Nhiều thiệt thòi cho người lao động nếu nhận bảo hiểm xã hội một lần

Việc người lao động đăng ký nhận bảo hiểm xã hội một lần, tự mình rời khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội đang là một thực trạng đáng lo ngại gây tác động tiêu cực tới lợi ích của cá nhân cũng như xã hội.
Tuyên truyền về chính sách bảo hiểm xã hội cho người lao động. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Tuyên truyền về chính sách bảo hiểm xã hội cho người lao động. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 kéo dài, nhiều lao động nghỉ việc, mất việc nên đã lựa chọn nhận bảo hiểm xã hội một lần. Điều này đồng nghĩa với việc trong tương lai, những người lao động này khi đến tuổi nghỉ hưu sẽ không có thu nhập hàng tháng từ lương hưu để đảm bảo cuộc sống cũng như không được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí để chăm sóc sức khỏe khi về già, độ tuổi thường gặp nhiều bất trắc về sức khỏe.

Người nhận bảo hiểm xã hội một lần tăng mạnh 

Theo thống kê của bảo hiểm xã hội Việt Nam, số người lao động nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội một lần đang có xu hướng gia tăng qua các năm, giai đoạn 2016-2020 có tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 9%. Đáng lo ngại, trong 3 tháng đầu năm 2021, số lượng người lao động nhận bảo hiểm xã hội một lần tiếp tục tăng nhanh.

Chỉ trong ba tháng đầu năm, cả nước có 226.503 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2020. Một số địa phương bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 có số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần tăng cao như: Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng…

Đại diện cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết nguyên nhân của tình trạng trên chủ yếu là do tác động của dịch bệnh COVID-19 khiến doanh nghiệp gặp khó khăn dẫn đến nhiều lao động phải nghỉ việc. Đến nay, người lao động đã nghỉ việc đủ 12 tháng nên làm thủ tục đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần với mong muốn có một khoản tiền để trang trải cuộc sống hiện tại.

Nhiều thiệt thòi cho người lao động nếu nhận bảo hiểm xã hội một lần ảnh 1Lao động làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp do mất việc vì COVID-19. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Phân tích theo thời gian nghỉ chờ hưởng lương hưu cho thấy trong giai đoạn 2016-2019, người hưởng bảo hiểm xã hội một lần chủ yếu là những người lao động sau một năm nghỉ việc không đóng bảo hiểm xã hội, trung bình chiếm khoảng 97%.

Ngoài nguyên nhân khó khăn về thu nhập thì còn do một bộ phận nhỏ người lao động vẫn còn quan niệm “trẻ cậy cha, già cậy con”, chưa hình thành thói quen lúc trẻ đóng bảo hiểm xã hội để khi về già có lương hưu, không phải phụ thuộc vào con cháu.

Nhiều thiệt thòi cho người lao động

Việc người lao động đăng ký nhận bảo hiểm xã hội một lần, tự mình rời khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội là thực trạng đáng lo ngại, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, mà còn làm ảnh hưởng tới tình hình kinh tế-xã hội, cũng như việc đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân của Đảng và Nhà nước.

Theo tính toán của cơ quan bảo hiểm xã hội, nếu lĩnh bảo hiểm xã hội một lần, người lao động sẽ mất đi khoảng 1,14 tháng lương đối với mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội trước năm 2014 và khoảng 0,64 tháng lương đối với mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội sau năm 2014. Không chỉ ảnh hưởng đến quyền lời trước mắt, nhận bảo hiểm xã hội một lần khiến người lao động sẽ mất đi cơ hội hưởng lương hưu, không có gì đảm bảo cho cuộc sống lúc tuổi già.

Nhiều thiệt thòi cho người lao động nếu nhận bảo hiểm xã hội một lần ảnh 2Giải quyết chế độ bảo hiểm cho người lao động. (Ảnh minh họa: Vietnam+)

Chia sẻ lo lắng trước tình trạng gia tăng số người lao động nhận bảo hiểm xã hội một lần trong 3 tháng đầu năm 2021, ông Đỗ Ngọc Thọ, Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết: “Là đơn vị tổ chức thực hiện chính sách, chúng tôi thực sự cảm thấy rất tiếc nuối khi người lao động lựa chọn phương án nhận bảo hiểm xã hội một lần thay vì lựa chọn bảo lưu thời gian đã đóng và đợi có điều kiện tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội, tích lũy để hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động.”

Theo ông Đỗ Ngọc Thọ, khi nhận bảo hiểm xã hội một lần, người lao động sẽ thiệt thòi rất nhiều, bởi chưa đến tuổi nghỉ hưu đã tiêu hết tiền dưỡng già. Đến khi về già, không được hưởng lương hưu, phải sống phụ thuộc vào con, cháu và xã hội.

"Nếu không may bị bệnh, không có thẻ bảo hiểm y tế theo chế độ hưu trí, người lao động khi về già còn phải đối mặt với nguy cơ không chi trả nổi chi phí khám chữa bệnh chỉ sau một lần mắc bệnh, nằm viện thời gian dài, có thể phải đối mặt với tình trạng nghèo đói, kiệt quệ, trở thành gánh nặng đối với gia đình và xã hội,” ông Đỗ Ngọc Thọ phân tích.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh tình trạng nhận bảo hiểm xã hội một lần khiến nỗ lực vận động, mở rộng diện bao phủ nhận bảo hiểm xã hội phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, người lao động nhận bảo hiểm xã hội một lần đồng nghĩa với việc họ rời bỏ hệ thống nhận bảo hiểm xã hội, tự tước bỏ quyền được tham gia, thụ hưởng các chế độ nhận bảo hiểm xã hội, đặc biệt là các chế độ dài hạn như hưu trí, tử tuất. Đây là một thực trạng đáng báo động, đáng lo ngại trong việc đảm bảo quyền lợi và chính sách an sinh xã hội lâu dài cho người lao động.

Ông Đỗ Ngọc Thọ đề nghị công đoàn các cấp cần phối hợp với bảo hiểm xã hội các địa phương chú trọng thông tin, truyền thông rộng rãi tới người lao động về tính ưu việt, lợi ích lâu dài khi tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tới người lao động; khuyến nghị người lao động cần cân nhắc kỹ, không nên quyết định hưởng bảo hiểm xã hội một lần mà nên bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, để có điều kiện tự đảm bảo cuộc sống và chăm sóc sức khỏe cho bản thân khi về già, hết tuổi lao động./.

Số liệu thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy giai đoạn 2016-2019, người hưởng bảo hiểm xã hội một lần chủ yếu thuộc nhóm lao động trẻ tuổi và tập trung ở khu vực ngoài Nhà nước, độ tuổi có số người nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội một lần nhiều nhất là từ 26-29 tuổi và bình quân tuổi nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội một lần tăng dần từ 32,5 tuổi năm 2016 lên 33,3 tuổi năm 2019.

Tỷ lệ hưởng bảo hiểm xã hội một lần của nữ giới cao hơn nam giới, tương ứng giai đoạn 2016-2019 là 55,63% đối với nữ giới và 44,37% đối với nam giới.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục