Người thầy của những chú ngựa. (Anrh: PV/Vietnam+)
Chúng tôi đến thăm người thầy đặc biệt này trong dịp đầu Xuân, trong lúc ông đang cùng các đồng nghiệp của mình thắng cương cho những chú ngựa chuẩn bị luyện tập cho các chương trình xiếc đầu năm. Năm Giáp Ngọ này, ông tròn 60 tuổi. Ở cái tuổi mà đáng ra người ta được thảnh thơi, vui vầy bên con cháu thì ông lại vẫn tiếp tục dành thời gian cho các học trò "không biết nói" của mình. Ông là Nghệ sỹ ưu tú Tạ Duy Nhẫn, Trưởng đoàn xiếc Thú-Liên đoàn Xiếc Việt Nam, người đã giúp xiếc thú Việt Nam, đặc biệt là xiếc ngựa được thăng hoa. Mối nhân duyên kỳ lạ Nói về mối nhân duyên đến với nghề xiếc, ông chia sẻ, cha ông là Nghệ sỹ nhân dân Tạ Duy Hiển, một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho ngành xiếc Việt Nam, cũng vì thế, ông đến với xiếc khi chỉ mới lên 5 tuổi. Từ những năm 60, ông đã gặt hái được nhiều thành công trong biểu diễn xiếc người. Ông chia sẻ: "Khi học xiếc và làm xiếc, tôi đã được đi xem rất nhiều các chương trình biểu diễn ở Đông Âu. Trong các chương trình đều có tiết mục xiếc ngựa, thậm chí là thú dữ và nhiều loài động vật khác. Xiếc ngựa để lại ấn tượng mạnh mẽ cho tôi nhất và chúng đã làm tôi mê mẩn." Bước ngoặt cuộc đời của ông đến vào năm 1978, khi Đoàn xiếc Trung ương được nước bạn Mông Cổ tặng cho ngựa 11 chú ngựa. Từ đó, ông Nhẫn chính thức bước chân sang lĩnh vực xiếc thú, bắt đầu làm bạn và huấn luyện những chú ngựa. Ông Nhẫn lúc ấy mới bước sang tuổi 24. Ông cho biết, ông thích ngựa nhất bởi vì nó mang nhiều tố chất phù hợp với những gì ông muốn thử sức như tốc độ, sự mạnh mẽ, sáng tạo và mạo hiểm mà vẫn có tính thơ. Rất nhiều năm biểu diễn xiếc nhưng chưa từng một lần với ngựa nên khi nhìn thấy những chú ngựa Mông Cổ-mặc dù là bướng và vấp nhiều vấn đề về chuyên môn nhưng với lòng đam mê, ông đã thuần hóa được.
Cũng trong năm 1978, sau khi thuần phục được những chú ngựa Mông Cổ, ông Tạ Duy Nhẫn đã trình diễn một cuộc đua tốc độ trên sân khấu trước sự ngạc nhiên và khâm phục của Đại sứ Mông Cổ.
Năm 1994, ông Nhẫn dựng tiết mục xiếc ngựa một thời vang bóng mang tên “Một thời để nhớ,” với động tác gảy đàn, cầm cờ đứng trên lưng ngựa phi nước đại và nhào lộn. Bằng ánh mắt hào hứng, ông hồi tưởng lại những ngày tháng còn biểu diễn trực tiếp: "Có những buổi biểu diễn 'bốc' quá, kéo dàn nhạc 'bốc' theo, càng làm cho tốc độ ngựa lên cao khiến cho cả khán đài rạo rực. Có nghệ sỹ còn solo những đoạn trống dành riêng cho những phút cao trào đó của tôi." Giọng đầy tự hào, ông nói: "Đối với tôi đời diễn viên chỉ cần làm cho khán giả cuồng nhiệt, đón nhận mình một cách ưu ái thì thực sự bao nhiêu ngày tháng tập luyện, tấm lòng của người nghệ sỹ được chia sẻ là niềm hạnh phúc nhất rồi." "Quản lý trên 60 đầu nghệ sỹ 'không biết nói' nhưng trong thâm tâm, tôi lại có tình cảm riêng với những chú ngựa. Không thể giải thích được mối nhân duyên kỳ lạ này, có lẽ cũng vì tôi mang tuổi Giáp Ngọ," ông Nhẫn cười.
Ngày ngày, ông cùng các nghệ sỹ đàn em chăm sóc cho những chú ngựa. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Sống nghề, tử nghiệp
Tiết mục xiếc ngựa của ông đã mang đến những thành công vang dội. Cho đến nay, khi đã sắp đến tuổi về hưu nhưng ngựa vẫn là loài vật mà ông yêu quý đặc biệt và như ông nói, đó thực sự là những diễn viên có tâm tư, tình cảm và cá tính. Đằng sau hình ảnh những chú ngựa phi nước kiệu ra sân khấu, biết tuân thủ theo sự điều khiển của con người là những ngày tháng luyện tập cực khổ và mạo hiểm. Để có được những màn nhào lộn trên lưng ngựa, luồn qua bụng ngựa, cổ ngựa hay điều khiển những chú ngựa nhỏ chạy theo đội hình, nhảy theo nhịp nhạc… các huấn luyện viên xiếc thú đã phải rất nhẫn nại, bền bỉ, thậm chí, họ phải đối mặt với nguy cơ bị chấn thương. Ông Nhẫn cho biết, ngựa xiếc được phân thành hai loại: Ngựa lớn để trình diễn phi, ngựa bé để làm các tiết mục ngựa trò. Khi chọn ngựa, phải chọn theo khổ người huấn luyện, thông thường ông chọn ngựa cao khoảng 1,45m-1,5m. Mỗi chú ngựa một cá tính, vì thế, người chăm sóc, huấn luyện phải luôn quan sát, hiểu tính nết, sở thích của từng con, phải coi chúng như những người bạn. Việc chăm sóc ngựa xiếc cũng phải tuân thủ theo những quy định khắt khe như khẩu phần ăn phải cân đối, chải chuốt cho ngựa hàng ngày, thậm chí phải chăm sóc cho chúng từ những cái móng chân. Vừa dẫn chúng tôi đi tham quan khu luyện tập của ngựa, ông vừa nói: “Xiếc ngựa đặc trưng ở tốc độ, những màn biểu diễn xiếc trên lưng ngựa rất nguy hiểm nên tôi yêu cầu đề cao tính kỷ luật và nghiêm khắc. Kể cả đối với ngựa, mình cũng phải kỷ luật nhưng cũng phải rất tình cảm. Kết hợp hài hòa các yếu tố đó mới giúp mang lại các tiết mục có tính nghệ thuật cao được. Tôi ngoài đời khá dễ dãi và chan hoà nhưng trong tập luyện thì tôi là người thầy rất khắt khe.” Chia sẻ bí kíp rèn ngựa, ông nói: “Tất cả là ở ánh mắt.” Tiêu chí trên hết để thuần phục những chú ngựa đó là chúng ta phải xích lại gần nhau và phải có tình cảm. “Nếu đã dạy thú lên đến tầm biểu diễn cho khán giả xem thì những người nghệ sỹ chỉ nhìn nhau là hiểu và ngay con ngựa cũng thế. Lúc ngựa đang chạy, người điều khiển ngựa phải nhìn vào ánh mắt con ngựa để nắm bắt con ngựa sắp tới sẽ thể hiện gì và con ngựa đó cũng nhìn mình làm nơi tin tưởng. Người biểu diễn trên mình ngựa và người quật roi ở dưới chỉ cần nhìn nhau là họ biết họ làm sai cái gì và làm đúng cái gì. Đỉnh cao của xiếc thú là khi có thể nhìn nhau, hiểu nhau, chia sẻ cùng nhau.” Gần 50 năm gắn bó với xiếc ngựa, nay quản lý cả đoàn xiếc thú, trong ông Nhẫn cũng mang những nỗi trăn trở. “Tôi đặt nhiều mong ước trong các kịch bản xiếc thú nhưng mặt khác lại bị hạn chế về mặt kinh phí và cũng phải có thời điểm phù hợp. Sang năm Giáp Ngọ tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cho phép đoàn xiếc thú chúng tôi được nâng cấp cơ sở vật chất để làm sao đáp ứng tốt hơn tập tính của từng loài và đáp ứng được cho các nghệ sỹ biểu diễn trên thú có được điều kiện luyện tập tốt nhất,” ông hồ hởi. Ông cũng cho biết thêm, đoàn xiếc thú đã xây dựng kịch bản để đưa xiếc ngựa vào làm màn chào đầu các chương trình mừng năm mới Giáp Ngọ. “Tôi kỳ vọng trong tương lai bộ môn này sẽ có những bước tiến mới,” ông Nhẫn nói./.
(Vietnam+)