại lao động ở một trang trại. Kumari cho biết một phần nguyên nhân dẫn đến khoảng cách chuyên môn là do cô đã hoàn thành bằng cử nhân trong khi chồng cô chỉ học hết lớp 12.
Bốn thập kỷ trước, hơn 90% người chồng ở Ấn Độ có trình độ học vấn cao hơn vợ. Hiện nay, con số này chỉ ở mức 60%, theo nghiên cứu của Desai.
Giáo sư Desai vô cùng bất ngờ khi phát hiện ra rằng một phần đáng kể phụ nữ hiện đang kết hôn với những người đàn ông có trình độ học vấn thấp hơn nhiều.
Tuy nhiên, nghiên cứu của cô cho thấy tiến bộ về giáo dục ở phụ nữ hầu như không thay đổi được việc ai là trụ cột trong gia đình.
Nibha Devi hoài nghi về số tiền và công sức bỏ ra để giúp cô học hết lớp 12. “Việc học đã mang lại cho tôi điều gì? Tôi làm việc ở nhà cả ngày. Có giáo dục hay không thì cuối cùng cũng sẽ lãng phí,” cô nói./.