Hàng năm, sau những ngày Tết Nguyên đán, niềm vui của người dân vùng ven biển xã Đức Minh (huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi) được nhân lên gấp bội. Đây là thời điểm chính vụ của mùa ốc gạo, bà con tập trung ra quân “hái lộc” từ biển ban tặng.
Sau mỗi mùa ốc gạo, người dân xã Đức Minh thu tiền tỷ, góp phần giảm nghèo đáng kể và làm giàu cho hàng chục gia đình ở địa phương.
Như một nghề truyền thống
Đến hẹn lại lên, từ tháng giêng đến tháng 3 (âm lịch) hàng năm là thời điểm chính mùa ốc gạo ở vùng ven biển xã Đức Minh. Sau những ngày vui xuân đón chào năm mới, phần lớn bà con đi biển ở địa phương này khởi động năm mới bằng nghề cào ốc gạo.
Ốc gạo sinh sống dưới lớp cát biển mỏng cách bờ biển khoảng trên dưới 100m và cách mặt nước chừng 3-5m. Nghề cào ốc gạo không khó nhưng phụ thuộc nhiều vào thời tiết. “Nếu trời nắng to, sóng biển êm ả thì cào ốc gạo được thuận lợi, nhiều người dân đi cào ốc. Còn hôm nào sóng to, biển động thì người dân không đi hoặc ít người đi” - ông Nguyễn Văn Cà, một thợ lặn cào ốc ở Đức Minh chia sẻ.
Trước đây, người dân Đức Minh cào ốc chủ yếu bằng cách lặn bộ. Người cào ốc phải là người có sức khỏe tốt, biết lặn sâu dưới nước. Sau khi có đầy đủ dụng cụ gồm kính lặn, vợt cào ốc, người cào ốc lặn sâu xuống nước rồi tìm nơi có ốc gạo thì dùng vợt cào. Hết hơi, người thợ lặn ngoi lên lấy hơi rồi lại lặn xuống, cứ như vậy cho đến khi vợt đầy ốc thì mang vào bờ. Mỗi buổi, người cào ốc lặn chừng 4 tiếng đồng hồ, được 2 bao ốc gạo, mỗi bao 100kg. Với giá 500.000 đồng/bao ốc thì mỗi ngày người lặn ốc gạo kiếm được 1 triệu đồng.
Hiện nay, số người lặn bộ giảm dần vì tốn nhiều công sức, người dân chủ yếu dùng ghe thuyền để đi cào ốc gạo. Toàn xã Đức Minh hiện có gần 50 ghe thuyền đang được sử dụng để cào ốc gạo. Dùng ghe thuyền vừa tốn ít sức hơn, vừa không phải ngâm mình trong nước mấy tiếng đồng hồ, mà lượng ốc thu được lại nhiều hơn gấp 3-4 lần so với lặn bộ.
Ông Võ Minh Quang, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đức Minh cho biết, nghề cào ốc gạo ở đây có từ bao đời nay, tuy chỉ diễn ra trong 3 tháng đầu năm, nhưng nó như một nghề truyền thống, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân địa phương.
Thu tiền tỷ từ ốc gạo
Hàng ngày, khoảng 12 giờ đến 14 giờ, các ghe thuyền lần lượt cập bến. Tại các bến ven biển Minh Tân Bắc, Minh Tân Nam và Đạm Thủy Bắc, hàng chục tư thương buôn ốc đã chầu chực ở đây. “Năm nay, ốc gạo thưa hơn mọi năm nên cào ốc mất nhiều thời gian và lượng ốc thu được cũng ít hơn. Mặc dù tôi đã đặt cọc với các chủ ghe thuyền rồi, nhưng vẫn phải mua thu gom ở các thợ lặn của ghe thuyền khác. Vậy mà vẫn không đủ ốc để vận chuyển bán cho khách hàng,” chị Phạm Thị Kiều, một tư thương chuyên buôn ốc gạo nhiều năm ở xã Đức Minh chia sẻ.
Mỗi ngày, chị Kiều thu mua trên dưới 100 bao ốc, tương đương 10 tấn ốc để đưa đi tiêu thụ ở các tỉnh, thành như: Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận... Còn anh Nguyễn Văn Nhớ cho biết, giá mua ốc gạo hiện nay nếu trời yên biển lặng thì từ 500.000- 600.000 đồng/bao, những ngày có sóng lớn, biển động người dân ít đi cào ốc gạo, nên giá ốc tăng lên đến 800.000 đồng/bao.
Gia đình ông Nguyễn Văn Cà (thôn 4, Đức Chánh) có 3 người đi lặn bộ cào ốc gạo. Hàng ngày, chỉ lặn một buổi nhưng gia đình ông kiếm được hơn 3 triệu đồng. Nhờ vào tiền lặn ốc mà kinh tế của gia đình ông khá hơn rất nhiều. Trong mùa ốc gạo, gia đình ông thu nhập cao gấp nhiều lần so với số tiền thu từ các loại cây trồng khác của cả gia đình làm quanh năm.
Ông Nguyễn Ngọc Hướng, thôn Đạm Thủy Bắc, xã Đức Minh, cho biết: “Gia đình tôi có 3 anh em dùng ghe cào ốc, trung bình một ngày cào được 5-7 bao ốc, nếu biển lặng sóng có hôm cào được 8-9 bao. Tính trung bình một ngày, anh em chúng tôi kiếm được 4-5 triệu đồng.”
Tính bình quân mỗi tháng, mỗi ghe thuyền đi cào ốc 20 ngày, thu được từ 80-100 triệu đồng. Qua một mùa cào ốc trong 3 tháng, mỗi ghe thuyền với 3 lao động kiếm được vài trăm triệu đồng, một số tiền không nhỏ đối với nhân dân vùng biển ngang nghèo khó này. Tính chung toàn xã với gần 50 ghe thuyền cào ốc và hàng chục người cào ốc bộ, thì mỗi mùa cào ốc gạo người dân nơi đây thu về ít nhất khoảng 15 tỷ đồng. Ốc gạo được xem như “lộc biển” mang lại cho người dân Đức Minh, giúp nhiều gia đình có nguồn thu nhập “khủng” chỉ trong 3 tháng đầu năm.
Ông Võ Minh Quang, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đức Minh cho biết: Trong khi nghề đánh bắt gần bờ đang gặp nhiều khó khăn thì nghề cào ốc gạo không chỉ giải quyết việc làm cho hơn 200 lao động, mà còn là nghề góp phần giảm nghèo hiệu quả ở địa phương./.
Sau mỗi mùa ốc gạo, người dân xã Đức Minh thu tiền tỷ, góp phần giảm nghèo đáng kể và làm giàu cho hàng chục gia đình ở địa phương.
Như một nghề truyền thống
Đến hẹn lại lên, từ tháng giêng đến tháng 3 (âm lịch) hàng năm là thời điểm chính mùa ốc gạo ở vùng ven biển xã Đức Minh. Sau những ngày vui xuân đón chào năm mới, phần lớn bà con đi biển ở địa phương này khởi động năm mới bằng nghề cào ốc gạo.
Ốc gạo sinh sống dưới lớp cát biển mỏng cách bờ biển khoảng trên dưới 100m và cách mặt nước chừng 3-5m. Nghề cào ốc gạo không khó nhưng phụ thuộc nhiều vào thời tiết. “Nếu trời nắng to, sóng biển êm ả thì cào ốc gạo được thuận lợi, nhiều người dân đi cào ốc. Còn hôm nào sóng to, biển động thì người dân không đi hoặc ít người đi” - ông Nguyễn Văn Cà, một thợ lặn cào ốc ở Đức Minh chia sẻ.
Trước đây, người dân Đức Minh cào ốc chủ yếu bằng cách lặn bộ. Người cào ốc phải là người có sức khỏe tốt, biết lặn sâu dưới nước. Sau khi có đầy đủ dụng cụ gồm kính lặn, vợt cào ốc, người cào ốc lặn sâu xuống nước rồi tìm nơi có ốc gạo thì dùng vợt cào. Hết hơi, người thợ lặn ngoi lên lấy hơi rồi lại lặn xuống, cứ như vậy cho đến khi vợt đầy ốc thì mang vào bờ. Mỗi buổi, người cào ốc lặn chừng 4 tiếng đồng hồ, được 2 bao ốc gạo, mỗi bao 100kg. Với giá 500.000 đồng/bao ốc thì mỗi ngày người lặn ốc gạo kiếm được 1 triệu đồng.
Hiện nay, số người lặn bộ giảm dần vì tốn nhiều công sức, người dân chủ yếu dùng ghe thuyền để đi cào ốc gạo. Toàn xã Đức Minh hiện có gần 50 ghe thuyền đang được sử dụng để cào ốc gạo. Dùng ghe thuyền vừa tốn ít sức hơn, vừa không phải ngâm mình trong nước mấy tiếng đồng hồ, mà lượng ốc thu được lại nhiều hơn gấp 3-4 lần so với lặn bộ.
Ông Võ Minh Quang, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đức Minh cho biết, nghề cào ốc gạo ở đây có từ bao đời nay, tuy chỉ diễn ra trong 3 tháng đầu năm, nhưng nó như một nghề truyền thống, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân địa phương.
Thu tiền tỷ từ ốc gạo
Hàng ngày, khoảng 12 giờ đến 14 giờ, các ghe thuyền lần lượt cập bến. Tại các bến ven biển Minh Tân Bắc, Minh Tân Nam và Đạm Thủy Bắc, hàng chục tư thương buôn ốc đã chầu chực ở đây. “Năm nay, ốc gạo thưa hơn mọi năm nên cào ốc mất nhiều thời gian và lượng ốc thu được cũng ít hơn. Mặc dù tôi đã đặt cọc với các chủ ghe thuyền rồi, nhưng vẫn phải mua thu gom ở các thợ lặn của ghe thuyền khác. Vậy mà vẫn không đủ ốc để vận chuyển bán cho khách hàng,” chị Phạm Thị Kiều, một tư thương chuyên buôn ốc gạo nhiều năm ở xã Đức Minh chia sẻ.
Mỗi ngày, chị Kiều thu mua trên dưới 100 bao ốc, tương đương 10 tấn ốc để đưa đi tiêu thụ ở các tỉnh, thành như: Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận... Còn anh Nguyễn Văn Nhớ cho biết, giá mua ốc gạo hiện nay nếu trời yên biển lặng thì từ 500.000- 600.000 đồng/bao, những ngày có sóng lớn, biển động người dân ít đi cào ốc gạo, nên giá ốc tăng lên đến 800.000 đồng/bao.
Gia đình ông Nguyễn Văn Cà (thôn 4, Đức Chánh) có 3 người đi lặn bộ cào ốc gạo. Hàng ngày, chỉ lặn một buổi nhưng gia đình ông kiếm được hơn 3 triệu đồng. Nhờ vào tiền lặn ốc mà kinh tế của gia đình ông khá hơn rất nhiều. Trong mùa ốc gạo, gia đình ông thu nhập cao gấp nhiều lần so với số tiền thu từ các loại cây trồng khác của cả gia đình làm quanh năm.
Ông Nguyễn Ngọc Hướng, thôn Đạm Thủy Bắc, xã Đức Minh, cho biết: “Gia đình tôi có 3 anh em dùng ghe cào ốc, trung bình một ngày cào được 5-7 bao ốc, nếu biển lặng sóng có hôm cào được 8-9 bao. Tính trung bình một ngày, anh em chúng tôi kiếm được 4-5 triệu đồng.”
Tính bình quân mỗi tháng, mỗi ghe thuyền đi cào ốc 20 ngày, thu được từ 80-100 triệu đồng. Qua một mùa cào ốc trong 3 tháng, mỗi ghe thuyền với 3 lao động kiếm được vài trăm triệu đồng, một số tiền không nhỏ đối với nhân dân vùng biển ngang nghèo khó này. Tính chung toàn xã với gần 50 ghe thuyền cào ốc và hàng chục người cào ốc bộ, thì mỗi mùa cào ốc gạo người dân nơi đây thu về ít nhất khoảng 15 tỷ đồng. Ốc gạo được xem như “lộc biển” mang lại cho người dân Đức Minh, giúp nhiều gia đình có nguồn thu nhập “khủng” chỉ trong 3 tháng đầu năm.
Ông Võ Minh Quang, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đức Minh cho biết: Trong khi nghề đánh bắt gần bờ đang gặp nhiều khó khăn thì nghề cào ốc gạo không chỉ giải quyết việc làm cho hơn 200 lao động, mà còn là nghề góp phần giảm nghèo hiệu quả ở địa phương./.
Nguyễn Đăng Lâm (TTXVN)