Chính quyền địa phương của Cộng hòa Congo ngày 12/8 cho biết một nhóm dân quân được trang bị súng và dao rựa đã sát hại ít nhất 10 người trong vụ bạo lực giữa các cộng đồng ở khu vực Tây Nam của quốc gia Trung Phi.
Vụ việc này là diễn biến mới nhất trong cuộc khủng hoảng ngày càng sâu sắc ở Cộng hòa Congo.
Người phát ngôn Adelard Nkisi của chính quyền tỉnh Kwango xác nhận nhóm dân quân Mobondo hôm 11/8 đã tấn công dân thường và đốt cháy một số ngôi nhà ở làng Ipongi, chỉ cách thủ đô Kinshasa hơn 370 km về phía Nam.
Theo ông Nkisi, một số nạn nhân không xác định đã bị các thành viên của Mobondo trói và bắt cóc, những người khác đã chạy trốn vào rừng rậm.
Nhà chức trách địa phương đã điều động lực lượng dân phòng và an ninh lập lại trật tự trong khu vực
Căng thẳng bùng phát từ tháng 6/2022 do tranh chấp về quyền sử dụng đất và thuế ở khu vực Tây Nam Cộng hòa Congo giữa những người Teke - cư dân lịch sử của vùng - với nông dân của nhiều nhóm sắc tộc khác, trong đó có tộc người Yaka mới định cư gần Sông Congo trong thời gian gần đây.
Cũng theo ông Nkisi, bạo lực hôm 11/8 bùng phát sau khi một thủ lĩnh của nhóm dân quân Mobondo với đa số là người Yaka bị bắt và giam giữ tại thị trấn gần đó.
[Cộng đồng Đông Phi điều tra vụ thảm sát 11 người ở CHDC Congo]
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) ghi nhận đây là vụ việc mới nhất trong vòng xoáy bạo lực đã khiến ít nhất 300 người thiệt mạng trong giai đoạn từ tháng 6/2022 đến tháng 3/2023, giữa lúc 2 cộng đồng Teke và Yaka bất đồng về chính sách tăng thuế và tiếp cận đất nông nghiệp.
Ông Symphorien Kwengo - Phó Chủ tịch của một tổ chức xã hội dân sự khu vực - đã kêu gọi các cộng đồng đối thoại với nhóm dân quân Mobondo để xoa dịu tình hình.
Trong khi đó, một cuộc xung đột dai dẳng hơn, với quy mô lớn hơn trên khắp Cộng hòa Congo đã khiến hàng trăm nghìn người phải rời bỏ nhà cửa chỉ tính riêng trong năm 2022.
Tại các tỉnh phía Đông Bắc của quốc gia Trung Phi, gần biên giới với Rwanda và Uganda, hơn 120 nhóm vũ trang tiếp tục đấu tranh để giành quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên khoáng sản có giá trị hoặc bảo vệ cộng đồng.
Những vụ giết người hàng loạt của các nhóm phiến quân thường xuyên xảy ra khiến dân thường phải di cư, từ đó dẫn đến tình trạng mất an ninh lương thực, bạo lực tình dục và lây lan dịch bệnh./.