Nhà xuất bản Thông tấn khởi đầu từ “Thảm họa…”

"Sinh sau đẻ muộn" trong ngành xuất bản, NXB Thông tấn khởi nghiệp từ “11/9-Thảm họa nước Mỹ,” nay đã qua 10 năm hình thành và phát triển.
Trong mười năm gắn bó với công tác xuất bản, Giám đốc Nhà xuất bản Thông tấn Vũ Quốc Khánh vẫn nhớ như in nghĩa cử đẹp của vị khách ngoại quốc, người đã mua cuốn “Người H’mông ở Việt Nam” ở cửa hàng sách ngoại văn.

Vài ngày sau khi mua, vị khách trở lại tặng cuốn sách cho cửa hàng và nói rằng do không có điều kiện mang theo cuốn sách dày và nặng về quê hương, cũng không thể bỏ lại khách sạn vì cuốn sách giá trị và đẹp quá nên ông muốn người khách khác sẽ mua được nó.

Đó là một trong những chia sẻ của ông Vũ Quốc Khánh với phóng viên VietnamPlus nhân dịp Nhà xuất bản Thông tấn sắp kỷ niệm 10 năm ngày thành lập (2/7/2001 – 2/7/2011).

Tìm được lối đi từ “Thảm họa…”

- Là đứa con sinh sau đẻ muộn của thị trường xuất bản, hẳn những ngày đầu thành lập Nhà xuất bản Thông tấn đã gặp  nhiều khó khăn. Những ngày khởi nghiệp ấy đã bắt đầu như thế nào, thưa ông?

Ông Vũ Quốc Khánh: Tôi còn nhớ, hồi mới có quyết định thành lập đơn vị, số cán bộ của Nhà xuất bản Thông tấn chỉ đủ “biên chế” một mâm cơm 6 người. Thế mà bây giờ, đơn vị đã có đầy đủ bộ máy với năm phòng và 25 cán bộ, biên tập viên, nhân viên.

Ban đầu, chúng tôi hầu hết đều là dân làm báo chuyển sang, chủ chốt là cán bộ của Báo ảnh Việt Nam, chưa biết nhiều về công tác xuất bản. Người ta vẫn nói báo chí – xuất bản như anh em sinh đôi, đều là việc viết lách cả. Nhưng làm rồi mới thấy có nhiều cái khác lắm, khi làm báo phải cập nhật, thần tốc, còn xuất bản sách lại cần thời gian, sự tỉ mỉ với nhiều công phu, nội dung phải có độ bền vững mới có thể để “muôn đời sau” được.

Vì chiến lược lâu dài của Thông tấn xã Việt Nam, Nhà xuất bản Thông tấn được ra đời để biên soạn, xuất bản sách và tài liệu liên quan tới những hoạt động báo chí nói chung và của ngành nói riêng. Chúng tôi được điều động sang làm công việc trái tay này nên phải vừa làm vừa học.

Cái khó đầu tiên với đơn vị là cần xác định bắt đầu từ đâu khi mà thị trường xuất bản khi đó đã có 45 nhà xuất bản đang hoạt động, có những nhà xuất bản đã 50-60 năm trong nghề.

Trong lúc đang băn khoăn tìm điểm khởi đầu thì sự kiện 11/9 {ngày hai chiếc máy bay Mỹ bị không tặc khống chế để đâm thẳng vào Toà tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới, khiến gần 3.000 người dân vô tội thiệt mạng –pv} xảy ra. Và thế là cuốn sách đầu tiên do Nhà xuất bản Thông tấn thực hiện với tiêu đề “11/9-Thảm họa nước Mỹ.”

Cuốn sách được bạn đọc đón nhận nhiệt tình. Nhiều đại lý sách đặt tiền trước để có sách bán. 11.000 cuốn sách được bán hết chỉ trong thời gian rất ngắn. Thật vui khi có khởi đầu thuận lợi như vậy. Nhưng quan trọng hơn là chúng tôi bắt đầu định hướng được con đường đi riêng của đơn vị để tìm ra thị phần sách nhỏ bé còn lại mà hoạt động.

- Có được thuận lợi như vậy hẳn cũng nhờ Nhà xuất bản Thông tấn được kế thừa những thông tin đắt giá của “người cha” Thông tấn xã Việt Nam mà không nơi nào có được?

Ông Vũ Quốc Khánh:
Đúng vậy. Được thừa hưởng một thương hiệu truyền thống có uy tín là Thông tấn xã Việt Nam, lại tiếp cận được nhiều thông tin, tư liệu giá trị của ngành, hiểu biết “sở trường, sở đoản” của cán bộ, biên tập viên trong đơn vị, chúng tôi quyết định tập trung vào ba mảng đề tài lớn, được coi là những thế mạnh của Nhà xuất bản Thông tấn: Sách vấn đề - sự kiện trên các lĩnh vực trong nước và quốc tế; Sách nghiệp vụ báo chí; Sách ảnh (dưới dạng đơn lẻ và sách bộ) về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… của đất nước.

Bên cạnh đó, Nhà xuất bản Thông tấn còn tăng cường liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân để biên soạn, thẩm định, xuất bản sách phục vụ xã hội, tăng nguồn thu cho đơn vị. Sau hiệp ước Bern, chúng tôi còn tích cực tham gia vào công tác tìm kiếm, ký kết hợp đồng mua sách bản quyền hay, tốt của nước ngoài, phù hợp với bạn đọc trong nước để xuất bản tại Việt Nam.

Dấu ấn “Điệp viên hoàn hảo”

- Và, tôi vẫn còn nhớ, “Điệp viên hoàn hảo” từng là cuốn sách “hot” nhất năm 2007…


Ông Vũ Quốc Khánh: Cuốn sách đó chúng tôi mua bản quyền của Mỹ và phát hành 35.000 bản trong năm 2007. Cuốn sách đã đánh dấu bước tiến quan trọng của Nhà xuất bản Thông tấn.

Có lẽ “Điệp viên hoàn hảo” là cuốn sách có một không hai trong cuộc đời làm sách của tôi cũng như các đồng nghiệp. Có được kết quả này, chúng tôi phải cảm ơn ông Wick Tourison, cộng tác viên người Mỹ của nhà xuất bản, phân xã Washington và các đồng chí lãnh đạo Thông tấn xã Việt Nam đã chỉ đạo, giúp đỡ và ủng hộ nhiệt tình để cuốn sách được ra mắt bạn đọc.

- Độc giả không chỉ ấn tượng với sách mua bản quyền mà còn là những ấn phẩm nghiệp vụ báo chí. Có thể nói, ở lĩnh vực sách nghiệp vụ báo chí Nhà xuất bản Thông tấn đã làm rất tốt.

Ông Vũ Quốc Khánh: Đây cũng là một trong những niềm tự hào của chúng tôi. Tính đến nay, Nhà xuất bản Thông tấn đã xuất bản 50 ấn phẩm nghiệp vụ báo chí các loại rồi. Đây là những cuốn sách được biên soạn, dịch thuật từ nguồn tư liệu trong nước và sách nước ngoài.

Sách có nội dung giới thiệu các thể loại báo chí, các phương thức làm báo hiện đại cũng như những vấn đề liên quan tới công tác truyền thông nên đã thu hút sự quan tâm của các tòa soạn, các nhà báo và những người yêu nghề làm báo. Mỗi năm, Nhà xuất bản bổ sung vài cuốn cho bộ sách, để đến hôm nay đơn vị đã có một “thư viện nhỏ” về nghề báo cho độc giả.

- Với những người làm công tác xuất bản như ông, có câu chuyện nghề nào làm ông nhớ mãi?


Ông Vũ Quốc Khánh: Có một câu chuyện này đã làm tôi rất xúc động. Đó là câu chuyện tôi được nghe từ một cửa hàng sách ngoại văn ở Hà Nội, rằng có một ông khách người châu Âu đến Việt Nam du lịch mua cuốn “Người H’mông ở Việt Nam”, sau vài hôm ông ta đến và tặng lại cuốn sách cho cửa hàng.

Vị khách nói do không có điều kiện mang theo cuốn sách dày và nặng đó về quê hương, cũng không thể bỏ lại khách sạn vì cuốn sách giá trị và đẹp quá nên ông muốn người khách khác sẽ mua được nó.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông.

ChiLê (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục