Nguyên nhân nào khiến giá vàng SJC rẻ hơn giá vàng ngoại?

Sáng 4/3, giá vàng thế giới quy đổi đã cao hơn vàng SJC trong nước và giao dịch thấp là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến mức giảm chênh lệch trên.
Nguyên nhân nào khiến giá vàng SJC rẻ hơn giá vàng ngoại? ảnh 1Giao dịch thấp là nguyên nhân kéo giảm chênh lệch giá vàng nội và ngoại (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Thị trường vàng những ngày gần đây đã có nhiều diễn biến bất ngờ, lần đầu tiên trong vòng gần 6 năm qua, giá vàng thế giới quy đổi đã cao hơn so với vàng SJC trong nước.

Tại thời điểm 8 giờ 30 phút ngày 4/3, giá vàng SJC giao dịch từ 33,45-33,75 triệu đồng/lượng. Ở mức giá này, nếu so với ngày mở cửa đầu năm 2016 là 32,75 triệu đồng/lượng, thương hiệu này chỉ tăng được 1 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, thị trường vàng thế giới liên tục bứt phá, với mức tăng tổng cộng 198 USD/ounce trong hơn 2 tháng đầu năm nay, hiện vàng thế giới đã tăng tương đương 4.420.000 đồng/lượng (gấp 4,4 lần so với mức tăng của vàng SJC).

Nhờ sự điều chỉnh tích cực này, lần đầu tiên kể từ cuối tháng 4/2010, giá vàng thế giới đã ​vượt qua thương hiệu SJC trong nước.

Nói về diễn biến trên, theo ông Phạm Bảo Quý, Giám đốc Công ty vàng Bảo Quý, mức chênh lệch giá giữa vàng nội-ngoại rút ngắn là do giao dịch thấp, tâm lý găm giữ vàng của người dân cũng không còn mạnh mẽ như trước đây.

Bên cạnh đó, khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP ra đời về Quản lý kinh doanh vàng miếng đã ​phát huy tác dụng trong việc bình ổn thị trường, ngăn ngừa tình trạng đầu cơ vàng.

Hơn nữa, sức hấp dẫn từ chứng khoán, địa ốc đang thu hút nhiều nhà đầu tư lớn chuyển dần vốn sang kênh này cũng làm giảm tính hấp dẫn ​của vàng.

"Giao dịch tăng chủ yếu trong ngày Thần Tài, những ngày gần đây lượng mua bán đã giảm mạnh," ông Phạm Bảo Quý nói.

Nguyên nhân nào khiến giá vàng SJC rẻ hơn giá vàng ngoại? ảnh 2Giao dịch chủ yếu tăng trong ngày Thần Tài 2016 (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Có thể thấy, việc bình ổn thị trường vàng trong nước, tránh đầu cơ là mục tiêu chính mà Ngân hàng nhà nước thực hiện trong thời gian qua.

Trao đổi với báo chí tại buổi họp báo Chính phủ tối 29/2, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, để triển khai Nghị quyết của Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội hằng năm, Ngân hàng Nhà nước đã ​có nhiều chỉ thị liên quan đến việc quản lý các tổ chức tín dụng cũng như thị trường vàng.

​Điểm nhấn kể từ khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP ra đời là ​với nhiều giải pháp đã đem lại kết quả tích cực, ổn định thị trường này.

"Nội dung Chỉ thị số 01/CT cũng là tiếp nối các chỉ thị mà Ngân hàng nhà nước đã và đang thực hiện theo tinh thần của Nghị định 24, trong đó có các quy định về quyền lợi người dân nắm giữ vàng miếng," Phó Thống đốc nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục