Nhiều giải pháp phát triển bền vững thủy sản khu vực ĐBSCL

Đối thoại bàn tròn về nuôi trồng thủy sản - một trong những nội dung của Diễn đàn hợp tác kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2014, đã được tổ chức tại Cần Thơ.
Nhiều giải pháp phát triển bền vững thủy sản khu vực ĐBSCL ảnh 1Thu hoạch tôm tại thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng). (Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN)

Ngày 4/11, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và Cơ quan Phát triển Quốc tế của Cộng hòa Liên bang Đức (GYZ) tổ chức đối thoại bàn tròn về nuôi trồng thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Mục đích chính của cuộc đối thoại là tạo ra cơ hội để các bên liên quan cùng nhau chia sẻ thông tin, quan điểm, kinh nghiệm và những cam kết bước đầu để nâng cao năng suất, sản lượng và giá trị, phát triển bền vững ngành nuôi trồng thủy sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Sự kiện là một trong những nội dung của Diễn đàn hợp tác kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2014 đang diễn ra tại tỉnh SócTrăng và là hoạt động khởi đầu trong chuỗi sáng kiến về đối thoại bàn tròn sẽ được tổ chức định kỳ trong những năm tới.

 

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam, Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều thuận lợi trong phát triển nuôi trồng thủy sản, nông dân đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật, công nghệ nhưng hoạt động nuôi trồng thủy sản ở đây còn gặp không ít khó khăn, thách thức. Trong đó, công tác quy hoạch nuôi trồng thủy sản còn nhiều bất cập, đầu tư cho phát triển nuôi trồng thủy sản còn thấp, sự liên kết giữa các bên liên quan chưa cao.

Bên cạnh đó, công tác quản lý môi trường và dịch bệnh còn nhiều hạn chế, bảo quản và tiêu thụ thủy sản còn nhiều khó khăn, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tầng suất bão và áp thấp nhiệt đới gia tăng, lũ lụt xảy ra với tầng suất lớn.

Để góp phần giải quyết các bất cập nói trên cần có những giải pháp đồng bộ với sự tham gia tích cực của các bên liên quan bao gồm các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, hộ nuôi, các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ và thể chế tài chính, các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ, các viện nghiên cứu, trường đại học. Trước hết, cần có cơ chế trao đổi và chia sẻ thông tin, sự cam kết và chương trình hành động của các bên liên quan để ngành nuôi trồng thủy sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững.

Theo ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Viện trưởng Viện Nuôi trồng Thủy sản II, để phát triển thủy sản bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, các cơ quan chức năng cần nâng cao nhận thức cho người dân, chính quyền địa phương và các cơ quan đoàn thể về tác động của biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, cần nâng cao kỹ năng kiến thức cho người nuôi về quản lý ao nuôi trong điều kiện biến đổi khí hậu, liên kết cộng đồng trong chia sẻ kinh nghiệm và kỹ năng ứng phó với các tác động tiêu cực. Ngoài ra, cần xây dựng hệ thống quan trắc môi trường, giám sát dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản, xây dựng các mô hình nuôi thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu, đa dạng hóa các đối tượng nuôi...

Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam: một trong những nguyên nhân làm cản trở sự phát triển của ngành thủy sản khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là thiếu sự liên kết và hợp tác giữa các chủ thể của ngành, cả cấp độ vùng và cấp độ doanh nghiệp. Vì vậy, để phát triển bền vững ngành thủy sản phải đẩy mạnh hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, giữa các địa phương với nhau.

Cụ thể, cần quan tâm 7 mối liên kết, hợp tác đó là: hợp tác phát triển các hình thức tổ chức lớn hơn giữa dân với dân, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp; liên kết hợp tác giữa doanh nghiệp với nông dân theo chuỗi giá trị, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo; liên kết giữa sản xuất với thị trường; liên kết giữa sản xuất với khoa học công nghệ; liên kết bằng cơ cấu quy hoạch và điều hành vùng; liên kết tài chính ngân hàng với doanh nghiệp và nông dân; liên kết để giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường...

Theo ông Hứa Trần Hoàng, nông dân nuôi thủy sản ở huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang, khó khăn lớn nhất của người dân hiện nay là thiếu kiến thức về kỹ thuật và thiếu nguồn giống sạch bệnh. Các cơ quan chức năng cần hỗ trợ, tập huấn cho nông dân về kỹ thuật nuôi và cung cấp nguồn giống sạch bệnh để nâng cao năng suất, chất lượng nhằm tăng hiệu quả từ nuôi trồng thủy sản.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục