Người Hồi giáo Indonesia đón tháng Ramadan trong lạc quan và tôn kính

Tháng Ramadan đối với các tín đồ Hồi giáo Indonesia như một dịp để tự hoàn thiện mình với các nghi thức tôn nghiêm - điều có thể đưa họ đến gần hơn với Đức thánh Allah tôn kính của đạo Hồi.

Bên ngoài Thánh đường Hồi giáo lớn nhất Đông Nam Á, Istiqlah. (Ảnh: Đỗ Quyên/Vietnam+)
Bên ngoài Thánh đường Hồi giáo lớn nhất Đông Nam Á, Istiqlah. (Ảnh: Đỗ Quyên/Vietnam+)

Người Hồi giáo trên khắp đất nước Indonesia đang bước vào Ramadan 1445 Hijriyah/2024. Các chức sắc tôn giáo tại Đất nước Vạn đảo đã kêu gọi người Hồi giáo chào đón tháng lễ trong lạc quan, tin tưởng và tôn kính thánh Allah.

Ramadan là tháng lễ linh thiêng nhất trong năm của người Hồi giáo và không có ngày cố định hằng năm theo lịch dương. Việc xác định ngày bắt đầu tháng lễ được những người đứng đầu tổ chức tôn giáo quyết định dựa trên việc tính toán, quan sát vị trí và hình thái của Mặt trăng.

Năm nay, chính phủ Indonesia xác định tháng lễ bắt đầu từ ngày 11/3, trong khi tổ chức Hồi giáo lớn thứ 2 ở Indonesia Muahammadya chọn ngày 13/3. Vì vậy, người dân được nghỉ 2 ngày và tự quyết định chọn một trong hai ngày trên để bắt đầu puasa (nhịn ăn từ khi Mặt trời mọc đến khi Mặt trời lặn).

Tại thánh đường Hồi giáo lớn nhất Đông Nam Á nằm ở trung tâm thủ đô Jakarta, Istiqlah, các kiot bên ngoài không gian chính đã được dựng chuẩn bị để các tín đồ cùng nhau chia sẻ bữa tối sau lễ cầu nguyện buổi chiều.

gia dinh.jpg
Nhiều gia đình đến Thánh đường Hồi giáo Istiqlah ở Thủ đô Jakarta dịp tháng lễ Ramadan. (Ảnh: Đỗ Quyên/Vietnam+)

Thánh đường Masjid Istiqlal là một phức hợp khá tinh tế gồm hai cấu trúc hình vuông và hình chữ nhật được xây nổi để trống tầng dưới, đưa không gian chính lên cao.

Hệ thống hành lang rộng và thoáng liên kết bên ngoài tạo nên 2 sân thượng, để có thêm không gian và tạo cho ngôi thánh đường vẻ bề thế đồng thời giữ được sự thông thoáng, tĩnh lặng, thuận tiện cho việc cầu nguyện và giao tiếp với thần linh.

Khu đại sảnh là nơi tập trung hành lễ chính, có hình vuông, mái vòm cao 60m, mỗi cạnh 100m. Hôm nay các tín đồ tập trung khá đông cho buổi lễ cầu nguyện bước vào tháng lễ.

Tiến sỹ Ismail Cawidu, thành viên Hội đồng Thánh đường Istiqlah cho biết: “Lợi ích đầu tiên của việc nhịn ăn trong tháng Ramadan là tạo nên sức mạnh tinh thần, để rèn luyện lòng kiên nhẫn và kiềm chế các ham muốn. Lợi ích thứ hai là đem lại những lợi ích xã hội, để tín đồ Hồi giáo sống có trật tự, kỷ luật và bình đẳng với người khác bất kể địa vị xã hội. Thứ ba là lợi ích sức khỏe, kinh thánh nói rằng bạn nhịn ăn và bạn sẽ khỏe mạnh.”

cau be 1.jpg
Một cậu bé chăm chú đọc kinh Q’ran tại Thánh đường Hồi giáo Istiqlah ở Thủ đô Jakarta. (Ảnh: Đỗ Quyên/Vietnam+)

Ông nói thêm rằng Ramadan cũng là một trường học dành cho người Hồi giáo thực hiện việc tự giáo dục để đạt được sự thanh lọc bản thân. Điều này rất quan trọng vì tất cả con người đều có dục vọng và nếu không điều khiển được thì chúng sẽ khiến con người thực hiện những hành động xấu.

Thánh đường Istiqlah là nơi các tín đồ Hồi giáo trên khắp Indonesia đều mong được tới cầu nguyện, nhất là vào dịp lễ trọng như dịp này. Thời gian này các tín đồ đạo Hồi từ các tỉnh, thành phố khác của Indonesia đã đổ về đây để tham quan và cầu nguyện.

Bà Hj Desmihalita đến từ Tây Sumatra, lần đầu tiên đến nhà nhờ Istqlah cùng gia đình, chia sẻ: “Vào tháng Ramadan, chúng tôi thực hành các nghi thức bắt buộc, quan trọng nhất là nghi thức puasa, việc chuẩn bị được bắt đầu từ thanh lọc ý nghĩ. Chúng tôi tin rằng Thánh Allah sẽ thấy tất cả những điều tốt đẹp mà chúng tôi đang làm, để cuộc sống tốt đẹp hơn.”

Việc nhịn ăn là nhằm mục đích đưa các tín hữu đến gần Thánh Allah hơn và nhắc nhở họ về những nỗi khổ của người nghèo. Trong tháng lễ, người Hồi giáo phải tuân thủ nghiêm ngặt những lời cầu nguyện hàng ngày và dành thời gian tĩnh tâm, chiêm nghiệm tôn giáo cao độ. Họ được răn dạy không làm những việc xấu, tránh tranh luận quá mức hay cãi vã, đánh nhau.

Tuy nhiên, luật của đạo Hồi cũng quy định những người đang ốm, phụ nữ có thai, trẻ em, binh lính và những người lao động nặng thì không cần tuân theo việc nhịn ăn.

Trong suốt tháng Ramadan, các nhà thờ, các phường và các gia đình khá giả thường tổ chức những bữa ăn từ thiện để chia sẻ với mọi người. Các suất ăn được chuẩn bị vào hộp để mọi người cùng nhau ăn tối sau khi cầu nguyện, thường gọi là “buka puasa.”

le.jpg
Lễ cầu nguyện trước tháng lễ Ramadan tại Thánh đường Hồi giáo Istiqlah ở Thủ đô Jakarta. (Ảnh: Đỗ Quyên/Vietnam+)

Trung bình mỗi ngày tại Thánh đường Istiqlah có tới 4.000 suất ăn được chuẩn bị để các tín đồ cùng nhau thưởng thức sau buổi lễ cầu nguyện. Trong tuần cuối của tháng Ramadan, con số này sẽ tăng lên 6.000 suất.

Vừa kết thúc lễ cầu nguyện, ông Haji Alididik, nhà ở Bandung, cho biết ông đến đây cùng với gia đình để cầu nguyện và sẽ thực hành puasa từ ngày hôm nay.

"Lần đầu tiên tôi tới đây, đây là thánh đường lớn nhất của chúng tôi. Tôi muốn chia sẻ bữa tối cùng với các tín đồ khác ở đây vào buổi chiều nay, chúng tôi là một gia đình Hồi giáo và tôi rất hạnh phúc với tháng Ramadan."

Với đức tin và sự sùng kính, các tín đồ Hồi giáo Indonesia chào đón tháng Ramadan như một dịp để tự hoàn thiện mình và hướng đến những điều tốt đẹp, tốt đẹp từ trong ý nghĩ đến việc thực hành các nghi thức tôn nghiêm, điều đó có thể đưa họ đến gần hơn với Đức thánh Allah tôn kính của đạo Hồi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục