Nhà khoa học gốc Việt cần điều kiện gì để về nước nghiên cứu?

Các chuyên gia chia sẻ về mong muốn và điều kiện để có thể mời các nhà khoa học gốc Việt đang sinh sống ở nước ngoài về Việt Nam làm việc.
Nhà khoa học gốc Việt cần điều kiện gì để về nước nghiên cứu? ảnh 1Giáo sư Vũ Hà Văn tại Hội nghị trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2018. (Nguồn: CTV/Vietnam+)

Môi trường làm việc, chính sách đãi ngộ và đặc biệt là một hệ sinh thái phát triển tư duy chính là những yếu tố cần thiết để thu hút nhân tài về đóng góp và xây dựng Việt Nam phát triển.

Trải thảm đỏ thế nào?

Chia sẻ bên lề Hội thảo Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2018 vừa diễn ra tại Hà Nội, giáo sư, tiến sỹ Vũ Hà Văn (Đại học Yale, Mỹ), Việt Nam vẫn nói trải thảm đỏ mời nhân tài về, nhưng chưa ai biết trải thảm đỏ như thế nào…

 

Theo vị giáo sư vừa trở thành Giám đốc khoa học Viện nghiên cứu Dữ liệu lớn (Big Data) của Tập đoàn Vingroup, hiện có một số tập đoàn tư nhân muốn phát triển mạnh về vấn đề này đã chi ra nhiều tiền để mời các chuyên gia gốc Việt hoặc người nước ngoài làm việc.

Giáo sư Vũ Hà Văn cho rằng, để thu hút nhân tài, thì điều kiện là các chính sách đãi ngộ, chương trình làm việc, mức lương, điều kiện sống và môi trường làm việc.

“Tôi nghĩ, một người ở Mỹ được trả lương rất cao mà khi về Việt Nam chúng ta không thể trả bằng 1/10 như thế được,” ông Văn nói.

Đánh giá môi trường làm việc là cực kỳ quan trọng, ông Văn đưa ra ví dụ thành công của Silicon Valley (Mỹ) và cho rằng ở đó không chỉ có một nhóm nghiên cứu mà một công ty có hàng chục nhóm và hàng chục ty lớn, hàng nghìn công ty nhỏ cùng một số trường đại học.

Bày tỏ quan điểm khi được hỏi liệu có trở về Việt Nam làm việc, tiến sỹ Bùi Hải Hưng (Tập đoàn Google) thẳng thắn cho hay, ông sẵn sàng chia sẻ với các tổ chức, doanh nghiệp trong nước nhằm giúp họ định hướng phát triển. Và, trong trường hợp có cơ hội, ông sẵn sàng làm việc trong môi trường của Việt Nam.

Cần lòng yêu nước

Trong khi đó, giáo sư, tiến sỹ khoa học, Viện sỹ Viện Hàn lâm khoa học Kỹ thuật Điện Liên bang Nga Nguyễn Quốc Sỹ cho rằng, để nhà khoa học về nghiên cứu phải có môi trường tốt. Ở đây, vấn đề không chỉ là lương bổng mà còn rất nhiều yếu tố cho một hệ sinh thái phát triển tư duy...

Cũng theo ông Sỹ, nhiệm vụ phát triển đất nước nhờ khoa học công nghệ rất cần thiết. Bởi vậy, việc xây dựng đội ngũ trí thức, đạt được những thành tựu khoa học công nghệ để thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam là quan trọng.

Ông Sỹ cũng chỉ ra một số bất cập, trong đó hạn chế lớn để xây dựng nền khoa học công nghệ cao cho Việt Nam chính là con người. Việt Nam vẫn thiếu nhà khoa học cao cấp để có thể dẫn dắt, làm việc, tạo ra sản phẩm khoa học công nghệ cao cho đất nước.

Một con người chỉ có tri thức, chuyên ngành của mình vẫn đủ để cáng đáng nhiệm vụ của đất nước đặt ra. Ông Sỹ bảo, cái cần chính là tấm lòng yêu nước. Cán bộ khoa học công nghệ nếu không đặt trách nhiệm, nghĩa vụ của mình thì đóng góp rất hạn chế.

"Chúng tôi thường nói không phải làm việc 100% mà phải bằng 150%. Và, khi đó tri thức không đủ mà cần có lòng yêu nước. Khi thấy trách nhiệm thì nhà khoa học sẽ có cách của mình," ông Sỹ nói./. 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục