Nguồn vui của những người "gieo" chữ lên vùng cao

Tuy còn khó khăn, nhưng bằng sự say mê, các thầy cô ở Ninh Thuận vẫn mong thực hiện hoài bão "đem chữ cho trẻ vùng xa hẻo lánh."
Theo lời tâm sự của những người "gieo" chữ cho trẻ vùng cao, chúng tôi vượt hơn cả trăm cây số đường, đèo dốc quanh co để tìm đến vùng cao Phước Bình, huyện miền núi Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận.

Quả đúng như lời kể của các thầy, cô giáo đang công tác tại đây, đến được với Phước Bình không phải là dễ và bám trụ sinh sống tại Phước Bình cũng không hề giản đơn. Những cái khó ấy tuy lắm gian truân, nhưng bằng sự say mê, những con người làm cái nghề gieo chữ ấy chỉ mong sao thực hiện được ước mơ, hoài bão của mình "đem chữ cho trẻ vùng xa xôi hẻo lánh."

Vất vả đứng lớp vùng cao

Qua hai ngày lặn lội trên vùng cao Phước Bình trước thềm năm học mới, đi trên con đường nhỏ đèo dốc quanh co đã tráng nhựa tại trung tâm xã, chúng tôi bắt gặp những nam thanh, nữ tú đang bước đến khu chợ nhỏ để mua sắm những vật dụng sinh hoạt.

Thấy chúng tôi, họ cười và hỏi: "Các anh đến Phước Bình chi vậy, đi có mệt lắm không?" Nhìn chúng tôi đi xe máy lên, mặt mũi còn bơ phờ bởi đường xa, cảm giác mệt mỏi, họ cười to và nói, "các anh thấy chưa, lên được Phước Bình đâu phải là dễ." Sau dăm ba câu chuyện nói về Phước Bình, chúng tôi được các thầy, cô giáo của trường trung học cơ sở Đinh Bộ Lĩnh mời về nghỉ trưa tại trường. Ngôi trường mới xây hai tầng đã hiển hiện trước mắt chúng tôi.

Các thầy, cô giáo chỉ dãy nhà có những căn phòng và nói: "Đó là nhà công vụ cho giáo viên, nhà của chúng em đấy, vừa mới xây và mới vào ở năm nay thôi."

Khi chúng tôi hỏi "Sao phòng nhỏ vậy, các thầy, cô ngủ nghỉ ra sao?" cô giáo Mai Thảo Nguyệt (26 tuổi), giáo viên trường Trung học cơ sở Đinh Bộ Lĩnh nói: "Phòng thì nhỏ, chúng em không thể kê giường ngủ nên phải trải nệm thôi, như vậy mới đủ cho bảy người ngủ. Không chỉ vậy, do không có chỗ ngủ nên một số giáo viên khác đành phải thuê hoặc xin nhà của đồng bào gần trường để trú ngụ. Các anh thấy đấy, nhà công vụ cho giáo viên thì có rồi, thế nhưng nhà vệ sinh thì lại không, khổ lắm các anh ạ. Không những thế, khó khăn hơn là không có nguồn nước để sinh hoạt, may mà có nước sông Trương chảy ở phía Tây kia nên chúng em mới có nước cho ăn uống, giặt giũ."

Nói về cái khó ấy quả thật không sai chút nào. Khoảng 4-5 giờ chiều là các cô giáo vùng cao nơi đây bắt đầu hú nhau ra ngoài sông đông đủ để tắm rửa, giặt giũ. Các cô thay phiên nhau người tắm kẻ đứng trên bờ để... canh chừng. Sau đó, mỗi cô xách về hai can nước 5-10 lít để phục vụ sinh hoạt.

Chạy xe qua gần chục cây số để tìm đến trường tiểu học Phước Bình C, trước mắt chúng tôi ngôi trường tiểu học chẳng khác gì là phòng kho dùng để chứa nông sản. Tiếp chúng tôi, cô Nguyễn Thụy Thanh Thuyên (30 tuổi), giáo viên trường tiểu học Phước Bình C tâm sự: "Các anh lên tới đây nhưng ngại quá vì không có chỗ đàng hoàng để ngồi nói chuyện, thông cảm nha."

Cô cho biết: "Em công tác ở đây đã bảy năm rồi nhưng năm nào cũng như năm nấy, không có gì thay đổi cả, ngoại trừ việc dạy và học. Cuộc sống của giáo viên chúng em tại đây khổ lắm, thiếu thốn đủ điều, nào là đường đi, nơi ở, nước sinh hoạt, ăn uống.... và kể cả thông tin hàng ngày cũng thiếu".

Có chung tâm sự như cô Thuyên, thầy Lê Thành Phụng (30 tuổi) cho biết: "Em đã lập gia đình năm 2007, vợ em cũng cũng nghề giáo và hiện dạy tại vùng biển vài năm nay, em thì công tác vùng cao này sáu năm rồi. Em cũng muốn về xuôi công tác cho gần nhà nhưng khó quá."

Vui với tiếng cười của trẻ

Khó khăn là thế, nhưng trên khuôn mặt của những giáo viên ở vùng cao này vẫn thể hiện sự sẵn sàng hy sinh, chịu đựng chỉ vì lòng yêu nghề, yêu trẻ. "Học sinh vùng cao này biết nghe lời, chịu khó học lắm, vì thế tuy khổ và cho dù công tác ở đây mãi, chúng em vẫn cam lòng, không thể bỏ mặc các em nghèo nơi đây được," cô Thuyên nói.

Trời đã bắt đầu tối, nhìn cảnh các thầy cô sum vầy quanh mâm cơm, cười nói làm cho chúng tôi vui lây. Bữa ăn tuy đạm bạc, chỉ nồi cơm nhỏ và nồi canh nấu rau rừng nhưng thật ấm áp lòng tình yêu thương.

Cô Nguyệt chia sẻ: "Chúng em góp tiền mua đồ ăn chung, cuối tháng có lương là cùng nhau chia tính. Có tháng, siêng thì mỗi người đèo trên xe máy vài cân gạo rồi đổ chung vào bao để ăn, đi chợ thì mua chịu cuối tháng tính. Vui hơn là khi ăn uống xong, các em còn chơi đánh tù tì, ai thua người đó phải đưa tất cả chén bát ra sông để rửa. Làm vậy để cho vui thôi chứ chúng em sống đoàn kết lắm, sau giờ dạy là tất cả giáo viên chúng em ngồi nghỉ, sinh hoạt, ăn uống và cùng sẻ chia kinh nghiệm, cùng nhau tâm sự những niềm vui, nỗi buồn như người thân trong gia đình vậy. Lúc thiếu thốn, chưa đến ngày lương, mọi người cùng sẻ chia để có cái sống. Là vùng núi, mưa gió thất thường, có hôm trái gió trở trời, không khỏi ốm đau, bệnh tật, các em cùng lo lắng cho nhau, giúp nhau đứng lớp giảng dạy".

Những vất vả ấy của giáo viên vùng cao Phước Bình hiện không chỉ dừng lại ở đấy. Không ít cô, thầy không có phương tiện đi lại, phải đi nhờ xe hay phải bỏ tiền túi gần cả trăm ngàn đồng để đi xe ôm lên trường dạy, có người phải ở lại cả tháng vì không có điều kiện về xuôi. Có thầy, cô lập gia đình đã vài năm rồi nhưng đến giờ chồng công tác một nơi, vợ một nơi.... nhưng họ đều có chung trăn trở chỉ mong sao đưa tất cả con em đồng bào đến trường đến lớp.

Năm học mới đã bắt đầu. Thế mới biết để tiếp quản quãng đường gian khó đưa cái chữ lên vùng cao, không phải ai cũng có quyết tâm làm được./.

Công Thử (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục