Suy thoái nghiêm trọng nguồn nước ngọt tại các sông vì ô nhiễm

Nguồn nước ngọt tại các sông ở Hải Phòng suy thoái nghiêm trọng

Nguồn nước tại tất cả các sông, kênh, hệ thống thủy nông trên địa bàn Hải Phòng đều đang bị ô nhiễm do tiếp nhận trực tiếp phần lớn nước thải sinh hoạt hoặc các khu công nghiệp.
Nguồn nước ngọt tại các sông ở Hải Phòng suy thoái nghiêm trọng ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

Thành phố Hải Phòng hiện đang sử dụng nguồn nước ngọt từ các sông Rế, Giá, Đa Độ, Chanh Dương, kênh Hòn Ngọc và hệ thống thủy nông huyện Tiên Lãng, phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh.

Song hiện nay, nguồn nước từ các sông này đang bị ô nhiễm, chất lượng nguồn nước suy thoái nghiêm trọng.

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng, nguồn nước tại tất cả các sông, kênh, hệ thống thủy nông trên đều đang bị ô nhiễm do tiếp nhận trực tiếp phần lớn nước thải sinh hoạt, hoặc từ các khu công nghiệp đóng tàu, khai thác chế biến khoáng sản, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp, bệnh viện, trung tâm y tế.

Đơn cử trường hợp của sông Rế. Theo kết quả quan trắc sông Rế năm 2011 của Trung tâm Quan trắc Môi trường - Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng, hàm lượng chất hữu cơ amoni, kim loại nặng đã vượt giới hạn cho phép theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt.

Tại một số điểm quan trắc vào các thời điểm cụ thể, hàm lượng amoni vượt 3,8-9,9 lần, phenol vượt 3,4-5,8 lần, sắt vượt 1,4-2,3 lần.

Ngoài nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước trực tiếp trên, Hải Phòng là thành phố cửa sông ven biển, các nguồn nước của thành phố là hạ lưu của hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình, do vậy phải chịu toàn bộ lượng chất thải từ thượng nguồn của hai hệ thống sông này dồn về.

Đánh giá của Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng cũng chỉ ra rằng cùng với nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước do hoạt động xả thải và vị trí địa lý, thì nhận thức của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm về khai thác, sử dụng tài nguyên nước, đầu tư ngân sách cho công trình bảo vệ nguồn nước còn hạn chế cũng là những yếu tố cơ bản khiến việc bảo vệ nguồn nước chưa hiệu quả.

Trước thực trạng này, thành phố Hải Phòng đã đề ra một số giải pháp để bảo vệ nguồn nước ngọt trên địa bàn thành phố từ nay đến năm 2020.

Ông Đỗ Trung Thoại, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng, cho biết giải pháp đầu tiên là cần tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp và các ban ngành, đoàn thể nhận thức được việc bảo vệ nguồn nước ngọt là hết sức cấp bách, có ý nghĩa quyết định với sự sống.

Thành phố sẽ ứng dụng mô hình quản lý, bảo vệ tài nguyên nước có sự tham gia của cộng đồng dân cư, với quan điểm nước là tài sản chung nhưng đồng thời đó cũng là hàng hóa kinh tế.

Thành phố tăng cường kiểm soát các nguồn thải gây ô nhiễm nguồn nước, kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác và sử dụng nguồn nước, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, bền vững.

Thống kê, kiểm kê các nguồn xả thải vào nguồn nước, phân vùng nguồn nước theo mục đích khai thác, sử dụng, bảo vệ các sông Rế, sông Giá, sông Đa Độ, sông Chanh Dương, kênh Hòn Ngọc và hệ thống thủy nông Tiên Lãng.

Thành phố tập trung thiết lập, xây dựng cơ sở dữ liệu, thông tin và ứng dụng mô hình tổng thể để đánh giá và dự báo một cách hệ thống và đầy đủ diễn biến số lượng, chất lượng nguồn nước mặt của thành phố; phạm vi, mức độ và các mối quan hệ giữa các nguồn gây ô nhiễm tới chất lượng nguồn nước và các sông cấp nước ngọt. Đồng thời, xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật phục vụ quản lý tài nguyên nước.

Thành phố chủ động xây dựng các cơ chế, chính sách kiểm soát ô nhiễm nguồn nước liên tỉnh Hải Phòng-Hải Dương-Thái Bình, Hải Phòng-Quảng Ninh trong cùng một lưu vực sông nhằm đảm bảo yêu cầu kiểm soát tổng thể toàn diện về tổng trữ lượng và chất lượng nước trong các lưu vực sông.

Thành phố cũng xây dựng chương trình kiểm soát nguồn gây ô nhiễm phân tán trong lưu vực các sông, kênh như trồng cây trên các bãi lọc nhằm giảm vận tốc dòng chảy, tăng khả năng lắng cặn trên bãi; giảm xói mòn và sục cặn từ đáy.

Ngoài ra, thành phố tăng cường hợp tác quốc tế để học tập kinh nghiệm, nhận chuyển giao công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật và tranh thủ các nguồn viện trợ, huy động kinh phí để đạt mục tiêu đề ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục