Một nhóm các nhà nghiên cứu khí hậu quốc tế cảnh báo quỹ thời gian để bảo vệ dải băng Đông Nam Cực (EAIS) - dải băng lớn nhất thế giới - khỏi tác động của tình trạng ấm lên toàn cầu đang cạn kiệt.
Trong một nghiên cứu công bố ngày 10/8, nhóm nghiên cứu trên, trong đó có các nhà khoa học từ Đại học Quốc gia Australia (ANU) ở Canberra, đã tiến hành kiểm nghiệm sự gia tăng của mực nước biển trong trường hợp EAIS tan chảy.
Theo ước tính của các nhà khoa học, nếu nhiệt độ Trái Đất tăng ở mức dưới 2 độ C so với mức của thời kỳ tiền công nghiệp, EAIS tan sẽ khiến mực nước biển tăng chưa đến 0,5m vào năm 2500.
[Tình trạng băng tan ở Greenland làm gia tăng nguy cơ lũ lụt toàn cầu]
Tuy nhiên, nếu không đạt được các mục tiêu khí hậu và nhiệt độ Trái Đất tiếp tục tăng, nhóm nghiên cứu cảnh báo mực nước biển có thể tăng 5 m do băng tan từ EAIS trong cùng khoảng thời gian trên.
Theo nhà nghiên cứu Nerilie Abram thuộc ANU, dải băng EAIS lớn gấp 10 lần so với Tây Nam Cực và chứa lượng nước đủ để khiến mực nước biển toàn cầu dâng 52m.
Nếu nhiệt độ tăng trên mức 2 độ C sau năm 2100 do tình trạng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, thì chỉ riêng Đông Nam Cực có thể khiến mực nước biển dâng cao khoảng từ 1-3m vào năm 2300 và khoảng 2-5m vào năm 2500.
Trước nguy cơ này, bà Abram cho rằng cơ hội bảo vệ dải băng lớn nhất thế giới khỏi tác động của biến đổi khí hậu đang dần đóng lại và một bài học then chốt từ quá khứ là EAIS rất nhạy cảm với sự ấm lên toàn cầu ngay cả với mức tăng nhiệt độ vừa phải.
Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra cách thức EAIS phản ứng với các thời kỳ ấm áp của Trái Đất trước đây và phân tích các dự báo dựa trên các nghiên cứu hiện có nhằm xác định tác động của các mức phát thải khí nhà kính khác nhau trong tương lai đối với EAIS vào các năm 2100, 2300 và 2500.
Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh có thể tránh được tác động tồi tệ nhất của tình trạng ấm lên toàn cầu đối với dải băng lớn nhất thế giới trên nếu các nước trên thế giới cùng nhau thực hiện thành công các mục tiêu trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu./.