Theo phóng viên TTXVN tại Australia, Trung tâm kinh doanh Asialink Business, thuộc Đại học Melbourne (Australia) và Công ty đổi mới nông nghiệp và thực phẩm Beanstalk AgTech ngày 30/9 công bố báo cáo "Thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao: Cơ hội của Australia tại Việt Nam" phân tích các xu hướng mới nhất và chỉ ra những cơ hội mà các nhà sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam và Australia có thể chia sẻ.
Báo cáo xác định bốn lĩnh vực chính mà các nhà đổi mới của Australia có thể hỗ trợ ngành nông nghiệp Việt Nam vượt qua thách thức bằng các giải pháp về nông nghiệp công nghệ cao, bao gồm tính bền vững, khả năng chống chịu với khí hậu, năng suất, chất lượng và an toàn thực phẩm.
Báo cáo nhấn mạnh, trong những năm qua, nông nghiệp vốn đã trở thành một trong những nền tảng của mối quan hệ hữu nghị Việt Nam-Australia. Các chuyên gia của Asialink và Beantalk Agtech mong muốn đưa ra được những phân tích cụ thể nhất về môi trường nông nghiệp hai nước, qua đó thúc đẩy sự hợp tác để đổi mới, giải quyết những thách thức chung, hỗ trợ các nền kinh tế nông thôn và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Thông qua báo cáo, một lộ trình thực tế để giúp định vị các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao của Australia thành công tại Việt Nam sẽ được Asialink Business và Beantalk AgTech hoạch định.
Báo cáo thuộc dự án kết hợp giữa Asialink Business và Beastalk AgTech, nằm trong khuôn khổ của Chương trình thí điểm tài trợ Tăng cường Gắn kết Kinh tế Australia-Việt Nam (AVEG) do Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) chủ trì.
Ông Robert Law, Giám đốc Tư vấn và Thông tin chi tiết của Asialink Business, đồng thời là nhà quản lý trực tiếp của dự án, nhận định ngành nông nghiệp của Việt Nam đang chuyển đổi nhanh chóng và sẵn sàng tăng trưởng hơn nữa.
[Việt Nam-Australia hướng tới phát triển cân bằng, bền vững]
Cứ 3 lao động tại Việt Nam thì có một người làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Thông qua hoạt động xuất khẩu, nổi bật là gạo, cà phê và thủy sản, ngành nông nghiệp của Việt Nam đã tạo ra hơn 56 tỷ USD doanh thu mỗi năm cho nền kinh tế quốc gia.
Tuy nhiên, ông Law cho rằng nông nghiệp Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức chung, tương tự Australia, chẳng hạn như cân bằng giữa chi phí và sản lượng với các tác động môi trường.
Tại cả hai quốc gia, công nghệ ''nông nghiệp thông minh'' có thể cung cấp các giải pháp thay thế cho các phương pháp sản xuất thâm dụng nước và lao động truyền thống. Vì vậy, theo ông Law, với bề dày hợp tác đã có, Australia và Việt Nam là những đối tác tự nhiên để chia sẻ kiến thức chuyên môn và thúc đẩy các cơ hội hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.
Ông Justin Ahmed, Giám đốc Beanstalk Agtech, đồng thời là Giám đốc Chương trình thúc đẩy đổi mới sáng tạo và đầu tư trong công nghệ nông nghiệp (GRAFT Vietnam Challenge 2021) hiện đang được thực hiện tại Việt Nam, cho biết để duy trì tính cạnh tranh, ngành nông nghiệp của Việt Nam cần đầu tư vào sản xuất hiệu quả hơn, chất lượng cao hơn và bền vững hơn.
Australia và Việt Nam đã xây dựng được một nền tảng vững chắc cho sự hợp tác lấy sáng tạo làm trung tâm, dựa trên các giá trị chung, thách thức chung và năng lực bổ sung cho nhau. Với sự kết hợp phù hợp giữa trọng tâm, hỗ trợ và khả năng thích ứng, Việt Nam sẽ là cơ hội phát triển hấp dẫn cho các nhà đổi mới nông nghiệp công nghệ cao của Australia.
Ngày 1/7, Bộ trưởng Thương mại, Du lịch và Đầu tư Australia Dan Tehan đã công bố về chương trình thí điểm AVEG do chính phủ Australia tài trợ 2,5 triệu AUD (gần 2 triệu USD), phân bổ cho 28 dự án quy mô nhỏ, nhằm tạo ra các cơ hội kinh tế và tăng cường hợp tác kinh doanh giữa doanh nghiệp Australia và Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, từ nông nghiệp đến giáo dục, công nghệ số đến chuỗi cung ứng doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ngoài dự án kết hợp giữa Asialink và Beantalk, một số dự án khác cũng đã được khởi động và bắt đầu thu được những tín hiệu tích cực./.