Người cặm cụi "gắn" vết thương lòng cho học trò

Nhìn lớp học, mỗi em đều như môt thế giới khắc kỷ với cửa im ỉm đóng, cô Thủy cảm thấy mình bất lực và cô vỡ òa trong nước mắt.
Với những học sinh khuyết tật, khó khăn lớn nhất không phải là dạy kiến thức mà là giúp các em vượt qua mặc cảm, tự ti để tự tin vào bản thân mình, vào tương lai và có thể mở lòng với mọi người. Và sau khi tự vá vết thương ấy cho mình, mấy chục năm qua, cần mẫn và lặng lẽ, cô Nghiêm Thị Thủy đã giúp bao người học trò kém may mắn tìm lại niềm tin trong cuộc sống.

Không ồn ã với tiếng dận máy may ào ào, căn phòng nhỏ của lớp thêu tại Trung tâm dạy nghề cho thanh niên khuyết tật Trường Trung học tư thục Kinh tế - du lịch Hoa Sữa phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội, với hơn hai chục con người lại có vẻ yên ắng đến tĩnh lòng. Dưới ánh đèn ấm áp, cô giáo Nghiêm Thị Thủy bé nhỏ ngồi lẫn mình với đám học trò.

Xoa dịu những nỗi đau

Đoạn đường trường dài gần 25 cây số từ Tây Mỗ tới Lĩnh Nam đã in hình ảnh của cô giáo khuyết tật vóc người nhỏ bé ngày ngày tới trung tâm dạy học. Nhiều người khuyên cô ở nhà mở xưởng thêu, nhận hàng về làm, kiếm được nhiều tiền hơn, đi xa dạy dỗ làm gì cho vất vả nhưng cô thấy mình không thể xa nơi này.

Lý giải về sự không thể rời xa ấy, cô Thủy chợt chùng giọng: “Mỗi em học sinh, khi bước chân vào đây là cả một thế giới riêng, thậm chí không ai chạm tới được. Mặc cảm, tự ti về sự khuyết tật của bản thân đã đóng thành bức tường dày đến nỗi gia đình không đủ hiểu và kiên nhẫn nên gửi các em vào đây. Nếu mình cũng bỏ rơi thì ai sẽ hàn gắn cho các em những vết thương lòng ấy?”

Nhưng con đường để giúp cho những học trò của mình mở lòng không hề đơn giản, dù cô đã vận dụng hết những kinh nghiệm rút ra từ chính bản thân mình. Đặc biệt là với các em khiếm thính, nhiều em chưa hề được đi học, thậm chí chưa từng tiếp xúc với người lạ bao giờ.

Hỏi thì các em trả lời cụt lủn, gợi chuyện thì các em lảng như không nghe thấy. Nhìn lớp học, mỗi em đều như môt thế giới khắc kỷ, cửa im ỉm đóng, cô Thủy cảm thấy mình bất lực và cô vỡ òa trong nước mắt.

“Dù có sự đồng cảm với tất cả những gì các em trải qua nhưng có khi phải đến ba tháng học trò mới chịu nói chuyện với cô. Nhiều khi, mất kiên kiên nhẫn, cả cô và trò cùng ngồi khóc. Khi cảm nhận được sự yêu thương thực sự của mình, các em mới chịu sẻ chia,” cô Thủy ngậm ngùi nói.

Với những nỗ lực của cô, các em đã xích lại gần nhau, những tiếng nói, tiếng cười đã rộn ràng nơi lớp học, dù đôi khi, nụ cười ấy không bật lên mà sáng ngời nơi khóe mắt.

Ở đây, các em được học nghề thêu để sau này có thể tự nuôi sống bản thân mình. Gian phòng thênh thang như một xưởng sản xuất thủ công nhỏ. Cậu bé Quang im lặng ngồi bên khung, đôi tay co quắp 19 năm nay đã cầm được cây kim - dù hơi vất vả - thêu những nét đầu tiên. Bên cạnh là Bùi Thị Lan với cánh tay phải gập vuông hết cỡ vì cong xương đang ngồi làm. Tranh hai em thêu chỉ giản đơn là một chồi lộc đang cố vươn cao lên bằng chỉ trắng. Lộc non ấy có lẽ cũng chính là khát vọng khôn nguôi của người thêu.

Vượt lên chính mình

Cô Thủy năm nay gần 40 tuổi, không may mắn như những người bình thường khác, đã trải qua rất nhiều bất hạnh nhưng ấn tượng với một nụ cười hiền, trong sáng lại luôn gợi cho người khác chút gì đó về sự vô tư, hồn nhiên và yêu đời đến lạ lùng.
    
Sinh ra trong một gia đình làm nông nghiệp, lại thiếu may mắn khi đôi chân không lành lặn, việc đi lại của Thủy gặp rất nhiều khó khăn. Đã có lúc cô sống trong nỗi ám ảnh dài rằng mình là gánh nặng cho gia đình. Lòng mặc cảm, tự ti như một căn bệnh khó chịu, luôn dày vò và thường trực khiến cô nhiều lần có ý định bỏ học, nhưng rồi nghĩ kỹ lại sau này sẽ chẳng làm gì được nếu không có tấm bằng cấp 3.

Tốt nghiệp phổ thông, cô không thể tìm được cho mình một công việc phù hợp. Phần vì sức khoẻ yếu, phần vì chẳng có nghề, mất hai năm liền, cô loay hoay trong mớ bòng bong mưu sinh. Dường như không muốn những hy vọng của con lại chìm dần sau mỗi lần thử nghiệm thất bại, bố mẹ đã đưa cô đến Phòng Thương binh xã hội xã Tây Mỗ, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Và cũng từ đây, cuộc đời cô đã sang trang.

Cô Thủy được giới thiệu đến Trung tâm dạy nghề Hoa Sữa. Lúc đó, trung tâm mới chỉ có vài lớp may và đang tuyển sinh lớp thêu đầu tiên. Như duyên số, cô chọn học nghề thêu dù rằng khi ấy nghề may đang thịnh hành và đông người theo học.

Lớp chỉ có 7 người, đa phần là cùng hoàn cảnh nên thân nhau như chị em một nhà. Nghĩ đến khoảng thời gian ấy, cô chợt buông lời tựa như nỗi chua xót mơ hồ: "Đến lúc ấy tôi mới được sống thực là mình, mới nhận ra rằng mình đã sai khi sống quá khép kín. Khi mở lòng ra ta mất gì nào? Được nhiều ấy chứ!"

Và từ bài học của chính bản thân mình, sau khi học xong, cô Thủy đã quyết định ở lại trung tâm, trở thành cô giáo của những lứa học trò tiếp theo. “Khi mình đã phá bức tường mặc cảm đưa các em trở lại cuộc sống bình thường thì cũng lấp đầy những khoảng trống cô đơn đầy khắc kỷ, là nắn thẳng những tâm hồn xiêu vẹo, để cho các em biết yêu lao động, biết tin tưởng vào người khác và vào ngày mai,” cô Thủy ngùi ngùi nói.

Ánh đèn hắt ra từ cảnh cửa khép hờ của lớp dạy thêu gợi cảm giác ấm áp đến nao lòng. Khát vọng hoàn thiện ở những người như cô giáo Thủy và các bạn học viên ở đây hệt những sợi chỉ màu thêu, tựa hồ rất mong manh nhưng thực ra vô cùng bền bỉ và đáng quý./.

Sơn Bách (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục