Theo báo South China Morning Post, trong nỗ lực chạy đua với thời gian để tìm hiểu tác động của biến thể Omicron đối với vaccine ngừa COVID-19, ngoài các nghiên cứu được thực hiện trong phòng thí nghiệm những tuần gần đây cho thấy khả năng bảo vệ hiệu quả từ các mũi tiêm tăng cường của hãng Pfizer, AstraZeneca và Johnson & Johnson trước biến thể Omicron, giới khoa học cũng đang nghiên cứu sâu hơn trên thực tế về hai loại vaccine của Trung Quốc được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấp phép sử dụng, là CoronaVac của hãng Sinovac Biotech và vaccine Vero Cell của hãng Sinopharm.
Hai loại vaccine được sản xuất theo công nghệ truyền thống dựa vào virus bất hoạt này đang được sử dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Để có được đánh giá bao quát về tác dụng của vaccine CoronaVac, Giáo sư Leo Poon Lit-man tại Đại học Hong Kong (Trung Quốc) cho biết ông và các cộng sự đang tiến hành thu thập dữ liệu từ nhiều quốc gia đang tiêm phòng các loại vaccine này.
Giáo sư Poon là người đã tham gia vào nghiên cứu trong phòng thí nghiệm gần đây tại Hong Kong, qua đó phát hiện liệu trình hai mũi vaccine của hãng Pfizer/BioNTech và hai mũi vaccine CoronaVac của Sinovac không đạt hiệu quả cao trong việc phòng ngừa biến thể Omicron.
Tuy nhiên, việc tiêm thêm một mũi tăng cường vaccine của Pfizer/BioNTech đã giúp tăng hiệu quả bảo vệ của “lá chắn” này.
Trái lại, mũi thứ ba vaccine CoronaVac không phát huy hiệu quả như vậy đối với những người đã được tiêm 2 mũi cơ bản cùng loại trước đó.
Theo Giáo sư Poon, nghiên cứu có thể xác định được dễ dàng lượng kháng thể vốn đóng vai trò ngăn chặn virus bám vào tế bào, song các bộ phận khác của hệ thống miễn dịch cũng được cho là có vai trò ngăn chặn tác động của virus.
Như vậy, điều này không có nghĩa vaccine không thể tạo ra bất kỳ sự bảo vệ nào.
Một số dữ liệu sơ bộ khác mà Giáo sư Poon và các cộng sự thu thập được cho thấy vaccine vẫn có thể làm giảm hoặc ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm hoặc làm giảm các triệu chứng nghiêm trọng.
Hiện, các nghiên cứu sâu hơn vẫn đang được họ thu thập để làm sáng tỏ điều này.
[Nghiên cứu của Anh: Hiệu quả của vaccine giảm trước biến thể Omicron]
Cũng theo báo South China Morning Post, việc tiêm vaccine CoronaVac tại các quốc gia Nam Mỹ có thể cung cấp các chứng cứ quan trọng cho các nghiên cứu trên thực tế về lợi ích thu được của những người đã tiêm loại vaccine này với những người không tiêm phòng.
Phó Giáo sư Matt Hitchings tại Đại học Florida, chuyên tổng hợp các nghiên cứu về hiệu quả của vaccine tại Brazil, nhận định quốc gia Nam Mỹ này - nơi số ca bệnh Omicron đang tăng lên, sẽ là một nguồn cung cấp dữ liệu hữu ích về tác dụng của vaccine CoronaVac, nhờ hệ thống giám sát tốt với đông đảo đội ngũ các nhà nghiên cứu có chuyên môn cao, cùng số lượng lớn các trường hợp tiêm phòng các mũi cơ bản đầy đủ và nhiều người dân cũng đã được tiêm mũi tăng cường (mũi thứ ba).
Dù vậy, Phó giáo sư Hitchings cũng cho biết dữ liệu chính thức của Brazil gần đây đã loại trừ hầu hết các ca bệnh nhẹ và chỉ tập trung vào những ca nặng cùng những ca phải nhập viện, và điều này có thể khiến các trường hợp mắc Omicron bị bỏ sót, từ đó khiến dữ liệu đánh giá có những sai số nhất định.
Các chuyên gia cũng đang theo dõi để thu thập dữ liệu về hiệu quả của vaccine CoronaVac tại châu Á, trong đó có Singapore và Thái Lan - nơi Omicron đang lây lan mạnh trong thời gian gần đây.
Đối với vaccine VeroCell của hãng Sinopharm, các nhà nghiên cứu đã thu thập dữ liệu sẵn có tại Bahrain và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) - nơi việc tiêm mũi tăng cường đã được triển khai rộng rãi sau các chiến dịch tiêm phòng các mũi cơ bản bằng loại vaccine bất hoạt này.
Viện Vaccine Quốc tế (IVI) có trụ sở tại Seoul (Hàn Quốc) cũng đang làm việc với Mozambique để tiến hành các nghiên cứu về tính hiệu quả và việc tiêm kết hợp với vaccine VeroCell, đồng thời có kế hoạch tiến hành đánh giá hiệu quả bổ sung tại Madagascar.
Cả hai hoạt động này đều được kỳ vọng sẽ giúp cung cấp những thông tin chi tiết hơn về tác dụng của vaccine VeroCell đối với việc phòng ngừa lây nhiễm biến thể Omicron.
Hiện, WHO cũng đang phối hợp với mạng lưới các nhà khoa học quốc tế để thu thập dữ liệu về hiệu quả trên thực tế của cả 10 loại vaccine ngừa COVID-19 mà tổ chức này đã cấp phép sử dụng, trong đó hai loại vaccine nói trên của Trung Quốc./.