Nhiều nước "chậm phát triển" không muốn thăng hạng

Bản danh sách LDCs, tăng từ mức 24 nước năm 1971 lên con số 49, đang bắt đầu thu hẹp lại. Ba quốc gia Botswana, Cape Verde và Mandives đã được nhấc lên nhóm các nước đang phát triển.

Trong bối cảnh “sức khỏe” nền kinh tế được cải thiện, có ít nhất 6 quốc gia nữa - Tuvalu, Vanuatu, Kiribati, Angola, Samoa and Equatorial Guinea (Guinea Xích đạo) - được dự báo sẽ rời nhóm Những quốc gia kém phát triển nhất (viết tắt theo tiếng Anh - LDCs) vào năm 2015.
Những quốc gia kém phát triển nhất (viết tắt theo tiếng Anh - LDCs) là những quốc gia chậm phát triển nhất (xét cả về mặt kinh tế lẫn xã hội) trong số các quốc gia đang phát triển theo đánh giá của Liên hợp quốc.

Năm 2003, Liên hợp quốc quy định những tiêu chí để xác định một quốc gia kém phát triển nhất. Thứ nhất, mức thu nhập thấp: Giá trị bình quân của chỉ số Tổng thu nhập quốc gia trên đầu người hàng năm trong vòng ba năm dưới 750 USD. Thứ hai, nguồn lực con người nghèo nàn. Thứ ba, nền kinh tế dễ bị tổn thương.

Không vui khi được thăng hạng

Bản danh sách LDCs, tăng từ mức 24 nước năm 1971 lên con số 49, đang bắt đầu thu hẹp lại. Ba quốc gia Botswana, Cape Verde và Mandives đã được nhấc lên nhóm các nước đang phát triển.

Trong bối cảnh “sức khỏe” nền kinh tế được cải thiện, có ít nhất 6 quốc gia nữa - Tuvalu, Vanuatu, Kiribati, Angola, Samoa and Equatorial Guinea (Guinea Xích đạo) - được dự báo sẽ rời nhóm LDCs vào năm 2015.

Nhưng một vài nước trong số này tỏ ra miễn cưỡng khi được “thăng hạng” và tìm cách trì hoãn. Bởi vì, khi còn nằm trong danh sách LDCs, họ còn được hưởng nhiều ưu ái như ưu đãi thuế xuất khẩu và viện trợ phát triển ở mức cao.

Theo Báo cáo Đầu tư Thế giới 2013 vừa được Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD ) công bố, luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào LDCs năm 2012 đã tăng 20% lên mức kỷ lục 26 tỷ USD.

Mức tăng này có được nhờ "tác động" mạnh từ Campuchia, nơi luồng vốn FDI tăng 73%, và 5 quốc gia châu Phi - Cộng hòa dân chủ Congo (DRC-tăng 96%), Liberia (tăng 167%), Mauritania (105%), Mozambique (96%) và Uganda (93%).

Tất các các nước này đều đang được “gắn mác” LDCs. Tuy nhiên, cũng có tới 20 nước LDC báo cáo về hiện tượng FDI sụt giảm, và xu hướng này khá “đậm đặc” ở Angola, Burundi, Mali và Quần đảo Solomon.

Được coi là nghèo nhất trong nhóm nghèo, điểm nổi bật của LDCs là tình trạng cực nghèo và cơ cấu kinh tế yếu kém.

Theo Liên hợp quốc, những đặc điểm này thường được “tô đậm” thêm bởi những bất lợi về địa vật lý, năng lực phát triển hạn chế, và tình trạng dễ bị tổn thương trước những cú sốc từ bên ngoài.

Quốc gia mới đây nhất được đưa vào danh sách LDCs là Nam Sudan - chính thức trở thành thành viên thứ 193 của Liên hợp quốc hồi tháng 7/2011.

Chuyện FDI tăng tại LDCs

Khi được hỏi liệu FDI tăng tại LDCs là khởi đầu cho một xu hướng mới hay chỉ là một hiện tượng nhất thời, ông Arjun Karki, điều phối viên quốc tế cho LDC Watch (một tổ chức chuyên về các vấn đề phát triển và các mối quan ngại tại LDCs) cho rằng tương lai của hiện tượng này chưa rõ ràng.

Các nước đang được giới đầu tư ưu ái là những nước LDC giàu tài nguyên, như DRC, Liberia, Mauritania, Mozambique hay Uganda. Và các khoản đầu tư chủ yếu rót vào khu vực khai khoáng. Xét trên khía cạnh phát triển, xu hướng này không được khuyến khích nhiều vì nó phản ánh sự tăng trưởng không bền vững.

Ủy ban Chính sách phát triển của Liên hợp quốc (CDP) thường xác định một số tiêu chí để “xét duyệt” một nước vào nhóm LDC trên cơ sở số dân, thu nhập quốc gia và các chỉ số kinh tế khác, nhưng quyết định cuối cùng vẫn tùy thuộc vào quốc gia đó. Chẳng hạn như Zimababwe đã từ chối gia nhập nhóm LDCs mặc dù được CDP đánh giá “đủ tư cách.”

Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nhận xét luồng vốn FDI tăng ở “thời điểm quan trọng,” khi cộng đồng quốc tế đang cố gắng thực hiện những nỗ lực cuối cùng để đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) vào năm 2015.

Luồng vốn FDI được điều chỉnh

Ông Arjun Karki đánh giá Chương trình Hành động Istanbul dành cho các nước LDCs giai đoạn 2011-2020 đã có bước dịch chuyển nhẹ, từ chỗ lấy hàng hóa thô làm điểm tựa cho tăng trưởng sang việc xây dựng năng lực sản xuất nhằm thay đổi cơ cấu kinh tế tại LDCs.

Bởi vậy, dòng vốn FDI đổ vào LDCs sẽ được hoan nghênh nếu địa chỉ của chúng là khu vực chế tạo, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ cơ bản như y tế, nước, vệ sinh, điện lực và thông tin.

Khi FDI dồn vào khu vực khai khoáng thì điểm dở nhất là lợi ích của luồng vốn không thể khuếch tán, chỉ lọt vào túi các các tập đoàn đa quốc gia và các nhóm lợi ích (của quốc gia tiếp nhận vốn FDI) kiếm được bộn tiền trên lưng người nghèo. Ông Karki khẳng định tình trạng bất bình đẳng ngày càng nới rộng, cùng với việc tái phân phối nguồn lực vẫn là một thách thức đối với quá trình phát triển tại LDCs.

Ông Karki cho rằng, tình trạng FDI sụt giảm ở một số nước như Angola, Burundi và Mali, có thể có nguyên nhân từ sự mất ổn định chính trị tại các nước này. Một lý do nữa làm giảm FDI là trong định hướng phát triển kinh tế, chính quyền nỗ lực bảo vệ lợi ích quốc gia và quyền của người dân (không bị bóc lột).

Trong trường hợp này, ông Karki cho rằng chính phủ muốn đưa đất nước thoát khỏi những nguyên nhân mang tính cơ cấu của đói nghèo và bất công. Đối với chính phủ này, vấn đề chủ quyền là then chốt, phải được tôn trọng và phù hợp với các hệ thống quốc gia./.

Hương Giang (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục