Cùng với ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa đã có những dấu ấn đậm nét, khẳng định là một cấu phần quan trọng không thể thiếu của đường lối “Ngoại giao Cây tre Việt Nam.”
Bên lề Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 và Hội nghị Ngoại vụ Toàn quốc lần thứ 21, một số đại biểu đã chia sẻ với báo chí cảm nhận của cá nhân về những dấu ấn của ngoại giao văn hóa và cách thức để phát huy hiệu quả hơn nữa phương thức ngoại giao này trong thời gian tới.
Phát triển địa phương theo hướng bền vững, xanh hơn
Theo ông Hoàng Hữu Anh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO, Bộ Ngoại giao, ngoại giao văn hóa đã đóng góp rất tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội các địa phương trên ba khía cạnh.
Khía cạnh thứ nhất, ngoại giao văn hóa cùng với địa phương phát triển thương hiệu, hình ảnh của địa phương. Nhiều địa phương đã có các danh lam, thắng cảnh, danh nhân được UNESCO ghi danh hoặc vinh danh.
“Trong 3 năm qua, chúng ta có 12 di sản để thế giới nhận diện Việt Nam. Có thể thấy rằng, rất nhiều địa phương của chúng ta đã xuất hiện trên các cơ quan thông tấn lớn của quốc tế cũng như Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Award)...” - ông Hoàng Hữu Anh cho biết.
Ở khía cạnh thứ hai, ngoại giao văn hóa thực sự đóng góp vào quá trình xây dựng quy hoạch, định hướng phát triển địa phương trong thời gian tới. Thực hiện chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, dưới sự lãnh đạo của Chính phủ, 63 tỉnh, thành phố đều triển khai chiến lược phát triển kinh tế xã hội. Trong đó, quy hoạch phát triển đến 2030 và trong tất cả các quy hoạch đều nhấn mạnh yếu tố phát triển bền vững dựa trên nền tảng văn hóa dân tộc, bản sắc, đặc thù riêng của từng địa phương, dựa vào các danh hiệu UNESCO để định hướng phát triển bền vững địa phương.
Khía cạnh cuối cùng là ngoại giao văn hóa góp phần nâng cao đời sống của người dân. Ông Hoàng Hữu Anh chia sẻ, thương hiệu, hình ảnh địa phương tăng đưa khách du lịch trong và ngoài nước đến với địa phương ngày càng đông, qua đó góp phần nâng cao đời sống người dân sở tại, làm cho người dân ngày càng tự hào về quê hương. Bên cạnh đó, nhiều địa phương chủ động tìm đến nhau, liên kết để chuỗi di sản, hành trình di sản để tăng thêm tính hấp dẫn du khách.
“Các địa phương đã làm rất tốt theo hướng kết nối di sản, hình thành chuỗi hành trình di sản. Những chuỗi này đã tạo việc làm và đặc biệt là phát triển địa phương theo hướng bền vững hơn, xanh hơn. Đơn cử như Cao nguyên đá Đồng Văn năm 2010, trước khi chưa được công nhận là Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO, hằng năm đón khoảng 200.000 lượt khách. Đến năm 2023, sau 13 năm, điểm đến này dự kiến đón được khoảng 3 triệu lượt khách, tăng 15 lần. Đây là cơ hội để địa phương phát triển, người dân tham gia vào phát triển, cải thiện đời sống của mình và trực tiếp bảo vệ di sản,” ông Hoàng Hữu Anh nói.
Cũng cho rằng, ngoại giao văn hóa đã thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của nhiều địa phương trong nước, Đại sứ Lê Thị Hồng Vân, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO cho biết, Việt Nam đến nay có 65 danh hiệu UNESCO, từ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới, Di sản Văn hóa Phi vật thể, Công viên địa chất Toàn cầu, Khu Dự trữ Sinh quyển, thành phố sáng tạo, thành phố học tập... Hiện nay, một địa phương có thể có rất nhiều di sản. Việc gắn kết các danh hiệu UNESCO chính là điểm thu hút đầu tư, làm nên thương hiệu địa phương. Theo Đại sứ, các địa phương cần có kế hoạch phát huy, bảo tồn giá trị của danh hiệu gắn liền với phát triển bền vững.
Việt Nam hiện đã có Câu lạc bộ các Di sản thế giới. Đại sứ Lê Thị Hồng Vân cho rằng, các di sản cần gắn kết, chia sẻ kinh nghiệm với nhau, đồng thời câu lạc bộ di sản của Việt Nam cũng kết nối với các di sản thế giới của khu vực và trên toàn cầu.
Theo Đại sứ, tháng 8/2023, nước Anh đã công bố bản đồ mạng lưới 58 danh hiệu UNESCO, gợi ý đó là những điểm đến nên trải nghiệm trong mùa Hè. Đó là cách làm mà Việt Nam có thể học hỏi và Ủy ban quốc gia UNESCO nên phát huy vai trò trong việc kết nối chung này.
Đại sứ Lê Thị Hồng Vân nhấn mạnh, một trong những xu hướng hiện nay là tận dụng những lợi thế của công nghệ số trong việc quảng bá, phát huy những giá trị danh hiệu.
“Khi Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay sang thăm Việt Nam, bà đã đăng 7 tweet về Việt Nam và nhận được hàng trăm, hàng nghìn lượt like, retweet. Tôi nghĩ rằng, đấy là một cách có thể giới thiệu nhanh nhất về Việt Nam," Đại sứ Lê Thị Hồng Vân nói.
Phát đi thông điệp hợp tác, hữu nghị mạnh mẽ tới quốc tế
Chia sẻ cảm nhận của bản thân về một số hoạt động ngoại giao văn hóa ở tầm lãnh đạo cấp cao, ông Hoàng Hữu Anh cho rằng, những hình ảnh như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc cùng uống trà; Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tặng Tổng thống Hoa Kỳ cuốn sách "Một con người, một con đường và một lịch sử: Hồ Chí Minh - Thư gửi nước Mỹ" hoặc Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng Thủ tướng Nhật Bản Kishida bức thư pháp, hay Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về chủ nghĩa xã hội cho Chủ tịch Quốc hội Cuba... đã gây chú ý rất nhiều không chỉ dư luận trong nước mà còn với cộng đồng quốc tế quan tâm đến quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam với các nước.
“Qua những hình ảnh đấy, thấy rằng thông điệp của Việt Nam phát đi rất mạnh ở cấp cao, mang tới cho mọi người cảm nhận rõ ràng về đường hướng phát triển, sự chân thành, mong muốn hợp tác của Việt Nam đối với các đối tác,” ông Hoàng Hữu Anh chia sẻ và nhấn mạnh “ngoại giao văn hóa đang có sức lan tỏa rất mạnh, vô cùng hữu hiệu quả, thiết thực, đóng góp nâng tầm và tăng cường hiểu biết, không chỉ thắt chặt quan hệ giữa các cá nhân Lãnh đạo với nhau mà còn giữa người dân Việt Nam với các nước.”
Cùng quan điểm với ông Hoàng Hữu Anh, Đại sứ Lê Thị Hồng Vân cho biết các hoạt động ngoại giao văn hóa ở cấp cao vừa qua là nhằm triển khai Chiến lược ngoại giao văn hóa.
Theo Đại sứ Lê Thị Hồng Vân, các hoạt động này được bạn bè quốc tế đánh giá rất cao vì đây thực sự là dịp để họ hiểu sâu hơn về Việt Nam; thấy được những nét đặc trưng văn hóa của Việt Nam, từ lối sống thường nhật cho đến phong tục, tập quán.
“Những nét văn hóa đặc sắc hay những nét đặc trưng của ẩm thực Việt Nam, bạn quốc tế được nghe nhiều rồi, nhưng đến, trải nghiệm tận nơi mới thấy được nét đẹp, bề sâu của văn hóa, sự hiếu khách, thịnh tình của người Việt Nam, họ cảm nhận được rằng Việt Nam thật sự là một đất nước của đổi mới, hội nhập, năng động nhưng vẫn giàu truyền thống, bản sắc. Điều đó chính là làm nên sức mạnh mềm của Việt Nam trong giai đoạn hội nhập và đổi mới, phát triển,” Đại sứ Lê Thị Hồng Vân chia sẻ./.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32
Hội nghị Ngoại giao về “Phát huy vai trò tiên phong, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, vững mạnh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng" khai mạc sáng 19/12.