Nhật Bản chính thức nối lại hoạt động săn cá voi ở Nam Cực

Một đội tàu của Nhật Bản đã khởi hành đến vùng biển Nam Cực, nối lại hoạt động săn cá voi mà Tokyo tuyên bố là nhằm phục vụ nghiên cứu khoa học.
Nhật Bản chính thức nối lại hoạt động săn cá voi ở Nam Cực ảnh 1Các tàu săn cá voi của Nhật Bản. (Nguồn: Reuters)

Ngày 1/12, một đội tàu của Nhật Bản đã khởi hành đến vùng biển Nam Cực, nối lại hoạt động săn cá voi mà Tokyo tuyên bố là nhằm phục vụ nghiên cứu khoa học.

Đây là lần đầu tiên Nhật Bản nối lại hoạt động này kể từ khi tòa án quốc tế ra phán quyết chống săn cá voi.

Theo thông báo trên website của Cơ quan ngư nghiệp Nhật Bản trước đó, đội tàu trên bao gồm một “tàu mẹ” nặng 8.145 tấn và 3 tàu khác, với tổng số 160 thủy thủ.

Một tàu tuần tra của Cơ quan ngư nghiệp cùng đi. Dự kiến, hoạt động săn cá voi sẽ kéo dài từ cuối tháng 12/2015 đến đầu tháng 3/2016.

Tại cuộc họp đầu năm nay, Ủy ban Săn cá voi quốc tế (IWC) đã phản đối kế hoạch săn cá voi của Nhật Bản ở Nam Cực.

Nhật Bản đã dừng săn cá voi sau khi Tòa án Công lý quốc tế hồi tháng 3/2014 ra phán quyết rằng hoạt động săn cá voi của nước này không nhằm phục vụ các mục đích nghiên cứu khoa học như Tokyo từng tuyên bố, đồng thời ra lệnh chấm dứt chương trình này.

Hoạt động săn cá voi được nối lại sau khi Chính phủ Nhật Bản hôm 27/11 vừa qua trình IWC bản kế hoạch cuối cùng, theo đó giảm 2/3 số cá voi đánh bắt hàng năm xuống còn 333 con, dựa trên việc xem xét phán quyết của tòa án quốc tế và phản hồi của IWC.

Động thái trên vấp phải sự phản đối mạnh từ các nhà hoạt động môi trường, đặc biệt từ Australia và New Zeland là hai nước chống săn cá voi.

Australia hối thúc một giải pháp ngoại giao và yêu cầu Nhật Bản không nối lại hoạt động săn cá voi, đồng thời tuyên bố sẽ theo đuổi vấn đề này tới cùng, theo đó để ngỏ khả năng điều một tàu giám sát của Australia tới Nam Cực.

Cuối tuần qua, quyền Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand Todd McClay bày tỏ thất vọng về việc Nhật Bản nối lại hoạt động săn cá voi, cho rằng Nhật Bản có thể đạt được mục tiêu nghiên cứu bằng cách sử dụng những phương thức không gây hại cho tự nhiên.

Ông McClay cũng thông báo New Zealand đang xem xét “mọi phương án”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục