Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, do lo ngại đồng ruble mất giá mạnh, người dân Nga đã vội vàng đi thu mua ngoại tệ mà đỉnh điểm là trong tháng 9 và tháng 10.
Cơ quan Thống kê Liên bang Nga (Rostat) cho biết, vào những tháng mùa Thu này, người dân Nga đã chi 5,4% thu nhập của mình để mua USD và Euro.
Lần gần đây nhất, người Nga tích cực mua ngoại tệ như vậy xảy ra vào ngày 16/12/2014, vốn rất nổi tiếng với tên gọi "Ngày thứ Ba đen tối."
Khi đó, tại các sàn giao dịch, tỷ giá hối đoái lên tới hơn 80 ruble đổi một USD, và hơn 100 ruble/1euro.
Theo giới chuyên gia, hiện người Nga đang lặp lại mô hình hành vi 2 năm trước khi lo ngại đồng ruble lại bị phá giá.
Tuy nhiên, có một bộ phận người giàu mua thêm ngoại tệ để chuẩn bị cho những buổi lễ năm mới mà họ dự định đón ở nước ngoài.
Đồng ruble gây sốt đã gần 2,5 năm, tuy nhiên giai đoạn đồng nội tệ của Nga giảm giá mạnh đang được thay thế bằng xu hướng củng cố.
Trong trí nhớ người Nga đến giờ vẫn hiện rõ hình ảnh hai năm về trước, từng đoàn người nối dài đợi mua USD và Euro.
Thống kê tiền tệ cho thấy, các tháng trong năm gồm tháng 8, tháng 12 và tháng 1 thường là những tháng "đen tối" nhất đối với đồng ruble.
Ví dụ, tháng 12/2012 đồng ruble chỉ ở mức hơn 64 ruble/1USD, nhưng bước sang tháng 1 đã đạt mức 77 ruble/1USD.
Vì vậy, bằng kinh nghiệm cay đắng đã học được trong những năm qua, người dân Nga muốn được bảo đảm và mua thêm ngoại tệ để dự trữ, mặc dù hiện chưa thấy lý do gì có thể làm náo động thị trường ngoại tệ.
Trên thực tế, chính sách hiện nay đang thúc đẩy hoạt động mua ngoại tệ. Theo số liệu của Rostat, trong các tháng 9 và 10, người dân Nga đã chi 5,4% thu nhập của mình để mua ngoại tệ mặc dù thu nhập của họ không ngừng giảm xuống.
Ví dụ, vào tháng 10/2016 thu nhập thực tế của người dân Nga giảm 5,9%, trong khi mức lương danh nghĩa hàng tháng chỉ ở mức hơn 36,2 nghìn ruble.
Theo số liệu thống kê, người Nga chi trung bình mỗi tháng 2000 ruble để mua "đồng bạc xanh."
Chuyên gia phân tích của Công ty Forex Club Irina Rogova lý giải rằng "hành vi như vậy của người dân có thể phản ánh sự thiếu lòng tin đối với tiền tệ quốc gia và không muốn giữ tiết kiệm bằng đồng ruble.
Tuy nhiên, theo chuyên gia này, việc gia tăng mua ngoại tệ trước thềm những ngày lễ năm mới phần lớn nhằm mục đích dự trữ, chỉ một phần trong số đó nhằm mục đích đi nghỉ ở nước ngoài.
Con số này không tăng mạnh trong vòng 2 năm trở lại đây, trong năm ngoái chỉ có 5% và dự kiến giảm xuống còn 4% trong năm 2016.
Giới chuyên gia thị trường tiền tệ dự báo dự báo rằng càng gần Năm Mới tỷ giá đồng USD/ruble sẽ gia tăng, tuy nhiên sự gia tăng nhanh chóng lên hàng chục phần trăm như từng xảy ra vào cuối năm 2014 khó có thể xảy ra.
Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã đạt được thỏa thuận về cắt giảm và "đóng băng" khối lượng khai thác dầu mỏ trong vòng nửa năm.
Đó là lý do để đồng ruble tăng giá. Nếu các quốc gia thành viên OPEC giữ lời hứa thực hiện các cam kết về hạn ngạch khai thác, khi đó giá dầu có thể ổn định ở mức 55-60 USD/thùng.
Điều này sẽ giúp cho đồng nội tệ của Nga có cơ hội được củng cố ở mức ít nhất từ 60 đến 61 ruble/1USD./.