Nhiều lãnh đạo bộ, ngành xem nhẹ vai trò của công tác thống kê

Một số bộ, ngành vẫn chưa triển khai hoặc triển khai chưa đúng chỉ tiêu thống kê quốc gia theo quy định trong Luật Thống kê 2015,do các lãnh đạo bộ, ngành còn xem nhẹ vai trò của công tác thống kê.
Nhiều lãnh đạo bộ, ngành xem nhẹ vai trò của công tác thống kê ảnh 1Hội nghị Thống kê bộ, ngành năm 2018, ngày 10/12. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Để củng cố công tác thống kê Nhà nước, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 85/2017/NĐ-CP, trong đó quy định rõ “tổ chức thống kê bộ, cơ quan ngang bộ là phòng thống kê thuộc vụ kế hoạch tài chính hoặc tổ chức hành chính khác thuộc bộ, cơ quan ngang bộ.” Tuy nhiên, một số bộ, ngành đến nay vẫn chưa triển khai hoặc triển khai chưa đúng quy định.

[Tổng cục Thống kê: Quy mô tổng điều tra dân số năm 2019 rất lớn]

Tại Hội nghị Thống kê bộ, ngành năm 2018, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết nguyên nhân của những tồn tại trên là do các lãnh đạo bộ, ngành còn xem nhẹ vai trò của công tác thống kê.

Thậm chí, một số bộ, ngành chưa quan tâm đến cải tiến phương pháp chuyên môn, nghiệp vụ thống kê cũng như đôn đốc quyết liệt việc xây dựng, thực hiện hệ thống chỉ tiêu thống kê của đơn vị mình. 

Chưa theo kịp hệ thống chỉ tiêu thống kê mới

Theo Báo cáo “Tổng kết công tác thống kê bộ, ngành giai đoạn 2014-2018 và phương hướng, nhiệm vụ các năm tiếp theo,” phía Tổng cục Thống kê cho hay, thời gian qua các bộ, ngành có chú trọng xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện hệ thống chỉ tiêu, chế độ báo cáo thống kê làm cơ sở thu thập số liệu đáp ứng nhu cầu thông tin của Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia.

Hiện đã có 22 bộ, ngành trong cả nước ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê, song trong đó chỉ có 15 bộ, ngành ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê đồng bộ với Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia mới, được quy định trong Luật Thống kê 2015.

Bên cạnh đó, 21 bộ, ngành đã thực hiện việc ban hành chế độ báo cáo thống kê áp dụng đối với sở, ngành địa phương nhưng chỉ có 11 bộ, ngành rà soát, cập nhật và ban hành chế độ báo cáo thống kê phù hợp với các quy định của Luật và hệ thống chỉ tiêu thống kê mới.

Về “Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030,” dù các hầu hết bộ, ngành đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) tích cực thực hiện các hoạt động Chiến lược và triển khai hiệu quả Luật Thống kê 2015, song vẫn có những đơn vị chưa chú trọng đến vẫn đề này.

Kết quả cho thấy, hiện có 19 bộ, ngành ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược thuộc phạm vi quản lý đồng thời hàng năm báo cáo tình hình và kết quả thực hiện Chiến lược để Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Về tiến độ, các bộ, ngành đã triển khai thực hiện tất cả 40 hoạt động được giao trong Chiến lược nhưng mới có 22 hoạt động hoàn thành và 18 hoạt động đang tiếp tục thực hiện.

Nhiều lãnh đạo bộ, ngành xem nhẹ vai trò của công tác thống kê ảnh 2Tiến độ thực hiện một số hoạt động tại Chiến lược phát triển Thống kê diễn ra chậm so với kế hoạch. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ý thức chấp hành Luật chưa nghiêm

Ngoài ra, Báo cáo cũng chỉ ra một số hạn chế, bất cập khác trong hoạt động thống kê nói chung từ các bộ, ngành.   

Cụ thể, nhiều nơi xây dựng, ban hành hệ thống chỉ tiêu, chế độ báo cáo và văn bản pháp lý trong lĩnh vực thống kê còn chậm, chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung phù hợp với Luật.

Ngoài ra, một số bộ, ngành tuy ban hành hệ thống chỉ tiêu nhưng chưa xây dựng chế độ báo cáo thống kê dẫn đến tình hình thực hiện chế độ báo cáo thống kê chưa đảm bảo quy định về phạm vi số liệu và thời gian; Chất lượng thông tin thống kê tại một số bộ, ngành còn bất cập thậm chí chưa bảo đảm tính chính xác, đầy đủ. Bên cạnh đó, tiến độ thực hiện một số hoạt động tại Chiến lược phát triển Thống kê diễn ra chậm so với kế hoạch.

Điểm đáng nói là các hoạt động phối hợp, chia sẻ thông tin thống kê giữa các bộ, ngành vẫn còn hạn chế. Hiện còn trên 50% số bộ, ngành chưa ký Quy chế phối hợp, chia sẻ thông tin với Tổng cục Thống kê.

Nhiều lãnh đạo bộ, ngành xem nhẹ vai trò của công tác thống kê ảnh 3Điều tra viên thực hiện điều tra dân số và nhà ở. (Ảnh: Hồng Kỳ/TTXVN)

Làm rõ trách nhiệm người đứng đầu

Theo ông Lâm, các nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là do tổ chức, bộ máy thống kê ở một số bộ, ngành chưa được hoàn thiện, cơ sở vật chất và kinh phí cho công tác thống kê chưa đảm bảo. Và, điểm cơ bản là ý thức chấp hành pháp luật thống kê của một bộ phận doanh nghiệp và người dân chưa nghiêm. Thêm vào đó, chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê chưa đủ mạnh để tạo sự răn đe.

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã thẳng thắn phê bình các bộ chưa thực hiện nghiêm Nghị định số 85 và yêu cầu yêu cầu Tổng cục Thống kê phải làm rõ, đánh giá sát thực hiện trạng của công tác thống kê.

Phó Thủ tướng chỉ đạo, cần nhìn nhận thái độ của một số lãnh đạo bộ, ngành là nghiêm túc hay không nghiêm túc. "Nhiều đồng chí lãnh đạo không quan tâm đến công tác thống kê, đề nghị phải kiểm điểm làm rõ việc này cũng như trách nhiệm của các bộ, ngành trong thời gian tới với việc tổ chức thực hiện Luật thống kê, Chiến lược phát triển và đề án nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về chất lượng thống kê."

Trong khi đó, ông Nguyễn Bích Lâm đề xuất, các bộ, ngành cần đẩy nhanh tiến độ ban hành hệ thống chỉ tiêu, chế độ báo cáo, bảng phân loại, chương trình điều tra và cập nhật kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển Thống kê phù hợp với quy định của Luật Thống kê 2015.

“Các bộ, ngành cần phối hợp và khẩn trương triển khai thu thập, tổng hợp chỉ tiêu thống kê quốc gia được phân công theo quy định tại Nghị định số 60/2018/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 43/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình điều tra thống kê quốc gia,” ông Lâm nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục