Hiện nay, tại một số địa phương, tình hình bệnh sốt xuất huyết gia tăng nhanh với nhiều ổ dịch, điểm "nóng" về dịch bệnh. Các bệnh viện ở nhiều địa phương đã ghi nhận nhiều ca bệnh nặng, diễn biến phức tạp, biến chứng nguy hiểm với nguy cơ tử vong cao.
Dịch bệnh gia tăng rất nhanh
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 1.230 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 15/15 huyện, thị xã, thành phố. Tình hình dịch bệnh gia tăng rất nhanh, đặc biệt trong tháng 7 và đầu tháng 8.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk Hoàng Hải Phúc cho biết, sốt xuất huyết đang gia tăng rất nhanh với nhiều ổ dịch đáng báo động. Địa bàn ghi nhận số ca mắc bệnh cao nhất là thành phố Buôn Ma Thuột; sau đó là các huyện Krông Pắc, Ea Kar và Cư M’Gar.
Đây là 4 địa bàn “nóng” về sốt xuất huyết. Đặc biệt, tuần vừa qua, tại huyện Cư M’Gar, bệnh nhân mắc sốt xuất huyết gia tăng rất nhanh, các ổ dịch nhỏ lây lan, ghi nhận ở nhiều nơi.
Theo ông Hoàng Hải Phúc, nguyên nhân dẫn đến dịch sốt xuất huyết gia tăng đột biến là do thời điểm này các tỉnh Tây Nguyên vào mùa mưa. Mưa liên tục trong tháng 7, muỗi sinh sôi, phát triển mạnh dẫn đến tình hình mắc bệnh tăng cao.
Còn tại Hải Phòng, trong tháng 7/2024, thành phố ghi nhận 4.307 ca mắc sốt xuất huyết Dengue, tăng 1.890 ca so với tháng trước. Các quận, huyện có số mắc cao gồm: Lê Chân (1.900 ca), Hải An (745 ca), Ngô Quyền (663 ca), Kiến An (195 ca), An Dương (192 ca).
Tổng tích lũy 7 tháng đầu năm 2024, Hải Phòng đã ghi nhận 7.118 ca mắc, tăng 7.007 ca so với cùng kỳ năm trước. Các ca mắc tập trung chủ yếu tại các quận nội thành như: Lê Chân (3.574 ca), Hải An (1.160 ca), Ngô Quyền (901 ca), Kiến An (295 ca), An Dương (307 ca)...
Cũng trong tháng 7, toàn thành phố ghi nhận 501 ổ dịch sốt xuất huyết Dengue mới, nâng tổng số ổ dịch lên 2.242 (tích lũy từ đầu năm đến nay), trong đó số ổ dịch đang hoạt động là 352, số ổ dịch đã dừng hoạt động là 1.890 (có 456 ổ dịch ghi nhận bệnh nhân thứ phát).
Đáng chú ý, véc tơ truyền bệnh chính là muỗi Ae. Aegypti loại mà trước đây chỉ ghi nhận ở Cát Bà, hiện đã phát hiện ở nhiều quận huyện nội, ngoại thành (như Lê Chân, Ngô Quyền, Hải An, Hồng Bàng, An Dương, Vĩnh Bảo...).* Nhiều biến chứng nguy hiểm
Trong tháng 7 và những ngày đầu tháng 8, nhiều bệnh viện tại các địa phương đã tiếp nhận những ca sốt xuất huyết Dengue nặng, diễn biến phức tạp với nhiều dấu hiệu cảnh báo và biến chứng nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao. Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã tiếp nhận và điều trị nội trú cho hơn 300 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết; trong đó, gần 50 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nặng, hơn 130 người mắc sốt xuất huyết cảnh báo.
Khoa Hồi sức-Cấp cứu Nhi và Nhi sơ sinh (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) cũng đã tiếp nhận 41 trường hợp mắc sốt xuất huyết nặng. So với cùng kỳ năm trước, số ca nhập viện ít hơn nhưng các ca đều trong tình trạng nặng, sốc và tái sốc.
Tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, trong tháng 7 đã tiếp nhận hàng chục ca sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo nhập viện.
“Điều khác biệt năm nay là khu vực ngoại thành Hà Nội như Hoài Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ,… và các tỉnh như Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình… các ca sốt xuất huyết có vẻ như xảy ra sớm và nặng hơn mọi năm,” Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Duy Cường-Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới cho biết.
Một bệnh nhân nam (25 tuổi, ở Hoàng Mai, Hà Nội) sốt 5 ngày nhập viện, xét nghiệm dương tính với sốt xuất huyết Dengue, trong quá trình điều trị bệnh nhân có tình trạng suy gan nặng, tiểu cầu tụt nhanh, máu cô đặc.
Một bệnh nhân khác 66 tuổi, ở Tương Mai, Hoàng Mai (Hà Nội), sốt cao từng cơn (39 độ), đau đầu, đau mỏi người, khớp gối, nôn khan và tiểu ra máu.
Thêm một bệnh nhân nữa là nam giới 39 tuổi, Hoài Đức (Hà Nội), sốt 5 ngày, vào viện trong tình trạng nặng, cô đặc máu, da lạnh ẩm, mạch nhanh.
Các bệnh nhân được điều trị tích cực Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, theo pháp đồ cụ thể, tình trạng đến nay đã dần được cải thiện và có thể xuất viện trong một vài ngày tới. Bên cạnh đó cũng có bệnh nhân nguy kịch, tiên lượng xấu, đặc biệt ở người cao tuổi, có bệnh nền…
Các giai đoạn của bệnh
Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm gây dịch do vi rút Dengue gây nên.
Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong. Virus Dengue có 4 tuýp là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4.
Virus truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt. Muỗi Aedes aegypti là côn trùng trung gian truyền bệnh chủ yếu. Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn, xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa.
“Sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.
Phát hiện sớm bệnh và hiểu rõ những vấn đề lâm sàng trong từng giai đoạn của bệnh giúp chẩn đoán sớm, điều trị đúng và kịp thời, nhằm cứu sống người bệnh,” Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Duy Cường cho biết.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Duy Cường, giai đoạn sốt: Lâm sàng sẽ có các triệu chứng như sốt cao đột ngột, liên tục. Nhức đầu, chán ăn, buồn nôn. Da xung huyết. Đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt. Thường có chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu mũi.
Cận lâm sàng Hematocrit (Hct) chỉ số các tế bào hồng cầu trong máu bình thường. Số lượng tiểu cầu bình thường hoặc giảm dần (nhưng còn trên 100.000/mm3). Số lượng bạch cầu thường giảm.
Giai đoạn nguy hiểm thường vào ngày thứ 3-7 của bệnh. Người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt. Có thể có các biểu hiện sau: Đau bụng nhiều và liên tục hoặc tăng cảm giác đau nhất là ở vùng gan. Nôn ói.Biểu hiện thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch (thường kéo dài 24 - 48 giờ). Tràn dịch màng phổi, mô kẽ (có thể gây suy hô hấp), màng bụng, phù nề mi mắt.
Nếu thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến sốc với các biểu hiện vật vã, bứt rứt hoặc li bì, lạnh đầu chi, mạch nhanh nhỏ, huyết áp kẹt hoặc tụt huyết áp, không đo được huyết áp, mạch không bắt được, da lạnh, nổi vân tím (sốc nặng), tiểu ít.
Xuất huyết dưới da: Nốt xuất huyết rải rác hoặc chấm xuất huyết thường ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạn sườn hoặc mảng bầm tím. Xuất huyết niêm mạc như chảy máu chân răng, chảy máu mũi, nôn ra máu, đi ngoài (tiêu) phân đen hoặc máu, xuất huyết âm đạo hoặc tiểu máu.
Xuất huyết nặng: Chảy máu mũi nặng (cần nhét bấc hoặc gạc cầm máu), xuất huyết âm đạo nặng, xuất huyết trong cơ và phần mềm, xuất huyết đường tiêu hóa và nội tạng (phổi, não, gan, lách, thận), thường kèm theo tình trạng sốc, giảm tiểu cầu, thiếu oxy mô và toan chuyển hóa có thể dẫn đến suy đa phủ tạng và đông máu nội mạch nặng.
Xuất huyết nặng cũng có thể xảy ra ở người bệnh dùng các thuốc kháng viêm như acetylsalicylic acid (aspirin), ibuprofen hoặc dùng corticoid, tiền sử loét dạ dày - tá tràng, viêm gan mạn.
Một số trường hợp nặng có thể có biểu hiện suy tạng như tổn thương gan nặng/suy gan, thận, tim, phổi, não, rối loạn tri giác, suy chức năng các cơ quan khác. Những biểu hiện nặng này có thể xảy ra ở người bệnh có hoặc không có sốc do thoát huyết tương.
Giai đoạn hồi phục: Thường từ ngày thứ 7 đến ngày thứ 10. Sốt giảm, tiểu cầu tăng dần trở lại, tiểu nhiều, cảm giác ăn ngon miệng trở lại. Thời kỳ lại sức kéo dài có thể hàng tháng sau.
Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới lưu ý, khi có những dấu hiệu sốt cao đột ngột, liên tục không giảm, đau đầu, đau mỏi người, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để bác sỹ để thăm khám, xét nghiệm và đánh giá các dấu hiệu và triệu chứng.
Sốt xuất huyết cần được chẩn đoán và có pháp đồ điều trị sớm, tránh tự ý uống thuốc và truyền dịch tại nhà./.
Hà Nội: Dịch sốt xuất huyết gia tăng, nguy cơ dịch chồng dịch đến gần
Trong khi số ca mắc sốt xuất huyết trong 2 tuần đầu tháng 7/2024 trên địa bàn thành phố Hà Nội gia tăng hơn tháng 6 trước đó, các bệnh sởi, ho gà diễn biến phức tạp do lỗ hổng “miễn dịch.”