Ngày 9/12, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki cho biết, từ nay đến tài khóa 2025, Nhật Bản sẽ duy trì mục tiêu phục hồi thể trạng tài chính trong khi tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng.
Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Suzuki khẳng định Nhật Bản sẽ duy trì kỷ luật tài khóa. Ông bác đề xuất của một số nghị sĩ về việc phát hành trái phiếu chính phủ mới để huy động ngân sách cho chi tiêu quốc phòng, nhưng cho rằng cần có các nguồn tài chính ổn định.
Nhật Bản đang có kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng lên 43.000 tỷ yen (315 tỷ USD), tương đương 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), trong 5 năm (cho đến tài khóa 2027). Nếu mục tiêu này trở thành hiện thực, chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản sẽ ngang bằng với chi tiêu quốc phòng của các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Cùng ngày, Thủ tướng Fumio Kishida cho biết Nhật Bản có thể sẽ phải tăng thuế để đáp ứng 25% nhu cầu chi tiêu quốc phòng mỗi năm, tương đương 1.000 tỷ yen.
Hiện thể trạng tài chính của Nhật Bản bị đánh giá là yếu kém nhất trong số các nền kinh tế tiên tiến, với nợ công cao gấp đôi so với quy mô của nền kinh tế. Chính phủ Nhật Bản đang đặt mục tiêu đạt thặng dư trong cán cân ngân sách cơ bản từ nay đến tài khóa 2025.
[Nhật Bản chủ trương tăng ngân sách quốc phòng lên mức 2% GPD]
Nhật Bản đã nhiều lần kéo dài thời hạn chót được đặt ra để đạt mục tiêu phục hồi thể trạng tài chính. Dựa trên những dự báo được Chính phủ Nhật Bản đưa ra vào tháng 7 vừa qua, cán cân ngân sách có thể sẽ chuyển sang thặng dư trong tài khóa 2026.
Dự kiến, trong những ngày tới, theo yêu cầu của Thủ tướng Kishida, đảng Dân chủ Tự do (LPD) và đảng Công minh - đối tác của LDP trong liên minh cầm quyền hiện nay, sẽ thảo luận chi tiết về cách đảm bảo nguồn tài trợ cần thiết cho việc tăng chi tiêu quốc phòng./.