Nguồn nước tại thành phố có độ cao nhất thế giới đang cạn kiệt

Một dấu hiệu có thể tồi tệ hơn sắp xảy ra, sông băng Andean - vốn là nơi cung cấp nước cho các hồ chứa trong thành phố vào mùa khô - đang biến mất với tốc độ đáng báo động.
Nguồn nước tại thành phố có độ cao nhất thế giới đang cạn kiệt ảnh 1Quang cảnh thành phố La Paz của Bolivia. (Nguồn: intrepid)

Nguồn nước tại thủ đô La Paz của Bolivia, thành phố có độ cao nhất thế giới, đang ngày một cạn kiệt do tác động hỗn hợp của tình trạng băng tan và hạn hán, hậu quả của biến đổi khí hậu.

2,7 triệu dân của khu vực đô thị cao "chọc trời" này đang phải đối mặt với các tác động của biến đổi khí hậu: đợt hạn hán nghiêm trọng kéo dài nhiều tháng từ năm 2016-2017, được coi là tồi tệ nhất ở Bolivia trong vòng 25 năm qua, đã khiến nguồn nước giảm dần.

Trong khi đó, một dấu hiệu có thể tồi tệ hơn sắp xảy ra, sông băng Andean - vốn là nơi cung cấp nước cho các hồ chứa trong thành phố vào mùa khô - đang biến mất với tốc độ đáng báo động.

Tổng thống Evo Morales đã ban bố "tình trạng khẩn cấp quốc gia" và hàng chục nghìn người dân ở La Paz lần đầu tiên phải đối mặt với quy định hạn chế sử dụng nước. Các biện pháp trên đã được mở rộng ra ít nhất 7 thành phố khác và khu vực nông thôn.

[Xu hướng 'sống xanh' lan tới đỉnh núi cao nhất thế giới]

Tuy nhiên, Tổng thống Morales cũng công bố một chương trình đầu tư lớn nhằm đảm bảo nguồn cung nước trong tương lai.

Theo các số liệu gần đây của công ty nước quốc gia EPSAS, chính phủ đã chi 64,7 triệu USD để xây 4 hồ chứa nước và hệ thống cung cấp nước từ các đầm phá quanh dãy núi Andean.

Các hệ thống mới sẽ giúp giảm sự phụ thuộc vào các đập Inkachaka, Ajunkota và Hampturi, vốn đến nay vẫn là nguồn cung nước sạch cho khoảng 1/3 dân số thủ đô.

Tuy nhiên, hạn hán kéo dài đã làm các con đập này cạn khô và có thể mất nhiều tháng mới khôi phục được mức nước đầy.

Theo cuốn Atlas về sông băng Andean, Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) cho biết sự nóng lên toàn cầu có thể là nguyên nhân làm biến mất 95% diện tích đất đóng băng vĩnh cửu tại Bolivia vào năm 2050 và 99% vào năm 2099.

Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature mới đây dẫn các hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy các sông băng tại dãy núi Andean nằm trong số những sông băng bị thu hẹp nhanh nhất.

Từ năm 2000-2018, các sông băng mất trung bình 23 tỷ tấn băng mỗi năm. Khi các sông băng biến mất, chúng sẽ không thể cung cấp đủ nước trong mùa khô.

Sông băng Chacaltya - một thời là khu trượt tuyết cao nhất thế giới - giờ đã biến mất.

Các nhà khoa học cho biết sông băng này đã bắt đầu tan chảy từ giữa những năm 1980 và đến năm 2009 thì biến mất hoàn toàn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục