Người dân Libya đổ ra đường để phản đối Quốc hội

Tại thủ đô Tripoli và một số thành phố khác, người biểu tình giương biểu ngữ và hô các khẩu hiệu chỉ trích việc quốc hội kéo dài quá trình chuyển giao chính trị.
Người dân Libya đổ ra đường để phản đối Quốc hội ảnh 1Biểu tình rầm rộ tại Tripoli. Ảnh minh họa. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngày 7/2, hàng nghìn người dân Libya đã đổ ra đường để phản đối quyết định kéo dài nhiệm kỳ của quốc hội nước này, bất chấp những lo ngại bùng phát bạo lực.

Tại thủ đô Tripoli, thành phố Benghazi ở miền Đông và một số thành phố khác, người biểu tình giương biểu ngữ và hô các khẩu hiệu chỉ trích việc quốc hội kéo dài quá trình chuyển giao chính trị.

Mặc dù diễn ra trong hòa bình và kết thúc mà không có báo cáo nào về bạo động, song các cuộc biểu tình đã phản ánh tình trạng căng thẳng leo thang tại Libya.

Tối 7/2, thông qua các kênh truyền thông, một số đại biểu Quốc hội Libya đã tuyên bố từ chức "theo ý nguyện của người dân."

Trước tình hình trên, cũng trong ngày 7/2, Thủ tướng Libya Ali Zeidan đã lên tiếng kêu gọi người dân đóng góp vào các biện pháp hòa bình, đồng thời nhấn mạnh giải pháp đối thoại để giải quyết khủng hoảng chính trị ở nước này.

Phái bộ Hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Libya (UNSMIL) cũng hối thúc các đảng phái trong nước tham gia đối thoại.

Đại hội Nhân dân toàn quốc (GNC - Quốc hội) Libya được bầu vào tháng 7/2012 với nhiệm kỳ 18 tháng, có nhiệm vụ tổ chức các cuộc bầu cử hội đồng lập hiến vào cuối tháng này để tiến tới tổng tuyển cử.

Tuy nhiên ngày 3/2 vừa qua, GNC đã thông qua quyết định kéo dài nhiệm kỳ đến tháng 12 năm nay để bảo đảm ủy ban soạn thảo hiến pháp có đủ thời gian hoàn thành nhiệm vụ. GNC cam kết sẽ giải tán và tiến hành bầu cử quốc hội lâm thời nếu công tác soạn thảo hiến pháp không tiến triển trong vòng 60 ngày.

Bên cạnh việc vấp phải phản đối của phần lớn người dân, cho rằng GNC không thể ngăn Libya rơi vào bất ổn, quyết định tiếp tục tại nhiệm của quốc hội còn gây thêm chia rẽ giữa các phe phái trong nước.

Kể từ khi GNC được thành lập, mâu thuẫn nội bộ giữa đảng Hồi giáo Công lý và Xây dựng (JCP), một nhánh chính trị của tổ chức Anh em Hồi giáo, và Liên minh các lực lượng quốc gia (NFA), đảng đang kiểm soát quốc hội, đã cản trở quá trình lập pháp.

Bên cạnh đó, NFA và JCP lần lượt liên kết với hai nhóm vũ trang lớn trước đây ở Libya là Zintan và Misrata, làm tăng nguy cơ sử dụng sức mạnh quân sự để gây áp lực chính trị./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục