Nhà mạng đầu tiên tại Việt Nam triển khai thành công mạng 5G độc lập

Công nghệ 5G độc lập của Viettel Telecom sẽ thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái 5G, tạo điều kiện và thúc đẩy chuyển dịch sang các công nghệ hiện đại tại Việt Nam.

Ảnh minh hoạ. (Ảnh: Viettel)
Ảnh minh hoạ. (Ảnh: Viettel)

Ngày 19/8, đại diện Tổng Công ty Viễn thông Viettel (Viettel Telecom) cho biết đã nghiên cứu và triển khai thành công mạng 5G SA đầu tiên tại Việt Nam.

Đây có thể coi là bước đi quan trọng cho việc chính thức cung cấp dịch vụ 5G thương mại, đồng thời là dấu ấn chào mừng 20 năm Viettel chính thức kinh doanh dịch vụ di động (15/10/2004-15/10/2024).

Như vậy chỉ trong thời gian hơn 3 tháng kể từ khi được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép sử dụng tần số để nhà mạng thương mại hóa 5G, Viettel đã triển khai thành công mạng 5G độc lập - 5G Standalone (SA).

Khác với 5G Non-Standalone (NSA) được phát triển trên hạ tầng mạng 4G, 5G SA là phiên bản tiên tiến hơn và hoàn toàn độc lập giúp nâng cao tính linh hoạt, khả năng mở rộng và cung cấp nhiều dịch vụ mới.

Viettel triển khai mạng 5G SA hứa hẹn sẽ cung cấp đa dạng dịch vụ, hấp dẫn cho cả đối tượng khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp, có thể kể đến như:

- Nhóm dịch vụ data tốc độ cao, cuộc gọi trên 5G SA thông minh có chức năng tự dịch ngôn ngữ, hiển thị phụ đề…

- Dịch vụ Quality on Demand là gói cước tính tiền theo dịch vụ cho phép khách hàng được linh hoạt lựa chọn chất lượng dịch vụ khác nhau theo từng thời điểm mong muốn. Khách hàng được chủ động lựa chọn ưu tiên về tốc độ cao, độ trễ thấp… theo nhu cầu.

- Dịch vụ Internet không dây 5G (5G FWA-Fixed Wireless Access): Người dùng được cung cấp dịch vụ Internet tốc độ cao trên mạng 5G, có thể thay thế cho dịch vụ Internet cáp quang đến hộ gia đình hiện tại

- Dịch vụ mạng di động dùng riêng (5G Private Mobile Network): Là dịch vụ chia sẻ hạ tầng với mạng public nhờ tính năng network slicing, giúp linh hoạt sử dụng tài nguyên mạng lưới và giảm chi phí cho khách hàng. Mạng di động dùng riêng có những ưu điểm về độ bảo mật cao, độ trễ thấp, đáp ứng số lượng kết nối lớn… phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp tại các nhà máy, khu công nghiệp, cảng biển…

Viettel cũng cung cấp các giao thức phát triển ứng dụng theo chuẩn mở giúp các công ty lập trình ứng dụng sử dụng trực tiếp năng lực mạng lưới 5G của nhà mạng để tạo ra các dịch vụ kinh doanh mới.

Dịch vụ giúp mở ra một mô hình kinh doanh mới và chuyển đổi mạng viễn thông truyền thống thành một nền tảng thúc đẩy sáng tạo tới cộng đồng.

z5746197387514_98200d8050777fb4166ed286fb8b81e2.jpg
Ảnh minh hoạ. (Ảnh: Viettel)

Để triển khai 5G SA ngoài việc nhà mạng bỏ ra chi phí lớn để đầu tư hoàn toàn hệ thống mạng lõi mới, thách thức lớn nhất là việc cấu hình để kết nối hệ thống này với các thiết bị vô tuyến khi tất cả phải tuân theo tiêu chuẩn 5G.

Trên thế giới, các nhà mạng thường mất từ 1 đến 2 năm để hoàn thành xây dựng mạng 5G SA thương mại. Theo báo cáo của GSA, tính đến hết Quý 1 năm 2024, có khoảng 58 quốc gia đã thử nghiệm thành công 5G SA trên tổng số 175 quốc gia thương mại hoặc thử nghiệm 5G. Nguyên nhân chính do sự khó khăn và phức tạp trong việc triển khai mạng 5G SA so với 5G NSA.

Hiện Viettel đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các hãng smartphone lớn, phổ biến trên thị trường Việt Nam như Apple, Samsung, Xiaomi, Vivo, Oppo… nâng cấp firmware thương mại cho thiết bị smartphone hỗ trợ mạng 5G SA với mục tiêu cung cấp mạng 5G hiện đại nhất cho khách hàng ngay tại thời điểm khai trương./.

(Vietnam+)

Bình luận

Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Tin cùng chuyên mục