Nhiều vướng mắc trong hỗ trợ khắc phục hậu quả hải sản chết

Do đây là lần đầu tiên xảy ra hải sản chết bất thường trên diện rộng nên trong quá trình thực hiện, các tổ chức tín dụng gặp nhiều vướng mắc do chưa có cách thức, thời điểm tính thiệt hại.
Nhiều vướng mắc trong hỗ trợ khắc phục hậu quả hải sản chết ảnh 1(Ảnh minh họa: Thanh Thủy/TTXVN)

Chiều 9/5, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Bình họp với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ ngư dân theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Báo cáo nhanh của các tổ chức tín dụng tại Quảng Bình cho thấy, trên địa bàn có 2.280 khách hàng vay 798,2 tỷ đồng bị thiệt hại do hải sản chết bất thường trong tháng qua.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại ban hành một số chính sách hỗ trợ ngư dân khắc phục hậu quả do hải sản chết bất thường.

Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Bình chỉ đạo tổ chức tín dụng trên địa bàn rà soát toàn bộ khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng để cơ cấu lại nợ và tiến hành cấp tín dụng ưu đãi.

Tuy nhiên, vì đây là lần đầu tiên xảy ra hải sản chết bất thường trên diện rộng nên trong quá trình thực hiện, các tổ chức tín dụng gặp nhiều vướng mắc do chưa có cách tính mức độ thiệt hại, thời điểm tính thiệt hại cụ thể...

Vì vậy, việc xác định mức độ hỗ trợ còn khó khăn, cho vay mới cũng không dễ do ngư dân chưa thể chuyển nghề ngay được.

Ông Trần Văn Tài, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Quảng Bình cho biết, đơn vị đang tiến hành khảo sát, lập hồ sơ nắm bắt và xử lý nợ tùy theo mức độ thiệt hại về vốn và thủy sản. Đồng thời khảo sát nhu cầu vốn để cho vay khắc phục thiệt hại và cho vay chuyển đổi nghề.

Sau khi báo cáo Trung ương, Ngân hàng đã chỉ đạo dùng nguồn vốn thu nợ cũ, các chương trình và biện pháp để ưu tiên cho xã biển vay khắc phục thiệt hại.

Bên cạnh đó, việc xác minh, đánh giá thiệt hại của ngư dân cũng là một khía cạnh đáng lưu ý đối với các ngân hàng.

Theo ông Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Bình, cách đánh giá thiệt hại rất khó.

Đặc biệt, đối với các tàu nhỏ hoạt động ở vùng bãi ngang hay tàu 200-300CV hiện tại chưa đi biển, nên đánh giá bằng thu nhập của một chuyến biển hay đánh giá từ thời gian ngư dân được phép ra biển.

Vướng mắc này gây khó đối với ngân hàng trong việc hỗ trợ và cho vay vốn để giải quyết khó khăn.

Ông Đinh Quang Hiếu, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Bình cho rằng, ngành ngân hàng đã, đang chia sẻ và đồng hành cùng nhân dân, hỗ trợ bằng chính sách cụ thể.

Bên cạnh đó, Quảng Bình là tỉnh thiệt hại nặng nề nhất trong việc cá chết nên các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn cần phải có chính sách khác so với nhiều tỉnh.

Do đó, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Bình và các tổ chức tín dụng trên địa bàn đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần có cơ chế đặc thù trong việc xử lý nợ và cách tính thiệt hại, mức độ hỗ trợ cần giống nhau giữa các tổ chức tín dụng nhằm dễ dàng áp dụng và tạo sự bình đẳng cho các hộ ngư dân, giúp ngư dân sớm ổn định đời sống và sản xuất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục