“Nguy hiểm nhất trong xã hội, là nhìn ai cũng nghi ngờ cả”

“Nếu ngồi uống cà phê với một người, mà lúc nào mình cũng cảnh giác, giống như cảnh giác với kẻ ăn trộm, không biết nó có lừa mình hay không, thì xã hội như vậy sẽ không biết sống ra sao.”
“Nguy hiểm nhất trong xã hội, là nhìn ai cũng nghi ngờ cả” ảnh 1Ông Lê Phước Vũ (giữa) trăn trở về tình trạng gian lận thương mại trên thị trường tôn lợp từ gần 10 năm qua. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Nếu ngồi uống cà phê với một người, mà lúc nào mình cũng cảnh giác, giống như cảnh giác với kẻ ăn trộm, không biết nó có lừa mình hay không, thì xã hội như vậy sẽ không biết sống ra sao.” Người đứng đầu Tập đoàn Tôn Hoa Sen, ông Lê Phước Vũ đã tâm sự như vậy về tình trạng mất niềm tin của khách hàng trước sự nhiễu loạn trên thị trường tôn lợp.

“700-800 xưởng đi lừa nhau”

Rất trăn trở với thực tế hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng tràn lan trên thị trường Việt Nam, đặc biệt là với mặt hàng tôn lợp, trong cuộc chia sẻ với báo chí mới đây, ông Lê Phước Vũ than phiền: “Sự trung thực, lòng tin cậy, giúp người người ta sống với nhau nhẹ nhàng, tử tế bớt căng thẳng. Nhưng điều nguy hiểm nhất là sống trong xã hội, nhìn ai mình cũng nghi ngờ cả. Điều đó là cực kỳ nguy hiểm.”

Hiện, có thể khẳng định tình trạng gian lận thương mại với mặt hàng này là phổ biến, gây sự bất bình đẳng trong cạnh tranh, mà như nhiều chuyên gia nhận định là doanh nghiệp kinh doanh đàng hoàng không thể nào cạnh tranh nổi với những người lừa dối một cách “chuyên nghiệp và đẳng cấp.”

Cụ thể, chỉ riêng đợt kiểm tra đột xuất 6 cơ sở kinh doanh tôn trên địa bàn thành phố của Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội vào tháng 11/2014, toàn bộ các doanh nghiệp này đều có dấu hiệu vi phạm kinh doanh. “Ở Việt Nam có trên 1.000 xưởng tôn, tôi khẳng định là 700-800 xưởng là đi lừa nhau, bán tôn cho dân và họ kiếm lời từ nhiều năm nay rồi,” ông  Lê Phước Vũ bức xúc,“Có khoảng 2 chục nhà máy sản xuất tôn, trong đó chỉ có 3-4 nhà sản xuất là in đúng (các thông số kỹ thuật).”

“Nguy hiểm nhất trong xã hội, là nhìn ai cũng nghi ngờ cả” ảnh 2Phân xưởng trong nhà máy Tôn Hoa Sen Phú Mỹ, Vũng Tàu. (Ảnh: TTXVN)

Trên thực tế, những gian lận thường xuyên với mặt hàng này là “ăn bớt” độ dày của sản phẩm. Nhiều chủ cửa hàng bán tôn 2 zem (1 zem = 0,1mm) thì “rao” thành 3-4 zem, thậm chí 5 zem.

Chưa hết, còn những chiêu móc ngoặc giữa tiếp thị và nhà thầu, mang đến công trình loại tôn hụt độ dày so với hợp đồng, nhưng “rình” lúc chủ nhà ngủ trưa hoặc đi vắng là “quăng lên mái lợp luôn.” Đó là những câu chuyện chia sẻ rất thật của những doanh nghiệp ở Đông Nam Bộ, họ đang chịu thiệt hại nặng từ tình trạng loạn thị trường tôn lợp hiện nay.

Thử tôn bằng… răng

Theo Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội, những chiêu “phù phép” nhãn mác tôn là rất phổ biến khi đa số các cơ sở trong đợt kiểm tra vừa qua đều bán các sản phẩm có dấu hiệu không phù hợp với thông tin trên nhãn hàng hóa. Độ dày của tấm tôn đo được đều hụt so với thông số ghi trên sản phẩm.

Trong khi vẫn phải chờ đợi hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý về quy chuẩn kỹ thuật chất lượng tôn thép, cũng như nâng cao ý thức bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp chống hàng giả, hàng nhái, thì chính bản thân cán bộ quản lý thị trường cũng gặp không ít khó khăn. Câu chuyện bi hài về việc cán bộ quản lý thị trường phải “thử phân bón giả bằng miệng,” như chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trước cử tri Quốc hội vừa qua, cũng gần tương tự với trường hợp này. Đã có không ít cán bộ chức năng than phiền rằng, nếu thiếu thiết bị đo chính xác, họ chỉ còn cách thử độ dày mỏng của tôn bằng… răng.

Khi cơ quan quản lý thị trường còn phải thẩm định theo cách… thô sơ nhất, thì khả năng nhận biết hàng thật, giả của khách tiêu dùng “người trần, mắt thịt” càng mịt mờ hơn bao giờ hết.     

“Samsung và Apple đá một cái, văng liền!”

Cùng quan điểm lo ngại về tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng đang là “quốc nạn” của xã hội, Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam – ông Lê Thế Bảo đã chia sẻ bài học kinh nghiệm của Công ty thực phẩm gia súc VIC (Con Heo Vàng) về việc liên tục mở đại lý và chi nhánh trên cả nước để chống hàng nhái. Theo ông Lê Thế Bảo, hiện VIC đã có khoảng 1.100 đại lý bán lẻ sản phẩm với 27 đại lý cấp 1, và đã tự mình đẩy lùi phần nào nạn thức ăn gia súc giả.

“Nguy hiểm nhất trong xã hội, là nhìn ai cũng nghi ngờ cả” ảnh 3Tôn Hoa Sen cam kết kiểm tra chất lượng và xuất xưởng sản phẩm đều tuân thủ theo quy trình nghiêm ngặt theo những tiêu chuẩn quốc tế. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đối sách này không nằm ngoài chiến lược của Tập đoàn Tôn Hoa Sen. Theo Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoa Sen – ông Vũ Văn Thanh, một trong những mục tiêu của doanh nghiệp này là phải ra thị trường bán lẻ, mở chi nhánh liên tục: “Chúng tôi không chỉ đáp ứng tốt nhất nhu cầu và quyền lợi người tiêu dùng, mà còn hướng đến mục tiêu góp phần phát triển kinh tế Việt Nam bền vững. Với Tôn Hoa Sen, tất cả các khâu từ nguyên liệu, sản xuất cho đến kiểm định, kiểm tra chất lượng và xuất xưởng đều tuân thủ theo quy trình nghiêm ngặt theo những tiêu chuẩn quốc tế, nhằm đảm bảo cho ra đời những sản phẩm chất lượng tốt nhất.”

Hiện Tôn Hoa Sen đã có 150 chi nhánh cung cấp sản phẩm trên toàn quốc và đang nỗ lực mở chi nhánh thật nhanh, trong đó ưu tiên thị trường miền Bắc. “Mỗi năm tôi mở từ 40-50 chi nhánh. Và sẽ hướng tới con số 400-500 chi nhánh. Mục tiêu của tôi là cứ 20km sẽ có một chi nhánh Tôn Hoa Sen, phải cho người tiêu dùng hiểu biết, kiến thức mới là quan trọng,” ông Lê Phước Vũ nhấn mạnh về chiến lược lan tỏa sự hiện diện thương hiệu, “Hiện tôi có 150 chi nhánh, nhưng tôi có chuẩn bị 150 giám đốc chi nhánh dự nguồn. Anh nào (giám đốc) mà vi phạm lỗi cố ý, lỗi về đạo đức, lập tức bị đuổi khỏi công ty liền.”

Thích ứng với tình thế thị trường và mau chóng thay đổi hướng đi được lãnh đạo tập đoàn này coi là điều có tầm quan trọng sống còn. Việc mở rộng chi nhánh, tăng cường mảng bán lẻ đã tạo điều kiện cho thương hiệu tôn lợp hàng đầu Việt Nam đưa sản phẩm tới tận tay người tiêu dùng, nắm bắt thị hiếu khách hàng và kiểm soát tốt dòng vốn luân chuyển mỗi ngày.    

“Nếu không xây dựng hệ thống phân phối, không xây dựng thương hiệu, thì chúng tôi ‘chết’ từ lâu rồi, không tồn tại nổi với một môi trường kinh doanh mà chỉ đi lừa nhau. Nếu vẫn làm ăn như vậy, thử hỏi làm sao hội nhập toàn cầu, cạnh tranh quốc tế,” ông Lê Phước Vũ tâm sự, “Ngẫm mà xem, điện thoại tốt như của Nokia, mà chỉ chậm đổi mới một chút, bị Apple, Samsung nó “đá” một cái, văng liền! Cứ thử nhìn đi, sản phẩm quốc tế cỡ Sharp và Sony giờ sa sút cỡ nào, họ làm đồ tốt và thiệt nhưng không theo kịp được những thay đổi với thị trường, thì họ bị đá văng.”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục