Vào đêm 14/8, cả thế giới sẽ hướng về nước Nhật để lắng nghe những gì mà Thủ tướng Shinzo Abe sẽ (và sẽ không) nói trong bài phát biểu kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh Thế giới II.
Tuy nhiên, thế giới cũng không vì thế mà quên đi tầm quan trọng của những điều mà Nhật hoàng Akihito sẽ phát biểu vào ngày hôm sau 15/8.
Trước đó, trong bài trả lời phỏng vấn của hãng tin Washington Post hôm 11/8, Nhật hoàng Akihito đã tái khẳng định quan điểm cá nhân của mình khi cho rằng với bản sắc là một dân tộc yêu chuộng hòa bình, Nhật Bản không nên quên lịch sử các cuộc chiến tranh xâm lược trước đây.
Ngoài ra, tờ báo Mỹ cũng không quên viện dẫn tuyên bố của Nhật hoàng Akihito nhân dịp đầu xuân năm mới 2015: "Nó (cuộc chiến) là quan trọng nhất đối với chúng tôi để có cơ hội nghiên cứu và học hỏi từ lịch sử của cuộc chiến tranh này, bắt đầu với sự kiện Mãn Châu năm 1931, để từ đó chúng tôi xem xét và định ra phương hướng cho tương lai của đất nước mình."
Hai tháng trước, tại bữa tiệc chiêu đãi Tổng thống Philippines Benigno Aquino III đến thăm Nhật Bản, Nhật hoàng Akihito cũng đề cập đến các trận chiến diễn ra trên đất Philippines trong Thế chiến II, và nhấn mạnh "Nhật Bản cần ghi nhớ với một ý thức sâu sắc về sự hối hận. Đặc biệt, trong năm nay kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh Thế giới II, tôi gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới tất cả những nạn nhân đã bị cướp đi mạng sống trong cuộc chiến đó."
Nhật hoàng Akihito đã kế vị ngôi vua thay cha ông Nhật hoàng Hirohito, đã qua đời vào năm 1989. Cuộc đời của Nhật hoàng Akihito, người sinh ra và trưởng thành gắn liền cùng giai đoạn tái thiết của Nhật Bản thời hậu chiến, đã chứng kiến Nhật Bản từ một quốc gia đế quốc với tham vọng thực dân đến một đất nước bại trận và bị tàn phá bởi chiến tranh, rồi chuyển mình vươn lên mạnh mẽ bằng cuộc cách mạng về khoa học kỹ thuật, ưu tiên phục vụ phát triển kinh tế hơn là sức mạnh quân sự.
Trong suốt giai đoạn trị vì đất nước, Nhật hoàng Akihito luôn chứng tỏ quyết tâm của mình khi khẳng định nước Nhật của ông không bao giờ lãng quên lịch sử cuộc chiến tranh.
Trong đó, Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko đã xác định "bốn ngày không nên quên" cho người dân nước này, đó là ngày 23/6 (trận chiến Okinawa), ngày 6/8 (vụ đánh bom nguyên tử ở Hiroshima), ngày 9/8 (vụ đánh bom nguyên tử Nagasaki), và ngày 15/8 (ngày kết thúc chiến tranh).
Ngoài ra, Nhật hoàng Akihito cũng kế tục việc làm được dư luận hoan nghênh của cha mình là Nhật hoàng Hirohito khi không đến viếng thăm ngôi đền chiến tranh Yasukuni vốn gây nhiều tranh cãi thời gian qua mỗi khi có lãnh đạo cấp cao nước này đến đây.
Trong những năm gần đây, Hoàng đế Akihito đã thể hiện sự háo hức đặc biệt khi đến thăm các đảo ở Nam Thái Bình Dương, nơi quân đội Đế quốc Nhật Bản từng tham gia vào một trận chiến khốc liệt với Hoa Kỳ.
Hoàng đế Akihito năm nay 81 tuổi. Câu hỏi không biết vị Hoàng đế cuối cùng của Nhật Bản - người trải qua những thời khắc đáng nhớ của chiến tranh trước đây - có chuyển giao quyền lực và ngai vàng cho con trai ông Thái tử Naruhito, khi nước này kỷ niệm 80 năm chiến tranh kết thúc hay không đang là chủ đề được dư luận hết sức quan tâm.
Thái tử Naruhito, sinh năm 1960, người được sinh ra và lớn lên khi Nhật Bản đã là một cường quốc hiện đại, phát triển nhất nhì thế giới như hiện nay.
Chính vì thế, những gì mà Nhật hoàng Akihito sẽ phát biểu trong buổi lễ kỷ niệm 70 năm kết thúc chiến tranh lần này sẽ có ý nghĩa hết sức đặc biệt và thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận trong và ngoài nước Nhật./.