Ngày 21/6, Chính phủ Nhật Bản đã phê duyệt kế hoạch chính sách mới tập trung cho việc tăng tiền lương và mở rộng tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế, với hy vọng rằng đất nước đang trên đà thoát khỏi tình trạng giảm phát và tiến tới "giai đoạn mới."
Kế hoạch mới được Nội các của Thủ tướng Fumio Kishida thông qua, trong đó đánh giá tình trạng nền kinh tế vẫn mong manh, đặc biệt là tiêu dùng tư nhân, đồng thời cho rằng chính phủ nên theo dõi chặt chẽ những tác động do đồng yen yếu khiến chi phí nhập khẩu tăng cao.
Chính phủ Nhật Bản kiên định với các mục tiêu phục hồi tài chính hiện nay và không tiếp tục đặt ra mục tiêu tham vọng hơn dù có nguy cơ chi phí nợ cao hơn sẽ hạn chế chi tiêu của chính phủ trong tương lai.
Kế hoạch chính sách mới này cũng nhất quán với việc Ngân hàng trung ương Nhật Bản dần chuyển hướng sang bình thường hóa chính sách tiền tệ bằng cách tăng lãi suất và giảm mua vào trái phiếu chính phủ.
Nội dung kế hoạch có đoạn nêu rõ Chính phủ Nhật Bản sẽ đảm bảo tăng trưởng thu nhập nhanh hơn lạm phát. Để duy trì đà tăng trưởng từ năm 2025, chính phủ sẽ triển khai tất cả các công cụ chính sách để hỗ trợ tăng lương.
Chính phủ Nhật Bản cũng đã thực hiện một loạt biện pháp hỗ trợ như giảm thuế thu nhập và cư trú 40.000 yen (250 USD) mỗi người, cũng như giảm hóa đơn năng lượng.
Một vấn đề cấp bách đối với Nhật Bản là dân số đang già đi nhanh chóng và làm thế nào để đối phó với tình trạng suy giảm dân số, dự kiến sẽ tăng tốc trong những thập niên tới. Chính phủ của Thủ tướng Kishida coi giai đoạn hiện tại cho đến năm 2030 là “cơ hội cuối cùng” để đảo ngược xu hướng sinh giảm.
Chính phủ xác định nền kinh tế cần tăng trưởng hơn 1% sau năm 2030 để quản lý tài chính và tiếp tục cung cấp các dịch vụ an sinh xã hội, dù đương đầu nhiều thách thức về nhân khẩu học.
Sau một số năm tập trung vào việc cung cấp hỗ trợ khẩn cấp để giúp nền kinh tế chống đỡ những cú sốc do đại dịch COVID-19 và chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, chính phủ nhấn mạnh cần phải hạn chế chi tiêu và khôi phục tài chính quốc gia, hiện đang ở mức kém nhất trong số các quốc gia phát triển.
Để Nhật Bản tăng trưởng dài hạn, chính phủ sẽ thúc đẩy số hóa và tự động hóa, đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng như công nghệ xanh và chip bán dẫn để đảm bảo an ninh quốc gia, đồng thời thúc đẩy cải cách lao động hơn nữa, bao gồm cả việc khuyến khích tìm kiếm cơ hội việc làm mới có mức lương cao hơn.
Kế hoạch chính sách hứa hẹn hỗ trợ đầu tư “nhiều năm, quy mô lớn” để thúc đẩy sản lượng cũng như nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực Trí tuệ Nhân tạo và chip. Nhật Bản sẽ xem xét các bước lập pháp cần thiết để hỗ trợ sản xuất hàng loạt chip bán dẫn thế hệ tiếp theo./.