Nguy cơ tử vong rất cao với các bệnh nhân bị tổn thương thận cấp tính

Theo nghiên cứu, những người từng nhập viện suy thận cấp, cho dù có tiền sử mắc bệnh thận hay không, có nguy cơ phải nhập viện trở lại là 62% và nguy cơ tử vong trong 90 ngày sau xuất viện là 266%.
Nguy cơ tử vong rất cao với các bệnh nhân bị tổn thương thận cấp tính ảnh 1Hệ thống lọc máu cho bệnh nhân suy thận cấp. (Nguồn: Getty Images)

Theo kết quả nghiên cứu mới nhất được đăng tải trên tạp chí Kidney Diseases của Mỹ ngày 27/4, những người từng nằm viện do tổn thương thận cấp (hoặc suy thận cấp - AKI) có nguy cơ cao phải nhập viện lại, hoặc tử vong chỉ một thời gian ngắn sau khi xuất viện.

Nghiên cứu, được thực hiện dưới sự hỗ trợ của Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH), cho thấy những bệnh nhân từng nhập viện do suy thận cấp, cho dù có trước đó có mắc bệnh thận hay không, thì khả năng họ phải nhập viện trở lại vì bất cứ lý do gì là 62%.

Nguy cơ các bệnh nhân này tử vong do bất kỳ nguyên nhân nào trong vòng 90 ngày sau khi xuất viện lên tới 266%.

Nghiên cứu chỉ rõ, trong một năm sau khi xuất viện, số bệnh nhân từng nhập viện để điều trị AKI phải nhập viện trở lại cao hơn gần 60% so với những người nhập viện điều trị các bệnh khác. Nguy cơ tử vong ở nhóm bệnh nhân AKI này cũng cao hơn gấp đôi.

Các nhà khoa học thực hiện nghiên cứu cho biết suy tim, nhiễm khuẩn máu và viêm phổi là những nguyên nhân phổ biến nhất khiến bệnh nhân phải nhập viện trở lại sau khi điều trị AKI.

Tổn thương thận cấp (AKI) khi chức năng thận suy giảm một cách đột ngột. Điều này sẽ làm mất cân bằng muối nước, điện giải trong cơ thể.

Nếu tình trạng này gây ra toan chuyển hóa hoặc quá tải muối sẽ ảnh hưởng tới hoạt động bình thường của các cơ quan khác, ví dụ tim, phổi, não, cơ, mắt.

Nếu chức năng lọc của thận giảm, sẽ có thể dẫn đến tình trạng ứ dịch gây phù chân, hoặc khó thở.

[Nguy kịch do tự điều trị suy thận bằng bài thuốc truyền miệng]

Các triệu chứng do tổn thương thận cấp có thể bao gồm chán ăn, buồn nôn, nôn... Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể co giật và hôn mê.

Tổn thương thận cấp khác với bệnh thận mạn tính (CKD) là một quá trình tổn thương thận tiến triển từ từ trong nhiều năm.

AKI rất dễ xảy ra ở những bệnh nhân nằm viện. Tỉ lệ này xấp xỉ 1/5. Bệnh thậm chí còn phổ biến hơn ở những bệnh nhân nằm điều trị tại đơn vị chăm sóc đặc biệt.

Nguyên nhân dẫn đến bệnh cảnh suy thận cấp thường do nhiễm khuẩn, đặc biệt ở nhóm biểu hiện nhiễm khuẩn nặng có shock, suy đa cơ quan nhóm diễn biến nặng trong ngoại khoa như đa chấn thương, sau phẫu thuật.

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng có tới 55-57% bệnh nhân suy thận cấp với nguyên nhân ban đầu là do nhiễm khuẩn có hoặc không đi kèm hội chứng shock.

AKI thường xảy ra trên những bệnh nhân trên 65 tuổi. Những người mắc phải bệnh nặng và đang điều trị tại bệnh viện thì có nhiều nguy cơ cao mắc phải AKI.

Bệnh có thể xảy ra với những người đang được phẫu thuật, nhất là người lớn tuổi. Bệnh cũng có thể xảy ra ở những người được chỉ định chụp Xquang có sử dụng thuốc cản quang chứa iốt.

Trong gần hai thập kỷ qua mặc dù có nhiều tiến bộ trong việc áp dụng kỹ thuật mới giúp chẩn đoán bệnh sớm, nhiều biện pháp điều trị hiện đại với mục đích thay thế chức năng thận, thúc đẩy hồi phục chức năng thận nhanh hơn, nhưng tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong do suy thận cấp trên thế giới vẫn không giảm đáng kể./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục