Hà Nội đã sang Thu. Con ngõ nhỏ dài uốn lượn bắt đầu từ số nhà 180 Nguyễn Lương Bằng, Đống Đa (Hà Nội) tưởng vô tận, cuối cùng cũng đưa chúng tôi đến một căn nhà nhỏ cao ráo, với cái cổng màu gạch non xinh xắn.
Ở tuổi 90, bước chân đã chậm, nhưng ánh mắt nụ cười của bà chủ nhà vẫn còn rất tinh anh, phảng phất nét đằm thắm của một hoa khôi Hà thành năm nào. Bà là Bùi Thị Đính (tức Hạc Đính), vợ của nhà thơ tài danh Trần Huyền Trân. Dù ông lão đã về với thiên thu hai chục năm nay, nhưng bà Hạc Đính vẫn được bà con trong ngõ gọi bằng cái tên trìu mến “bà Trân.”
Chậm rãi cho trà vào ấm và chế nước sôi. Khi hương nhài từ chiếc ấm nhỏ tỏa hương dịu nhẹ khắp phòng, cũng là lúc bà Đính bắt đầu câu chuyện về kỹ thuật ướp trà nhài, trà sen, món đồ uống thanh tao của các gia đình Hà Nội.
Từ thời con gái đến giờ, bà Đính vẫn giữ thói quen, vào độ tháng 7 lại đến chợ Hàng Da để đặt mua hoa nhài tươi. Thông thường cứ 2 cân trà (mà phải là trà Thái Nguyên, Phú Thọ) thì cần tới nửa lạng hoa nhài tươi; còn ướp trà sen phải dùng bằng trà Hà Giang.
Hoa nhài mang về buổi chiều, cho vào nồi đậy kín, để từ 7 giờ tối đến 10 giờ đêm thì nở hết, khi ấy mới cho trà vào để ướp. Cứ tuần tự một lượt trà lại đến một lượt hoa, trên cùng đặt miếng giấy bóng mờ (mua ở phố Hàng Mã), rồi đậy vung lại, để tròn hai đêm một ngày. Sau đó, nhặt hoa ra và cho trà vào chiếc chậu to đặt trên than hoa để sấy khô. Trong lúc sấy, luôn phải đảo đều tay liên tục, chừng khoảng 2 giờ đồng hồ, khi bẻ cánh trà thấy giòn là được. Trà khô, cho vào giấy bóng cất uống dần đến tận Tết Nguyên đán...
Bên chén trà thơm, câu chuyện của bà Đính đưa chúng tôi trở về thời Hà Nội 36 phố phường, với những tà áo dài tha thướt của những bà, những cô thuộc loại con nhà gia thế.
Bà bảo ngày ấy, đàn bà con gái Hà Nội hễ ra đường là phải mặc áo dài, kể cả người đứng bán hàng cũng vậy; chỉ có những người lam lũ, đi chợ “buôn thúng bán mẹt,” người lao động, giúp việc trong gia đình mới mặc áo cộc. Áo dài may khép tà, kín đáo có 5 khuy cài, thường là một màu (lam, nghệ, cẩm thạch…) theo thời trang từng năm.
Con gái Hà Nội đi lấy chồng phải biết đủ nữ công gia chánh. Từ việc đơn giản như nấu món xôi vò - chè đường, sao cho xôi mềm, tơi, chè phải trong vắt; đến cách nấu cỗ, đơm xôi, xếp thịt gà, bày bát canh măng, canh bóng sao cho ngay ngắn, thanh thoát và đẹp mắt, cũng đều phải học kỹ càng.
Và điều không thể thiếu ở con gái Hà Nội, khác hẳn con gái các tỉnh là cách giao thiệp, ứng xử thanh lịch, ăn nói nhẹ nhàng, mạch lạc; đặc biệt là mến khách dù cho lúc kinh tế đầy đủ hay khó khăn.
Trước cách mạng, Hà Nội có hai hiệu thuốc lào nổi tiếng, một của ông Giang Ký ở Đồng Xuân và một của ông ngoại bà Đính là cụ Cả Nghị ở chợ Hôm. Ông nội bà là cụ bá Vương họ Bùi.
Bà Đính sinh năm 1922 trong một gia đình giáo học ở 134 Duy Tân (Phố Huế ngày nay). Cha bà là cụ Nam Hương Bùi Huy Cường làm giáo viên trường Trần Văn Khánh (Ô Cầu Dền-Bạch Mai).
Bà ở trong số những người con gái lớp trên được cha mẹ cho ăn học, khi 15 tuổi đã có bằng Sơ học Pháp-Việt và rất yêu văn nghệ. Bà mê đọc tiểu thuyết Tự lực văn đoàn đến thuộc lòng, nhất là thích nhân vật cô Mai trong “Nửa chừng Xuân” của Khái Hưng.
Năm 1940, khi được đạo diễn Chu Ngọc mời thủ vai cô Mai trong vở kịch cùng tên diễn ở Nhà hát Lớn, mặc dù chỉ chơi nghiệp dư tài tử, nhưng bà đã khiến tất thảy người xem xúc động bởi lối diễn chân thật và xúc động.
Năm 1943, khi vào vai Thị Lộ trong vở kịch lịch sử Lệ Chi Viên, nhan sắc rực rỡ của cô đào Hạc Đính bên cạnh nhà thơ Hoàng Cầm vai vua Lê Thánh Tông, vóc dáng thanh tú, mắt sáng như sao đã lần nữa khiến giới văn nghệ (trong đó có các thi nhân Thâm Tâm, Nguyễn Bính, Trần Huyền Trân, Vũ Hoàng Chương…) và công chúng Hà Nội nức lòng.
Cách mạng Tháng Tám thành công, Thâm Tâm và Trần Huyền Trân lập ban kịch, trong vở diễn lớn đầu tiên “19 tháng 8,” cô đào Hạc Đính lại được mời vào vai nữ chính, và từ đây mối nhân duyên với nhà thơ Trần Huyền Trân có dịp đơm hoa.
Năm 1946, đám cưới đời sống mới đầu tiên ở Thủ đô giữa cô con gái con nhà gia thế và anh nhà thơ nghèo được tổ chức ngay tại Tòa Đốc lý bên cạnh hồ Gươm (Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội hiện nay) chỉ với nước chè tươi, kẹo vừng kẹo lạc, thuốc lá, nhưng rất đầm ấm trong tình bạn bè, họ mạc.
Lấy chồng, rồi theo chồng, những năm rời Hà Nội đi kháng chiến ở Việt Bắc, dù phải tập gánh nước, học trồng sắn, trồng khoai, nuôi gà, sống cảnh nhà tranh vách đất, đèn dầu leo lét, nhưng bà Đính vẫn vững vàng vượt qua mà trong lòng không nguôi nỗi nhớ Hà Nội, nhớ cảnh sắc hồ Gươm, Tháp Rùa, nhớ hồ Tây, chùa Trấn Quốc…
Thủ đô giải phóng năm 1954, đêm tháng 10 trở về Hà Nội, nhìn thấy cầu sông Cái (cầu Long Biên) cùng ánh điện như sao sa mà lòng bà như thắt lại trong nỗi mừng vui khôn tả. Tiếp đó là những tháng ngày vất vả lo toan, chèo lái nuôi con, gây dựng kinh tế gia đình, giúp chồng trên con đường nghệ thuật.
Năm 1986, tròn 40 năm kết tình chồng vợ, khi con cái bắt đầu phương trưởng, cũng là lúc ông nhà lâm bệnh hiểm nghèo. Bà trở thành chỗ dựa, chia sẻ, nâng đỡ ông trong nỗi đau thể xác giày vò, rồi cuối cùng ông cũng ra đi…
Kể chuyện mình, ngẫm chuyện đời, bà Đính nói là người Hà Nội, ngọt bùi đắng cay đã trải, sống đến tận hôm nay, khi Thủ đô bước vào Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, bà tự hào lắm. Đây là sự may mắn và cũng là vinh dự không phải ai trong lớp người Hà Nội “cổ” như bà cũng được chứng kiến. Thủ đô ngày càng phát triển lớn mạnh, không chỉ người Hà Nội mà người Việt Nam ở trong Nam, ngoài Bắc hay tận nước ngoài cũng đều phấn khởi.
Chia tay bà Hạc Đính, người con gái Hà Nội một thời nổi danh tài sắc, hương nhài dịu mát quyện trong chén trà cứ quấn chân ai. Hương thơm sâu kín của loài hoa nhỏ ngày nào, vẫn thanh khiết, góp hương làm đẹp cho đời, cũng như nét vẻ thanh lịch, đằm thắm của người con gái Hà Nội xưa không hề thay đổi, dù cho vật đổi sao dời, đời người thăng trầm bao nỗi.
“Rồi hôm nào đây…
Xuân đầy nắng mới
Rau em trồng phơi phới tươi xanh
Gà em nuôi đẻ trứng đầy giành
Em để phần anh - em đợi !”…
(trích bài thơ “Bến đợi” nhà thơ Trần Huyền Trân viết tặng vợ năm 1948)./.
Ở tuổi 90, bước chân đã chậm, nhưng ánh mắt nụ cười của bà chủ nhà vẫn còn rất tinh anh, phảng phất nét đằm thắm của một hoa khôi Hà thành năm nào. Bà là Bùi Thị Đính (tức Hạc Đính), vợ của nhà thơ tài danh Trần Huyền Trân. Dù ông lão đã về với thiên thu hai chục năm nay, nhưng bà Hạc Đính vẫn được bà con trong ngõ gọi bằng cái tên trìu mến “bà Trân.”
Chậm rãi cho trà vào ấm và chế nước sôi. Khi hương nhài từ chiếc ấm nhỏ tỏa hương dịu nhẹ khắp phòng, cũng là lúc bà Đính bắt đầu câu chuyện về kỹ thuật ướp trà nhài, trà sen, món đồ uống thanh tao của các gia đình Hà Nội.
Từ thời con gái đến giờ, bà Đính vẫn giữ thói quen, vào độ tháng 7 lại đến chợ Hàng Da để đặt mua hoa nhài tươi. Thông thường cứ 2 cân trà (mà phải là trà Thái Nguyên, Phú Thọ) thì cần tới nửa lạng hoa nhài tươi; còn ướp trà sen phải dùng bằng trà Hà Giang.
Hoa nhài mang về buổi chiều, cho vào nồi đậy kín, để từ 7 giờ tối đến 10 giờ đêm thì nở hết, khi ấy mới cho trà vào để ướp. Cứ tuần tự một lượt trà lại đến một lượt hoa, trên cùng đặt miếng giấy bóng mờ (mua ở phố Hàng Mã), rồi đậy vung lại, để tròn hai đêm một ngày. Sau đó, nhặt hoa ra và cho trà vào chiếc chậu to đặt trên than hoa để sấy khô. Trong lúc sấy, luôn phải đảo đều tay liên tục, chừng khoảng 2 giờ đồng hồ, khi bẻ cánh trà thấy giòn là được. Trà khô, cho vào giấy bóng cất uống dần đến tận Tết Nguyên đán...
Bên chén trà thơm, câu chuyện của bà Đính đưa chúng tôi trở về thời Hà Nội 36 phố phường, với những tà áo dài tha thướt của những bà, những cô thuộc loại con nhà gia thế.
Bà bảo ngày ấy, đàn bà con gái Hà Nội hễ ra đường là phải mặc áo dài, kể cả người đứng bán hàng cũng vậy; chỉ có những người lam lũ, đi chợ “buôn thúng bán mẹt,” người lao động, giúp việc trong gia đình mới mặc áo cộc. Áo dài may khép tà, kín đáo có 5 khuy cài, thường là một màu (lam, nghệ, cẩm thạch…) theo thời trang từng năm.
Con gái Hà Nội đi lấy chồng phải biết đủ nữ công gia chánh. Từ việc đơn giản như nấu món xôi vò - chè đường, sao cho xôi mềm, tơi, chè phải trong vắt; đến cách nấu cỗ, đơm xôi, xếp thịt gà, bày bát canh măng, canh bóng sao cho ngay ngắn, thanh thoát và đẹp mắt, cũng đều phải học kỹ càng.
Và điều không thể thiếu ở con gái Hà Nội, khác hẳn con gái các tỉnh là cách giao thiệp, ứng xử thanh lịch, ăn nói nhẹ nhàng, mạch lạc; đặc biệt là mến khách dù cho lúc kinh tế đầy đủ hay khó khăn.
Trước cách mạng, Hà Nội có hai hiệu thuốc lào nổi tiếng, một của ông Giang Ký ở Đồng Xuân và một của ông ngoại bà Đính là cụ Cả Nghị ở chợ Hôm. Ông nội bà là cụ bá Vương họ Bùi.
Bà Đính sinh năm 1922 trong một gia đình giáo học ở 134 Duy Tân (Phố Huế ngày nay). Cha bà là cụ Nam Hương Bùi Huy Cường làm giáo viên trường Trần Văn Khánh (Ô Cầu Dền-Bạch Mai).
Bà ở trong số những người con gái lớp trên được cha mẹ cho ăn học, khi 15 tuổi đã có bằng Sơ học Pháp-Việt và rất yêu văn nghệ. Bà mê đọc tiểu thuyết Tự lực văn đoàn đến thuộc lòng, nhất là thích nhân vật cô Mai trong “Nửa chừng Xuân” của Khái Hưng.
Năm 1940, khi được đạo diễn Chu Ngọc mời thủ vai cô Mai trong vở kịch cùng tên diễn ở Nhà hát Lớn, mặc dù chỉ chơi nghiệp dư tài tử, nhưng bà đã khiến tất thảy người xem xúc động bởi lối diễn chân thật và xúc động.
Năm 1943, khi vào vai Thị Lộ trong vở kịch lịch sử Lệ Chi Viên, nhan sắc rực rỡ của cô đào Hạc Đính bên cạnh nhà thơ Hoàng Cầm vai vua Lê Thánh Tông, vóc dáng thanh tú, mắt sáng như sao đã lần nữa khiến giới văn nghệ (trong đó có các thi nhân Thâm Tâm, Nguyễn Bính, Trần Huyền Trân, Vũ Hoàng Chương…) và công chúng Hà Nội nức lòng.
Cách mạng Tháng Tám thành công, Thâm Tâm và Trần Huyền Trân lập ban kịch, trong vở diễn lớn đầu tiên “19 tháng 8,” cô đào Hạc Đính lại được mời vào vai nữ chính, và từ đây mối nhân duyên với nhà thơ Trần Huyền Trân có dịp đơm hoa.
Năm 1946, đám cưới đời sống mới đầu tiên ở Thủ đô giữa cô con gái con nhà gia thế và anh nhà thơ nghèo được tổ chức ngay tại Tòa Đốc lý bên cạnh hồ Gươm (Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội hiện nay) chỉ với nước chè tươi, kẹo vừng kẹo lạc, thuốc lá, nhưng rất đầm ấm trong tình bạn bè, họ mạc.
Lấy chồng, rồi theo chồng, những năm rời Hà Nội đi kháng chiến ở Việt Bắc, dù phải tập gánh nước, học trồng sắn, trồng khoai, nuôi gà, sống cảnh nhà tranh vách đất, đèn dầu leo lét, nhưng bà Đính vẫn vững vàng vượt qua mà trong lòng không nguôi nỗi nhớ Hà Nội, nhớ cảnh sắc hồ Gươm, Tháp Rùa, nhớ hồ Tây, chùa Trấn Quốc…
Thủ đô giải phóng năm 1954, đêm tháng 10 trở về Hà Nội, nhìn thấy cầu sông Cái (cầu Long Biên) cùng ánh điện như sao sa mà lòng bà như thắt lại trong nỗi mừng vui khôn tả. Tiếp đó là những tháng ngày vất vả lo toan, chèo lái nuôi con, gây dựng kinh tế gia đình, giúp chồng trên con đường nghệ thuật.
Năm 1986, tròn 40 năm kết tình chồng vợ, khi con cái bắt đầu phương trưởng, cũng là lúc ông nhà lâm bệnh hiểm nghèo. Bà trở thành chỗ dựa, chia sẻ, nâng đỡ ông trong nỗi đau thể xác giày vò, rồi cuối cùng ông cũng ra đi…
Kể chuyện mình, ngẫm chuyện đời, bà Đính nói là người Hà Nội, ngọt bùi đắng cay đã trải, sống đến tận hôm nay, khi Thủ đô bước vào Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, bà tự hào lắm. Đây là sự may mắn và cũng là vinh dự không phải ai trong lớp người Hà Nội “cổ” như bà cũng được chứng kiến. Thủ đô ngày càng phát triển lớn mạnh, không chỉ người Hà Nội mà người Việt Nam ở trong Nam, ngoài Bắc hay tận nước ngoài cũng đều phấn khởi.
Chia tay bà Hạc Đính, người con gái Hà Nội một thời nổi danh tài sắc, hương nhài dịu mát quyện trong chén trà cứ quấn chân ai. Hương thơm sâu kín của loài hoa nhỏ ngày nào, vẫn thanh khiết, góp hương làm đẹp cho đời, cũng như nét vẻ thanh lịch, đằm thắm của người con gái Hà Nội xưa không hề thay đổi, dù cho vật đổi sao dời, đời người thăng trầm bao nỗi.
“Rồi hôm nào đây…
Xuân đầy nắng mới
Rau em trồng phơi phới tươi xanh
Gà em nuôi đẻ trứng đầy giành
Em để phần anh - em đợi !”…
(trích bài thơ “Bến đợi” nhà thơ Trần Huyền Trân viết tặng vợ năm 1948)./.
Hồng Hạnh (TTXVN/Vietnam+)