Nhiều giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Kon Tum phải hủy bỏ

Theo ông A Byot, Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải hủy bỏ là do trong quá trình sử dụng, người dân đã không bảo quản tốt.
Nhiều giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Kon Tum phải hủy bỏ ảnh 1Ảnh minh họa.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum, từ đầu năm đến ngày 10/6, đơn vị đã ra quyết định hủy 38 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và 56 trang bổ sung.

Đáng nói là tình trạng này cũng đã xảy ra nhiều trong năm 2021, gây phiền phức cho cả cơ quan chức năng lẫn người sở hữu giấy tờ.

Thành phố Kon Tum là địa phương có số lượng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và trang bổ sung phải hủy bỏ nhiều nhất với 39 trường hợp; tiếp đến là các huyện Đăk Tô, Ngọc Hồi, Kon Rẫy. Việc những giấy tờ liên quan đến đất đai phải hủy bỏ đang gây lo ngại cho ngành ngân hàng vì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thường được người dân sử dụng làm tài sản thế chấp vay vốn.

Theo ông A Byot, Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải hủy bỏ là do trong quá trình sử dụng, người dân đã không bảo quản tốt. Việc di chuyển qua nhiều vị trí hoặc gặp một số vấn đề khác như hỏa hoạn, thiên tai đã khiến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người dân bị mất hoặc rách, không có giá trị sử dụng. Vì vậy, Sở buộc phải hủy bỏ để tiến hành các thủ tục cấp lại cho người dân.

[Đơn giản hóa thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất]

Đối với trang bổ sung, việc hủy bỏ xuất phát từ nhận thức chưa rõ của người sở hữu. Nhiều hộ dân sau khi thực hiện nghĩa vụ với ngân hàng xong đã nghĩ trang bổ sung không có giá trị nên xé bỏ. Tuy nhiên, trang bổ sung luôn có đóng dấu giáp lai, luôn phải đi kèm với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vì thế, khi thực hiện một giao dịch mới với ngân hàng hoặc chuyển nhượng sẽ không được, nên buộc phải hủy để cấp mới.

"Cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rất tốn thời gian. Riêng thời gian công khai ở xã, phường đã mất 30 ngày. Chính vì vậy, người dân cần cẩn thận trong hồ sơ liên quan đến đất đai, tuyệt đối không xé bỏ những giấy tờ có đóng dấu giáp lai cùng với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất," ông A Byot khuyến cáo.

Trước đó, năm 2021, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum đã phải ra quyết định hủy 72 giấy chứng nhận quyền sử dựng đất và 116 trang bổ sung vì những lý do như trên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục