"Ngoại giao cây tre": Mở ra cục diện mới để phát triển đất nước

Theo Chủ tịch Hội Hữu nghị Lào-Việt Nam, trường phái "ngoại giao cây tre" thể hiện tiêu chí cái gì đã là nguyên tắc là bất biến, còn cái gì là sách lược thì có thể linh hoạt.
"Ngoại giao cây tre": Mở ra cục diện mới để phát triển đất nước ảnh 1Chủ tịch Hội Hữu nghị Lào-Việt Nam, Viện sỹ, Giáo sư, Tiến sỹ Boviengkham Vongdara tại cuộc trả lời phỏng vấn. (Ảnh: Bá Thành/TTXVN)

Trường phái ngoại giao “Cây tre Việt Nam” là một đường lối đối ngoại mềm mại, uyển chuyển  nhưng không yếu đuối mà kiên định theo kiểu "lạt mềm buộc chặt"; kiên cường, quyết liệt nhưng không cứng nhắc; một đường lối ngoại giao không chỉ hết sức đúng đắn, sáng suốt, mà còn mang đậm bản sắc Việt Nam.

Đó là nhận định của Chủ tịch Hội Hữu nghị Lào-Việt Nam, Bộ trưởng Công nghệ và Truyền thông Lào, Viện sỹ, Giáo sư, Tiến sỹ Boviengkham Vongdara trong cuộc phỏng vấn của các phóng viên TTXVN tại Vientiane.

Đánh giá về tư tưởng lý luận, quan điểm và đường lối đối ngoại, ngoại giao của Việt Nam kể từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời đến nay, ông Boviengkham Vongdara nhấn mạnh đường lối đối ngoại, ngoại giao của Việt Nam được thực hiện theo tư tưởng và lý tưởng cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên nguyên tắc "dĩ bất biến, ứng vạn biến."

Ông Boviengkham chia sẻ: “Tôi thấy, kể từ khi lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến nay, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn kiên định với tư tưởng ngoại giao nêu trên, điều không chỉ giúp đưa đất nước Việt Nam thoát khỏi tình trạng bị bao vây, cấm vận kinh tế, chính trị, giúp Việt Nam trở thành bạn bè với tất cả các nước trên thế giới, mà còn mở ra cục diện mới cho công cuộc Đổi mới, hội nhập, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước Việt Nam.”

[Bản sắc 'Ngoại giao Cây tre': Phát huy 'sức mạnh mềm' quốc gia]

Giáo sư-Tiến sỹ Boviengkham Vongdara nêu rõ từ xa xưa, hình ảnh cây tre thân mảnh mai, gầy guộc nhưng dẻo dai và vô cùng vững chắc đã hết sức thân thuộc và gắn bó với đời sống mọi người dân Việt Nam. Nếu về các vùng nông thôn của Việt Nam, đâu đâu cũng sẽ thấy cây tre được trồng rất nhiều, trồng quanh nhà, dọc đường, quanh làng xóm.

Cây tre không chỉ cho măng làm thức ăn, cho vật liệu làm nhà, chế tạo công cụ, vật dụng hằng ngày mà còn là thành lũy giúp bảo vệ xóm làng trước giông bão và kẻ thù xâm lược.

Theo Chủ tịch Hội Hữu nghị Lào-Việt Nam, trường phái "ngoại giao cây tre" thể hiện tiêu chí cái gì đã là nguyên tắc là bất biến, còn cái gì là sách lược thì có thể linh hoạt. Nguyên tắc ở đây có thể hiểu như gốc tre, dù thế nào cũng luôn cố định, không lay chuyển, thân chắc, dẻo dai, còn ngọn và cành tre thì giống như các sách lược, có thể uyển chuyển, linh hoạt được.

Ông Boviengkham Vongdara cho biết trong quá trình công tác, khi còn làm việc tại Văn phòng Chính phủ; làm Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ hay là Bộ Công nghệ và Truyền thông hiện nay, ông đã nhiều lần đi theo các đoàn sang thăm và làm việc tại Việt Nam và đã có cơ hội được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Ông rất nhớ một câu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng chia sẻ, rằng muốn phát triển được, điều quan trọng là phải vạch ra được đường lối chiến lược đúng đắn, có được chiến lược đúng đắn rồi thì phải chọn đúng người để triển khai chiến lược đó.

Chủ tịch Hội Hữu nghị Lào-Việt Nam cũng rất ấn tượng với phong thái đối ngoại của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một phong thái mà theo ông rất uyển chuyển, linh hoạt nhưng cũng hết sức kiên định và rất có nguyên tắc

Theo ông Boviengkham, một điều mà ông cảm nhận được qua các lần gặp như vậy, là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hết sức quan tâm tới mối quan hệ hợp tác Lào-Việt Nam; luôn quan tâm tới đất nước Lào, luôn muốn nước Lào phát triển.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng rất quan tâm đến thế hệ trẻ, luôn nhắc nhở phải giáo dục và bồi dưỡng cho thế hệ trẻ hai nước thấm nhuần về quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Lào-Việt để từ đó tiếp tục gìn giữ và vun đắp cho mối quan hệ này trường tồn với thời gian./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục