Công tác hỗ trợ việc làm cho người lao động khuyết tật trong thời gian gần đây đang được các cơ quan chức năng quan tâm, chú trọng. Ngày càng nhiều các tổ chức, cá nhân tham gia công tác giáo dục, tạo việc làm cho người khuyết tật.
Giúp người cùng cảnh ngộ
Cơ sở may thêu mang tên Học nghề-Việc làm 3/12 ở phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm thường xuyên có khoảng 15 người khuyết tật đến học nghề và làm việc.
Các học viên thuộc các đối tượng khuyết tật khác nhau, đa phần là khuyết tật nặng. Tại đây, họ được rèn luyện ngôn ngữ cơ thể và đào tạo nghề may, thêu các loại cờ khác nhau.
Lương các học viên căn cứ vào từng loại sản phẩm và số lượng sản phẩm nhiều ít phụ thuộc vào sức khỏe và tình trạng khuyết tật, mức thu nhập trung bình của mỗi người khoảng 4-5 triệu/ tháng.
Chủ cơ sở Học nghề-Việc làm 3/12, ông Nguyễn Kim Khôi cũng là một người khuyết tật. Theo ông Nguyễn Kim Khôi, kể từ thời điểm ông thành lập cơ sở này vào năm 2009 đến nay, đã có hơn 100 người khuyết tật được đào tạo nghề may, có việc làm để tự nuôi sống bản thân.
Có trường hợp học viên chỉ sử dụng được một bên tay, cơ sở đã giúp họ sử dụng thành thạo, hữu ích cánh tay này và cánh tay còn lại. Có trường hợp học viên khuyết tật chân với tình trạng hai chân quá ngắn, không với tới bàn đạp máy khâu, cơ sở đã điều chỉnh trục máy khâu thấp xuống và chế tạo thiết bị nối dài tới chân, giúp học viên có thể xoay được bàn chân khi đạp máy.
[Thúc đẩy quyền của người khuyết tật trong lĩnh vực việc làm ở Việt Nam]
Ngoài cơ sở của ông Nguyễn Kim Khôi, những năm gần đây ở Hà Nội có thêm nhiều người khuyết tật mở cơ sở đào tạo nghề, sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho bản thân và những người cùng cảnh ngộ.
Điển hình như Hợp tác xã Vụn (Vụn Art), phường Vạn Phúc, quận Hà Ðông của ông Lê Việt Cường hay Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng ở xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn của bà Ðinh Thị Quỳnh Nga hoặc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thêu tranh, ảnh cao cấp Hoàng Thị Khương ở xã Quất Động, huyện Thường Tín của bà Hoàng Thị Khương.
Cải thiện đời sống, điều kiện sinh hoạt
Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, hiện nay, ước tính cả nước có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên, chiếm 7,06% dân số.
Để giúp người khuyết tật tự tin hòa nhập với cộng đồng, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã dành nhiều sự quan tâm và tập trung triển khai các cơ chế, chính sách trợ giúp hiệu quả.
Hiện cả nước có trên 1 triệu người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng, khoảng 100.000 gia đình, cá nhân nhận chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng và hàng triệu người khuyết tật, trẻ em khuyết tật được nuôi dưỡng, chăm sóc trong các cơ sở bảo trợ xã hội.
Bên cạnh nguồn lực từ ngân sách nhà nước, các tổ chức của người khuyết tật và vì người khuyết tật đã tích cực huy động nguồn lực xã hội để cải thiện đời sống và điều kiện sinh hoạt mọi mặt của nhóm người yếu thế này.
Các hoạt động trợ giúp người khuyết tật được triển khai rất đa dạng, đáp ứng thiết thực nhu cầu của đối tượng được trợ giúp như hỗ trợ chăm sóc, điều trị, phẫu thuật, xông hơi giải độc, phục hồi chức năng, cấp thẻ bảo hiểm y tế, tặng xe lăn, xe lắc, xe bại não, dụng cụ trợ giúp khác cho người khuyết tật, tặng xe đạp, cấp học bổng, trợ giúp tìm việc làm, xây mới, sửa chữa nhà tình thương, nhà đại đoàn kết.
Các hoạt động hỗ trợ xây dựng đường tiếp cận, công trình vệ sinh hợp quy chuẩn quốc gia hay thăm hỏi, tặng quà, dạy nghề, hỗ trợ vật nuôi cho hộ gia đình tiếp tục được thực hiện.
Nổi bật là Hội Bảo trợ Người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam từ các nguồn hỗ trợ đã giúp đỡ cho 4,1 triệu lượt người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo.
Đặc biệt, hiện nay cả nước có 50 tỉnh, thành phố triển khai Chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, trong đó có 18 tỉnh triển khai toàn bộ tại các huyện, các xã.
Hệ thống bệnh viện, trung tâm, các cơ sở chuyên khoa và các khoa phục hồi chức năng tiếp tục được củng cố và phát triển từ trung ương đến địa phương với 63 bệnh viện/Trung tâm phục hồi chức năng, 100% bệnh viện đa khoa tuyến trung ương và tuyến tỉnh có khoa phục hồi chức năng và cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng ngay tại bệnh viện cho người bệnh, đặc biệt người bệnh mạn tính, người bệnh bị các chấn thương cấp tính, sau phẫu thuật.
Theo nhận định của Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, đối với người khuyết tật, ngoài chính sách bảo trợ xã hội, giải pháp tối ưu giúp họ hòa nhập cộng đồng là người thân và các cơ quan chức năng trao cho người khuyết tật niềm tin, hỗ trợ dạy nghề, tạo cơ hội việc làm phù hợp từng người, theo từng dạng tật.
Cả nước đã có trên 19.550 người khuyết tật được hỗ trợ học nghề theo chính sách của Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” bằng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Từ nguồn vốn của Quỹ quốc gia về việc làm và ủy thác của các địa phương, Ngân hàng chính sách xã hội đã hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 118.781 lao động, trong đó có 1.738 lao động là người khuyết tật.
Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) đã triển khai ký hợp đồng đặt hàng với một số Trung tâm dịch vụ việc làm Quảng Ninh, Bình Dương, Hội Người khuyết tật Hà Nội, qua đó đã giới thiệu việc làm thành công cho 30 người khuyết tật, tư vấn định hướng nghề nghiệp cho 850 người và đào tạo bồi dưỡng kỹ năng, hướng nghiệp, khởi sự doanh nghiệp cho 1.120 người.
Văn phòng Ủy ban quốc gia Người khuyết tật đã triển khai hỗ trợ sinh kế cho trên 150 gia đình có người khuyết tật tại 8 tỉnh, thành phố hỗ trợ bằng các hình thức cung cấp con giống vật nuôi, cây trồng, công cụ sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất kinh doanh và thí điểm mô hình sinh kế phù hợp với người khuyết tật.
Hội người mù Việt Nam giao quản lý 51,65 tỷ đồng, triển khai cho vay tại 51 tỉnh, thành phố cho gần 10.000 hộ người mù.
Thúc đẩy hoàn thiện thể chế, chính sách
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng, những năm qua, việc bảo vệ quyền của người khuyết tật và thực hiện các chính sách trợ giúp người khuyết tật luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm sâu sắc, thúc đẩy quá trình hoàn thiện thể chế, ưu tiên bố trí nguồn lực bảo đảm thực hiện các chính sách, chương trình, đề án trợ giúp người khuyết tật; một số chính sách trợ giúp người khuyết tật được tích cực điều chỉnh phù hợp với thực tế.
Bên cạnh đó, những đổi mới tích cực trong hoạt động truyền thông cả về nội dung, phương pháp, đối tượng, thời điểm mang lại nhiều hiệu quả thực chất trong việc nâng cao nhận thức, tạo sự lan tỏa rộng rãi trong xã hội quan tâm, chăm lo người khuyết tật; giảm thiểu định kiến xã hội về năng lực của người khuyết tật, thúc đẩy chuyển biến tích cực trong công tác đào tạo nghề, tạo sinh kế phù hợp để người khuyết tật tự chủ cuộc sống.
Để giúp người khuyết tật tự tin hòa nhập cộng đồng, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết thời gian tới, Văn phòng Ủy ban quốc gia Người khuyết tật và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục phát triển, hoàn thiện chính sách, pháp luật về người khuyết tật và công tác trợ giúp người khuyết tật.
Cơ quan chức năng tích cực rà soát để kịp thời ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung, khắc phục những vướng mắc, bất cập, tạo cơ hội bình đẳng và giảm thiểu rào cản đối với người khuyết tật trên mọi lĩnh vực, bảo đảm phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật; chú trọng những chính sách đột phá để tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm, tạo sinh kế ổn định, tự chủ cho người khuyết tật.
Trong xây dựng và triển khai mô hình sinh kế cho người khuyết tật sẽ tập trung thực hiện mô hình đào tạo nghề gắn với việc làm tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; mô hình đào tạo nghề gắn với sinh kế cho người khuyết tật; mô hình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng./.