Bà Hillary tới thăm Bangladesh để thúc đẩy quan hệ

Ngoại trưởng Mỹ thăm Bangladesh thúc đẩy quan hệ

Ngoại trưởng Mỹ sẽ hội đàm với Thủ tướng Sheikh Hasina và các quan chức Bangladesh nhằm thúc đẩy quan hệ giữa Washington và Dhaka.
Kết thúc chuyến thăm Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton ngày 5/5 đã tới Dhaka nhằm thúc đẩy quan hệ song phương với Bangladesh.

Theo các nguồn tin tại Ấn Độ, trong chuyến thăm hai ngày, bà Hillary Clinton dự kiến sẽ có cuộc hội đàm với Thủ tướng Sheikh Hasina và các quan chức Bangladesh nhằm thúc đẩy quan hệ giữa Washington và Dhaka.

Cả các quan chức Mỹ lẫn Bangladesh đều cho biết các cuộc hội đàm dự kiến tập trung vào việc mở rộng quan hệ kinh tế và chiến lược. Bangladesh muốn thu hút thêm đầu tư từ Mỹ và mong muốn tiếp cận nhiều hơn thị trường Mỹ.

Cố vấn về các vấn đề quốc tế của Thủ tướng Hasina cho biết, chuyến thăm của bà Hillary được đánh giá rất quan trọng.

Dự kiến, bà Hillary Clinton sẽ ký thoả thuận về quan hệ đối tác mới giữa Mỹ và Bangladesh.

Theo giới chức Mỹ, chuyến thăm này của Ngoại trưởng Clinton là nhằm nâng các mối quan hệ giữa Mỹ với quốc gia này lên một tầm cao mới.

Bà Hillary Clinton tới Bangladesh vào thời điểm tình hình tại nước này trong những tuần gần đây trở nên căng thẳng vì các cuộc tổng bãi công do các đảng đối lập khởi xưởng.

Bà là Ngoại trưởng Mỹ đầu tiên tới thăm Bangladesh kể từ chuyến thăm nước này vào năm 2003 của Ngoại trưởng Mỹ lúc bấy giờ là ông Colin Powell.

Bà Clinton sẽ rời Dhaka ngày 6/5 và tới thành phố Kolkata, thủ phủ bang Tây Bengan của Ấn Độ để gặp Thủ hiến Mamata Banerjee với hy vọng cuộc gặp có thể loại bỏ được những suy nghĩ bất lợi tại bang này về các chính sách của Mỹ, chủ yếu là chính sách đầu tư trực tiếp (FDI) vào ngành bán lẻ của Ấn Độ, đồng thời góp phần tăng đầu tư của Mỹ vào nước này.

Bà Banerjee đồng thời là Chủ tịch Trinamool Congress (TC) - đảng lớn thứ hai trong Liên minh Tiến bộ Thống nhất (UPA) cầm quyền tại Ấn Độ - đã ngăn cản một số sáng kiến cải cách kinh tế tại Ấn Độ, đặc biệt là FDI vào lĩnh vực bán lẻ. Do đó, cuộc gặp giữa bà Clinton và Banerjee được coi là cực kỳ quan trọng.

Nhà phân trích chính trị Ấn Độ Sabyasachi Roychowdhury nhận định “FDI nằm trong chương trình nghị sự chuyến thăm Ấn Độ của bà Clinton. Với việc nền kinh tế Mỹ đang trải qua một giai đoạn yếu kém, các cải cách kinh tế của Ấn Độ có thể ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, đặc biệt là kinh tế Mỹ."./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục