Phụ nữ Ấn Độ tuyên chiến với ô nhiễm không khí và phân biệt giới tính

Là người phụ nữ đầu tiên lái xe ba bánh điện tại New Delhi, Monika Devi tự hào góp phần giải quyết vấn nạn ô nhiễm không khí và tạo sự yên tâm cho hành khách nữ có nhu cầu di chuyển trên phố.
Phụ nữ Ấn Độ tuyên chiến với ô nhiễm không khí và phân biệt giới tính ảnh 1Monika Devi là một trong những nữ tài xế xe ba bánh điện đầu tiên của New Delhi. (Nguồn: theguardian.com)

Cô Monika Devi có hai lý do để tự hào khi được tự điều khiển chiếc xe ba bánh chở khách đi lại trên những con phố tắc nghẽn kinh hoàng ở thủ đô New Dehli của Ấn Độ.

Người phụ nữ 35 tuổi này là một trong những phụ nữ đầu tiên lái xe ba bánh chở khách trên khắp các con đường ở thủ đô New Delhi, nơi điều khiển phương tiện giao thông công cộng là công việc của nam giới.

Không chỉ vậy, cô còn là người lái một trong những chiếc xe ba bánh điện đầu tiên ở thủ đô, tham gia vào nỗ lực của chính quyền New Delhi nhằm giải quyết vấn nạn ô nhiễm không khí.

Cô Devi chia sẻ phụ nữ ở New Dehli không có lựa chọn nào ngoài việc di chuyển bằng xe ba bánh do đàn ông điều khiển. Điều này có thể gây nguy hiểm vào ban đêm.

Bên cạnh đó, cô cũng cảm thấy ngột ngạt khi phải sống trong bầu không khí ô nhiễm, do đó, cô cảm thấy rất hạnh phúc khi tự mình lái chiếc xe ba bánh điện, không phát thải khí độc hại.

Dù phụ nữ Ấn Độ đã được tham gia lái máy bay, ngồi trong phòng họp và bay vào không gian, song rất ít phụ nữ làm công việc lái xe ba bánh hoặc xe buýt ở thủ đô New Delhi.

Cách đây 18 năm, cô Sunita Choudhary trở thành tài xế xe ba bánh đầu tiên của thành phố này, song kể từ đó không có thêm tài xế xe ba bánh nào là nữ.

Trên thực tế, công việc này chỉ hấp dẫn phụ nữ đến từ các gia đình có thu nhập thấp, song văn hóa bảo thủ của giai tầng xã hội không cho phép phụ nữ ra đường và giao lưu với đàn ông.

[Phim tài liệu của các nữ nhà báo Ấn Độ có cơ hội đoạt giải Oscar]

Cô Devi chia sẻ, cha cô cũng là người lái xe ba bánh, đã kịch liệt phản đối cô làm công việc này. Ông sợ những hành khách nam sẽ tán tỉnh hoặc quấy rối cô. Cô khẳng định: "Tôi không sợ hãi chút nào khi đi trên đường. Nếu phụ nữ sợ hãi, chúng ta sẽ tiến bộ như thế nào? ”

Xe ba bánh điện của cô được chính quyền bang Delhi trợ cấp. Thành phố đã đưa một đội xe gồm 3.500 chiếc xe ba bánh điện, sơn màu tím hoa cà chứ không phải màu vàng và xanh lá cây như thông thường và dành 500 chiếc dành cho phụ nữ.

Cùng chung chí hướng với Devi, Dolly Maurya, 26 tuổi, một tài xế nữ khác, ướt đẫm mồ hôi trong cái nóng 42 độ C tháng Tư.

Cô Maurya chia sẻ đã bị các nam tài xế giễu cợt, nhưng thực tế cô lại được các hành khách nữ ủng hộ. Nhiều người đã xin số của cô để gọi chở đi nếu họ có việc ra ngoài vào buổi tối. Hiện, mối lo lớn nhất của cô đó là chiếc xe của mình có thể hết pin do di chuyển quá dài.

Chính quyền thủ đô New Delhi đang thúc đẩy xe ba bánh điện như một phần của việc chuyển đổi mô hình từ các phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch sang điện để giảm ô nhiễm không khí.

Chiếc xe buýt điện đầu tiên của thành phố đã bắt đầu chở khách vào tháng Một vừa qua và sẽ sớm có thêm hàng trăm chiếc nữa.

Hiện, gần 40 phụ nữ đang được đào tạo để lái xe buýt số tự động, vừa để tạo công việc cho họ vừa để tạo sự thoải mái cho các hành khách nữ - những người vẫn bị ám ảnh bởi vụ hiếp dâm tập thể năm 2012, kéo theo cái chết của một phụ nữ trẻ khi đi xe buýt.

Đối với Devi, công việc mới mang đến cho cô cảm giác độc lập, khi lần đầu tiên không phải phụ thuộc vào chồng hoặc cha về tiền bạc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục