Ngày 3/7, những cơn mưa to kéo dài hàng tiếng đồng hồ xảy ra trên địa bàn huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên đã tạo nên trận lụt lớn nhất trong lịch sử hơn 40 năm ở địa bàn huyện này. Cho đến thời điểm hiện tại, mực nước lũ trên các con suối tại địa phương này vẫn ở mức cao, sức chảy vẫn còn cuồn cuộn dòng. Tuy nhiên, nhiều người dân địa phương bất chấp hiểm nguy khi đem tính mạng “đùa” với “thủy thần” để vớt củi trên các dòng lũ lớn. Theo Ủy ban Nhân dân huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, trận lũ, lụt này gây ảnh hưởng, thiệt hại trên diện rộng, nhưng “rốn lũ” thuộc về hai xã Chiềng Đông, Chiềng Sinh - 2 địa bàn giáp với huyện Mường Ẳng, phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất trong toàn huyện. Theo ghi nhận của phóng viên, cho đến thời điểm này, khi trận lũ đã “quét” qua địa bàn huyện Tuần Giáo được 2 ngày, nhưng tại phân đoạn suối Nậm Hụa chảy dọc Quốc lộ 279, qua địa bàn xã Púng Lao (huyện Mường Ẳng), xã Chiềng Đông, Chiềng Sinh (huyện Tuần Giáo) do lượng nước từ thượng nguồn đổ về nhiều nên mực nước lũ tại phân đoạn này vẫn còn cao, dòng chảy vẫn cuồn cuộn, gây nguy cơ sạt lở đất, đe dọa ruộng vườn, nhà và nhiều công trình của người dân sống dọc bên suối. Tuy nhiên, người dân sở tại vẫn ngang nhiên ra suối vớt củi dù không được trang bị bất cứ một vật dụng cứu sinh nào. Cả một đoạn suối dài hàng trăm mét là cảnh huyên náo, nhộn nhịp của hàng chục người dân đang hối hả giành giật nhau với nước lũ để hy vọng vớt được nhiều củi trôi trên dòng nước lũ. Không chỉ có thanh niên, trai tráng mà cả phụ nữ, trẻ em cũng “xung trận,” tham gia công việc hiểm nguy này.
Chứng kiến cảnh người dân đem tính mạng “đùa” với dòng lũ để vớt củi, khó ai có thể không nghĩ đến mức độ hiểm nguy, tính may rủi của số phận. Tuy nhiên, bất chấp tất cả, người dân thì vẫn cứ mặc nhiên. Xuôi về phía hạ nguồn suối Nậm Hụa khoảng 600m cũng tồn tại một điểm “khai thác”… củi trời. Ở địa điểm này thu hút số lượng người tham gia vớt củi nhiều hơn cả. Phương thức vớt củi của người dân ở đây giản đơn đến mức không tưởng: Chỉ một chiếc sào tre dài có ngoắc mấu ở một đầu sào là có thể tham gia vớt củi. Dọc triền dòng lũ, người dân có thể tùy chọn bất cứ địa điểm nào để “hành nghề.” Theo quan sát của phóng viên, để có được một bó củi vừa một người ôm, người dân phải “ngâm” mình trong dòng nước lũ gần 1 giờ. Sau khi lượng củi vớt lên vừa đủ một chuyến xe, người nhà sẽ cho xe máy ra chở về. Những chuyến xe củi như thế này thành quả của hàng giờ đồng hồ đem sự sống của bản thân ra “đùa” với tử thần hung dữ. Điều cá biệt hơn, bất chấp dòng lũ đang cuồn cuộn chảy, nhiều phụ nữ vẫn tham gia đi vớt cá trên dòng suối.
Thiết nghĩ, để bảo vệ an toàn tính mạng cho bản thân, người dân trên địa bàn cần nâng cao ý thức bảo vệ mình. Chính quyền sở tại cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến mọi người dân để tránh hậu quả đáng tiếc có thể chực chờ xảy ra trên từng con nước lũ./.
Quốc Hùng-Xuân Tiến (Vietnam+)