Với truyền thống văn hóa, hiếu nghĩa uống nước nhớ nguồn của dân tộc và tín ngưỡng tâm linh thờ cúng tổ tiên, Lễ Vu Lan từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa của mỗi người dân Việt Nam.
Dù sống ở đâu, trong nước hay ngoài nước, cứ đến dịp Rằm tháng 7 Âm lịch, người Việt Nam đều mong muốn làm những việc có ý nghĩa thiết thực để tỏ lòng biết ơn, báo hiếu ông bà, cha mẹ. Truyền thống này hiện vẫn luôn được bà con cộng đồng người Việt tại Lào gìn giữ và duy trì.
Ngay từ sáng sớm, sau khi thủ đô Vientiane vừa trải qua cơn mưa rào và ngoài trời vẫn còn mưa nặng hạt, bà Trần Thị Tuyết Anh, 69 tuổi, vẫn tự tay lái xe ôtô chở bà Nguyễn Thị Loan - một người bạn thuộc thế hệ thứ hai tại "đất nước Triệu Voi" đi chợ. Khu chợ mà hai bà tới có tên là Thongkhankham, là một trong những chợ lớn ở trung tâm thủ đô Vientiane, có rất nhiều tiểu thương là người Việt bán hàng.
Sau khoảng gần 30 phút, khi đã mua sắm đủ những thứ cần thiết, bà Tuyết Anh và bà Loan trở về nhà.
Trong căn bếp khá rộng rãi và gọn gàng, vừa đãi gạo bà Tuyết Anh vừa chia sẻ từ khi còn nhỏ, bà đã được bố mẹ đưa đi chợ và được dạy nhiều điều về những ngày lễ lớn của Việt Nam. Do vậy, cứ đến dịp này hằng năm, bà lại đi chợ và nấu những món chay để thắp hương tổ tiên.
Theo bà Tuyết Anh, một mâm cỗ chay ở Lào gồm có nhiều món, như mỳ cuốn, đậu hũ, canh rong biển, nộm hoa chuối, mướp đắng kho đậu... và quan trọng nhất, đó là sự sum vầy của đầy đủ các thành viên trong gia đình để cùng nhau ăn bữa cơm chay giữa bộn bề cuộc sống. Qua đó, giúp các thế hệ trẻ hiểu rằng cho dù cuộc sống có vất vả và bận rộn, gia đình sẽ luôn là nơi để chia sẻ và để yêu thương, để gắn kết và đặc biệt, đây là dịp để các con, các cháu thể hiện lòng hiếu thảo với ông bà, cha mẹ.
Lễ Vu Lan là một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống tâm linh của dân tộc Việt Nam có từ nghìn đời, cần phải giữ gìn và phát huy, để lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Theo truyền thống hằng năm, cứ mỗi dịp Vu Lan, bà Tuyết Anh lại cùng các cháu và người thân trong gia đình quây quần bên nhau, thứ nhất là để thể hiện lòng biết ơn đối với công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ và những người đã khuất; thứ hai là để cầu mong cho gia đình được bình an và những người đã khuất được siêu sinh tịnh độ.
Bà Nguyễn Thị Loan chia sẻ vào dịp Lễ Vu Lan, ngoài làm mâm cơm chay cúng tổ tiên tại gia đình, bà còn dẫn con cháu đến chùa dâng hương, dâng hoa để bày tỏ tấm lòng thành kính với Đức Phật, thể hiện sự tri ân, tấm lòng thành kính biết ơn với tổ tiên ông bà, cha mẹ. Ngoài ra, Lễ Vu Lan không chỉ dừng lại ở việc cúng lễ và đi chùa, mà còn là hướng đến làm những điều thiện, việc tốt cho xã hội.
Anh Trần Văn Lộc, em trai của bà Trần Thị Tuyết Anh, người cùng sum họp trong bữa cơm chay với gia đình, cho biết dù khá bận với công việc, nhưng cứ đến ngày này hằng năm anh không bao giờ quên đưa vợ và con tới nhà chị gái để cùng nhau làm cơm, cùng nhau trò chuyện, ôn lại các truyền thống phong tục của dân tộc Việt Nam.
Trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển, cuộc sống thường nhật trở nên hối hả, thì đây là dịp để mỗi người trong gia đình chọn lối sống chậm lại, biết yêu thương và sẻ chia với nhau nhiều hơn. Ngay sau lễ cúng gia tiên mọi người cùng quây quần, trò chuyện và thưởng thức những món chay do các thành viên trong gia đình làm.
Cháu Trịnh Thùy Dương, cháu họ bà Trần Thị Tuyết Anh, vừa tốt nghiệp lớp 12 và đang chuẩn bị sang Việt Nam học đại học, cho biết cháu cảm thấy Lễ Vu Lan không chỉ là phong tục truyền thống tốt đẹp mà còn có ý nghĩa rất sâu sắc. Những người làm cha, làm mẹ luôn dành những tình cảm yêu thương nhất cho con cái nên các con, cháu cũng cần phải luôn ghi nhớ công ơn đó.
Chia sẻ với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Lào, Thượng tọa Thích Minh Quang, Trưởng Ban Điều phối Phật giáo Việt Nam tại Lào, Trụ trì Chùa Phật Tích thủ đô Vientiane, cho biết chỉ có tấm lòng hiếu hạnh mới mãi là đóa hoa tươi thắm để tri ân công ơn sâu nặng của đấng sinh thành, hiếu thảo chính là sự thể hiện hành động yêu thương, chăm sóc, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ lúc về già, là truyền thống tốt đẹp được gìn giữ từ nghìn đời nay của người dân Việt Nam, giúp gắn kết các thế hệ trong gia đình, để các thành viên trong gia đình được sống trong môi trường tràn ngập lòng yêu thương, sự kính trọng và lòng biết ơn với các bậc sinh thành.
Theo Thượng tọa Thích Minh Quang, Lễ Vu Lan báo hiếu là một trong những lễ lớn của người theo đạo Phật, là ngày tưởng nhớ, báo ân, báo hiếu cha mẹ và ông bà, tổ tiên.
Với ý nghĩa đầy nhân văn đó, Lễ Vu Lan luôn là một dịp để cộng đồng người Việt Nam sinh sống tại Lào nói riêng và người Việt Nam ở bất cứ đâu trên thế giới nói chung, cùng giáo dục các thế hệ tiếp nối về đạo nghĩa uống nước nhớ nguồn, tinh thần tương thân tương ái, tô thắm thêm truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Trong cuộc đời của mỗi người, ai cũng chỉ có một cha và một mẹ, không bao giờ và cũng không có ai có thể thay thế được. Vì vậy, Lễ Vu Lan là dịp để mỗi người yêu thương và chia sẻ nhiều hơn, để mùa Vu Lan mùa hiếu hạnh được trọn vẹn./.
Phong tục cúng Rằm tháng 7 - lễ Vu Lan như thế nào?
Lễ cúng Rằm tháng 7 - Vu Lan ở mỗi nhà thường được thực hiện theo trình tự: cúng Phật, thần linh, gia tiên, sau cùng là cúng thí thực, mỗi lễ cúng có ý nghĩa riêng và cần có những lễ vật phù hợp.