Đau lòng vì hủ tục

Nhiều hậu quả đau lòng xuất phát từ các hủ tục

Phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số VN là ẩn số thú vị để khám phá nhưng cũng chứa đựng hủ tục để lại hậu quả đau lòng.
Dù còn nhiều khó khăn, nhưng cuộc sống của cộng đồng các dân tộc thiểu số ở các tỉnh vùng cao miền núi phía Bắc như dân tộc Mông, Dao, Giáy, Tày… vẫn đang là ẩn số thú vị đối với người miền xuôi cũng như du khách nước ngoài.

Đó là nhờ các phong tục tập quán mang đậm bản sắc dân tộc, nhưng đáng tiếc là trong số các phong tục đó vẫn còn những hủ tục mà nhiều khi để lại hậu quả đau lòng.

Từ những cái chết... lãng nhách


Trong số các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, người Mông là dân tộc có nhiều hủ tục lạc hậu. Một trong số các hủ tục thường để lại hậu quả lâu dài, đau lòng là việc kết hôn cận huyết thống.

Trường hợp anh Vàng A Chu sinh năm 1968 lấy chị Lý Thị Vá sinh năm 1970 ở Y Tý, Lào Cai là một ví dụ. Hai người là con của hai chị em gái ruột, lấy nhau từ năm 1988, nay sinh được năm người con thì hai người bị thiểu năng trí tuệ bẩm sinh, ba người còn lại cũng thường xuyên ốm yếu.

Không biết là may mắn hay bất hạnh hơn vợ chồng anh Chu, hai vợ chồng anh Má Dế 22 tuổi và chị Sùng Thị Mỷ 21 tuổi lại là trường hợp con anh trai lấy con em gái, cưới nhau đã ba năm mà vẫn chưa có con.

Điều đáng mừng là người dân trong vùng đã bắt đầu nhận thức được hậu quả của hủ tục này, do được cán bộ địa phương tuyên truyền, vận động, nên hai năm gần đây không thấy tái diễn việc kết hôn cận huyết thống.

Với người dân tộc Mông, Giáy, Tày… , cần phải kể đến một hủ tục khá phổ biến khác là “bắt con ma bệnh”. Do quan niệm người ốm là do bị ma ám nên người nhà chỉ mời thầy mo về cúng để đuổi con ma bệnh.  Nhiều trường hợp, bệnh không thuyên giảm mà còn dẫn đến những cái chết oan uổng.

Đến Y Tý (Lào Cai) những ngày này vẫn còn nghe chuyện về cái chết của chị Vàng Thị Sua do bị đau bụng vì viêm ruột thừa nhưng người nhà không đưa đi viện mà mời thầy về cúng.

Tuy thế, "bắt con ma bệnh" hay lấy chồng lấy vợ cận huyết thống,… xem ra vẫn còn là những hủ tục có phần “nhẹ ký” so với tục làm ma cho người chết của người Mông.

Thay vì được khâm liệm thì người chết được treo lên vách bàn thờ đối diện với cửa chính và thường được để lâu trong nhà, có thể tới hàng tuần cho đến lúc cái xác trương lên, nước chảy tong tong, bốc mùi xú uế, Trưởng ban Dân vận huyện Bát Xát Vàng Seo Say cho hay.

Mầm bệnh cũng từ đó mà phát tán. Như trường hợp con trai cụ Lào Thị Mò (80 tuổi), sau một thời gian ốm bệnh chết, xác để trong nhà rỉ nước, em gái bất cẩn tiếp xúc với thứ nước dịch ấy một tuần sau cũng... đi theo anh, để lại mình mẹ già.

“Theo tục lệ thì người vào viếng sẽ bốc một nắm cơm, một miếng thịt mớm vào miệng người chết, thấy cơm và thịt rơi ra có nghĩa người đã… chết thật. Lúc đó người đến viếng mới khóc rống lên tiếc thương rồi ra ngoài… ăn nhậu chia buồn,” anh Say kể.

Đi và chứng kiến mới thấy, người dân tộc thiểu số ở nhiều vùng không chỉ bỏ mạng sống vì nhưng hủ tục lạc hậu mà nhiều trường hợp chỉ vì những lý do "không đâu vào đâu."

Kể vài trường hợp tự tử bằng lá ngón chỉ do xích mích gia đình hay sợ bố mẹ la mắng, thiếu tá Hà Xuân Bình, Trưởng Công an huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai cho rằng: "Nhận thức về giá trị sống của người dân còn rất nông cạn.”

Đến chiến thắng nỗi sợ suy vong

Trước tình trạng tồn tại nhiều đời nay như vậy, chính quyền địa phương các tỉnh vùng cao, tiêu biểu là tỉnh Lào Cai bắt đầu từ cuối năm 2004, đã  rốt ráo vận động, tuyên truyền bà con xóa bỏ hủ tục, đưa nếp sống văn minh về bản.

Theo đó, đến thời điểm này, số vụ tự tử bằng lá ngón đã giảm đáng kể. Huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai sau Tết năm 2011 chỉ có hai vụ. Tục lấy người cận huyết thống hay "bắt ma bệnh" cũng đang dần trở thành quá khứ. Góp phần vào kết quả này phải kể đến sự vào cuộc tích cực của các tổ chức đoàn thanh niên và hội phụ nữ.

Chiến dịch vận động bà con Mông cho người chết vào áo quan và mang đi chôn trong vòng 48 tiếng bắt đầu triển khai từ cuối năm 2005 được thí điểm ở dòng họ Thào ở Ngải Thầu, dòng họ Sùng ở Dền Thàng.

Mới đầu, chiến dịch gặp khá nhiều khó khăn. Cũng bởi các dòng họ đều lo sợ nếu làm trái với tục lệ của cha ông thì con cháu đời sau sẽ bị báo ứng mà không thể làm ăn gì, thậm chí là bị chết như chị Sồng A Siên ở xã Sảng Ma Sáo bày tỏ.

Nhưng những người trẻ tuổi trong dòng họ như chị Siên cũng nhận thức được việc làm ma như vậy là mất vệ sinh và tốn kém, chỉ có điều không ai dám lên tiếng vì đó dù sao vẫn là “truyền thống dân tộc.”

“Già làng, trưởng bản nói phải bỏ hủ tục nhiều người họ còn không nghe nhưng khi Chủ tịch, Bí thư xã lên nói thì họ nghe ngay,” Chủ tịch xã Sảng Ma Sáo Lý A Dua cho biết. Thế mới thấy vai trò của cán bộ xã ở các bản làng xa xôi hẻo lánh quan trọng đến mức nào.

Sau một thời gian được cán bộ “giác ngộ”, đặc biệt lại được xã tạo điều kiện cho mượn kinh phí trong việc đóng áo quan, hủ tục của bà con đang dần được cải tạo cho phù hợp với sinh hoạt mới mà vẫn giữ được nét truyền thống./.

Chi Lê (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục